Giao lưu trực tuyến "Đem mọi người đến gần nhau hơn"

24/01/2007 10:11 GMT+7

Chiều nay (26/1), Thanhnien Online đã phối hợp cùng với nhãn hàng chewing-gum Doublemint tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề " Đem mọi người đến gần nhau hơn ". Nội dung của buổi giao lưu xoay quanh chủ đề làm thế nào tạo sự thân thiện trong quan hệ xã hội, giúp mỗi cá nhân nâng cao sự tự tin, tạo lập lòng tin nơi những người xung quanh...

Tham gia giao lưu có một số chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý xã hội, và một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, gồm: chị Nguyễn Thị Trang - Thạc sĩ tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM; chị Đặng Thùy Dung - Tổng giám đốc Công ty Thái Nam; chuyên gia Tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Minh Thủy, Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt.

* Xin hỏi cô Nguyễn Thị Trang, Cháu tự thấy mình là một người tốt, luôn đối xử hòa đồng với tất cả mọi người, đôi khi có phần tốt quá. Nhưng cháu lại bị mọi người nói là đểu, cháu không hiểu tại sao? (Hoài Anh, 19 tuổi, Nam, Tam Kỳ, SV)

- Chị Nguyễn Thị Trang - Thạc sĩ tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM: Lòng tốt là một đức tính đáng quý của con người nhưng đôi khi chưa đủ mà còn cần sự khéo léo, tế nhị. Muốn lòng tốt được tiếp nhận thì chúng ta cũng đặt trong hoàn cảnh thích hợp. Vì đôi lúc, lòng tốt cũng có thể bị hiểu lầm. Hơn nữa, để hiểu nhau thì cần phải có một quá trình.

Em không nên quá buồn vì chuyện đó, cứ sống chân thật với mọi người, rồi lòng tốt của em sẽ được người khác hiểu ra. Tuy nhiên, em cũng nên lắng nghe sự góp ý của mọi người để hoàn thiện mình hơn. Chắc chắn, em sẽ gặp được nhiều niềm vui trong cuộc sống khi sống tốt với mọi người.

* Xin hỏi chị Nguyễn Thị Minh Thủy một câu: Tôi dù rất muốn là một người tốt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nhưng lại sợ lòng tốt của mình bị lợi dụng, vì trong cuộc sống hiện nay có nhiều điều giả dối. Tôi phải làm sao để có thể vô tư giúp đỡ người khác? (Nguyên Anh, 20 tuổi, Nữ, TP.HCM, SV)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Sự thực trong cuộc sống không phải lúc nào cũng như bạn nghĩ, là luôn bị lợi dụng, chơi đểu... Điều đó cũng có thể có nhưng không vì thế mà bạn quá sợ điều đó mà bạn sống một cách thu mình, không hòa đồng và sợ lòng tốt bị lợi dụng.

Bạn cứ hãy mở lòng mình đi rồi có thể sống tốt với những đồng nghiệp quanh mình. Lòng tốt của mình cũng sẽ được mọi người biết đến và ghi nhận, nhưng cũng không phải vì thế mà bạn cũng sẵn sàng giúp đỡ những người mà bạn cảm thấy mình đang nghi ngờ hay không tin tưởng. Có một số người có những suy nghĩ không tốt trong quan hệ, chỉ muốn lợi dụng hay chơi xấu người khác, nhưng tôi tin rằng với một tấm lòng rất chân thành và luôn muốn mang lại cho những người khác những điều tốt đẹp, thì bạn sẽ được mọi người xung quanh mình hiểu và ghi nhận sự giúp đỡ của bạn. Chúc bạn hạnh phúc.

* Doanh nghiệp có thể làm gì để giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội? Thông thường, khi công ty của bà làm từ thiện thì mục tiêu nào chú trọng hơn: giúp đỡ người khác hay quảng bá thương hiệu? (Thu Huong, 30 tuổi, Nam, Banh Van Tran, Quan TB, Tp HCM, nhan vien van phong)

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc công ty Thái Nam: Cám ơn câu hỏi của bạn! Trong các hoạt động kinh doanh của mình, nhất là trong thời đại hôm nay, doanh nghiệp trước tiên phải xác định rõ sứ mệnh của mình đối với xã hội, các hoạt động kinh doanh cũng phải mang lại những giá trị cho cộng đồng mới thật sự thành công.

Riêng doanh nghiệp chúng tôi là một doanh nghiệp chuyên về đầu tư, việc giúp đỡ những người kém may mắn không chỉ thể hiện trong việc chọn và định hướng các dự án đầu tư mà còn dành một quỹ cụ thể để làm từ thiện.

Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi đã làm từ thiện khá nhiều, khá đa dạng, nhưng chúng tôi thường không muốn quảng bá cho mình, bởi chúng tôi cho rằng đấy chỉ là một phần nhỏ mà chúng tôi muốn đóng góp lại cho xã hội, nơi sinh ra và nuôi dưỡng chúng tôi và doanh nghiệp chúng tôi trưởng thành. Hầu như rất ít khi chúng tôi thể hiện tên tuổi của mình trong hoạt động này.

Chị Nguyễn Thị Minh Thủy (trái) đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Ngọc Thọ

* Trong lớp cháu học, cháu chơi khá thân với một bạn là người ở tỉnh. Bạn quen một anh ở Hà Nội. Anh này là người kinh doanh, lớn tuổi hơn bạn cháu rất nhiều. Cháu còn nghe nói anh ấy quen bạn cháu chỉ lợi dụng thôi. Cháu rất muốn khuyên bạn nhưng lại không biết mở lời thế nào, sợ bạn cho là mình bày đặt "lên lớp". Mà cháu cũng không đành im lặng vì lo cho bạn. Cháu nên làm gì đây? (Bạch Dương, 20 tuổi, Nữ, Hà Nội, sinh viên)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Cô thấy khi chơi thân với bạn, bạn có những suy nghĩ chưa đúng, cháu muốn khuyên bạn bằng tình cảm chân thật của mình điều đó cô rất hoan nghênh. Sự thật là khi chơi thân với nhau thì thường có xu hướng làm vừa lòng nhau, nhưng suy nghĩ của cháu muốn cho bạn có cách sống lành mạnh hơn, cô thấy đó là điều rất đúng, cháu thấy còn rất băn khoăn khi khuyên bạn những điều đó. Có những lúc cùng nhau đi chơi hay là cùng uống nước... cháu có thể cùng bạn tranh luận về một câu chuyện tương tự như vậy, qua việc tranh luận đó cháu có thể hiểu thêm về bạn mình hoặc những ý kiến, suy nghĩ của bạn và lúc đó cháu có thể nói lên quan điểm của mình trong quan hệ bạn trai về vấn đề mà cháu cần phải góp ý cho bạn.

Cô tin rằng với một thành ý rất chân thành của cháu, thì bạn sẽ hiểu được mình cần phải làm gì để thay đổi cách sống để làm cho tình yêu đẹp hơn không chỉ vì những điều vật chất bình thường, làm mất đi những sự trong sáng.

Chúc con cần có sự kiên trì gần gũi bạn thường xuyên hơn để giúp bạn hiểu được cái suy nghĩ rất là trong sáng tốt đẹp trong tình yêu.

* Xin hỏi Thái Nam là công ty hoạt động trong lĩnh vực nào và đã có những đóng góp gì để giúp "đem mọi người đến gần nhau hơn?" (Nguyen Thi Anh Thu, 35 tuổi, Nam, Ha Noi)

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc công ty Thái Nam: Công ty Thái Nam là một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, chúng tôi đầu tư để phát triển các dự án bất động sản, tài chính, công nghệ (tin học, viễn thông), kể cả thương mại dịch vụ. 

Khẩu hiệu của chúng tôi là "Sáng tạo các giá trị vì cộng đồng", nên trong các hoạt động kinh doanh của mình, chúng tôi luôn tìm tòi và xác định: Chỉ có sáng tạo không ngừng thì mới thực hiện được những dự án tốt, đem lại được những giá trị hữu ích, giải quyết phù hợp các vấn đề của xã hội trong phạm vi lãnh vực mình hoạt động. Qua đó, nhận lại từ xã hội những niềm tin và sự ủng hộ, đó là sự thành công mà chúng tôi mong đợi. Chúng tôi cho rằng đó là cách chúng tôi góp phần "đem mọi người đến gần nhau hơn".

* Cần làm gì là chủ yếu để tôi gần mọi người ở xóm tôi hơn? (Pham Tan Thien, 16 tuổi, Nam, Lớp 10A6, trường THPT số 1 Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh quảng Ngãi, hoc sinh)

Chị Nguyễn Thị Trang. Ảnh Ngọc Thọ

- Chị Nguyễn Thị Trang - Thạc sĩ tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM:

Ông bà mình có câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần", điều đó nói lên quan hệ làng xóm láng giềng là điều không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Dù là người thân hay ruột thịt nhưng khi ở xa cũng sẽ không giúp được nhau những lúc cần kíp. Hơn nữa, hàng xóm "tắt lửa tối đèn có nhau", vì vậy việc xây dựng được quan hệ hàng xóm tốt đẹp sẽ giúp ích cho ta rất nhiều trong cuộc sống.

Còn làm thế nào để bạn có thể gần mọi người trong xóm của mình thì trước hết, bạn phải coi đó là những người không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Vì thế, bạn nên cởi mở với mọi người bằng những cử chỉ thân thiện. Ví dụ: chào hỏi hoặc là mỉm cười khi gặp nhau, chủ động giúp đỡ khi người khác cần hay có thể chia sẻ với mọi người một món quà nhỏ nào đó thể hiện tình cảm chân thành của bạn... Có thể lúc đầu bạn cũng không nhận được sự đáp lại, nhưng nếu bạn thật lòng và kiên trì thì chắc chắn mọi sự sẽ thay đổi.

Bản thân tôi cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh như vậy khi tôi mới chuyển nhà đến ở một chung cư. Sau đó mọi người đã coi tôi là một hàng xóm thật sự. Cùng chia sẻ nhau những món ăn mình nấu hoặc giúp nhau khi nhà có việc lớn, thậm chí có thể gởi nhà khi tôi về quê thăm gia đình vài ngày.

Chúc bạn nhiều niềm vui trong cuộc sống!

* Tôi có tật hay run khi nói trước đám đông. Đôi khi tôi vạch cho mình một "dàn bài" rất hay nhưng lúc đứng lên nói lại quên hết, thế là cứ nói một cách "vô thức" vậy. Làm sao để tôi khắc phục được vấn đề này? Xin cám ơn. (Vũ Hoàng Gia, 21 tuổi, Nam, Mai Thúc Loan, Huế, Sinh viên)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Sự thiếu tự tin khi nói chuyện trước đám đông là một căn bệnh không chỉ riêng gì bạn mà có rất nhiều bạn mắc phải. Để chuẩn bị cho một lời phát biểu của mình trước đám đông, việc bạn tự soạn ra một dàn bài cho mình là rất quan trọng nhưng bạn cần phải lưu ý là dàn bài đó phải thực sự ngắn ngọn và cô đọng. Bạn phải tự mình cố gắng là hiểu và nói được điều đó chứ không nên học thuộc lòng, làm như vậy thì bạn sẽ không bị quên và bạn nói sẽ có hồn, và có sức thuyết phục người khác.

Muốn làm được điều đó thì bạn cũng cần trang bị cho mình những mảng kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử... Ngoài ra, để làm được vấn đề đó thì bạn cần phải thường xuyên rèn luyện về vấn đề phát âm cho chuẩn và có những ý tưởng hài hước. Để làm tốt hơn việc giao lưu trước đám đông, bạn có thể liên hệ đến khóa học Giao lưu trước công chúng của công ty Hồn Việt (68 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM).

Chúc bạn sớm thành công và có những buổi nói chuyện đầy sức thuyết phục.

* Tôi rất hay sợ những đề xuất, ý kiến, lời mời của mình bị người khác từ chối. Làm sao vượt qua nỗi sợ hãi này? (Vũ Hoàng Gia, 21 tuổi, Nam, Mai Thúc Loan, Huế, Sinh viên)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Bạn cần phải xem lại việc đề xuất ý kiến hay lời mời của người khác có phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, lứa tuổi... hoặc những nội dung đề xuất ý kiến, lời mời của bạn có vấn đề gì không mà làm cho người khác từ chối.

Việc người khác từ chối những đề xuất ý kiến, lời mời của mình, đó cũng là những điều bình thường thôi, bạn không quá nên căng thẳng, mất tự tin. Chúc bạn cần tự tin hơn khi có những lời mời đề xuất và ý kiến với người khác.

* Trong công ty của em, sếp lúc nào cũng là "kẻ khủng bố", luôn quát tháo mọi người và cũng rất cực đoan nữa. Rút cuộc, ai cũng "co vòi", chẳng dám có ý kiến gì, chỉ biết làm theo chỉ thị của sếp. Là tổng giám đốc, xin chị Dung cho biết với mấy sếp như thế này, mình nên hành xử thế nào? (Khánh Đoan, CNV, Hà Nội)

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc công ty Thái Nam: Tôi cho rằng, bạn cũng cần có sự cảm thông với sếp của mình. Áp lực công việc, trách nhiệm... khiến sếp bạn có thể có những thái độ như vậy.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, có những lúc sếp bạn cũng thấy không muốn làm vậy đâu. Nếu chọn lúc nào sếp bạn vui vẻ, bớt áp lực, bạn có thể góp ý chân thành và nhẹ nhàng, tế nhị, kèm theo những nụ cười, rằng bạn hay các bạn thích được sếp dành cho một không khí làm việc vui vẻ, chân tình hơn, để các bạn (hay bạn) không bị căng thẳng, mà thoải mái hết lòng cho công việc. Tôi tin sếp bạn sẽ cố gắng để "chỉnh" lại mình. 

Ai cũng muốn được tôn trọng, lời nói lại không mất tiền mua, trước tiên bạn hãy tỏ ra tôn trọng sếp rồi sếp sẽ tôn trọng và thậm chí khâm phục thái độ tốt của bạn.

Tuy nhiên, có nhiều việc có thể bạn chưa hiểu hết thấu đáo bằng sếp, nên dành cho sếp một niềm tin, nếu có cơ hội hãy yêu cầu sếp giải thích rõ cho bạn hiểu tại sao phải "cực đoan" (ít nhất là cực đoan trong ý nghĩ của bạn), có thể bạn sẽ học được điều gì đó rất hay chăng?

Chị Đặng Thùy Dung, đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Ngọc Thọ

* Hiện nay tôi 31 tuổi, là cấp phó 1 đơn vị hành chính, trong cơ quan hầu hết là những người lớn tuổi, luôn đặt công việc lên trên hết, tính tình ít nói, vì lo nhiều cho công việc nên tôi hay nhắc nhở đồng nghiệp, vì vậy đồng nghiệp cho tôi là người khó tính, không gần gũi. Mong các anh chị cho tôi một lời khuyên. (Nguyen Thanh Cong, 31 tuổi, Nam, Quang Nam, Cong chuc nhan nuoc)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Tôi biết anh rất là băn khoăn khó xử với đồng nghiệp trong quan hệ công việc: một bên là muốn đồng nghiệp chấp hành nghiêm túc những nội quy của công ty với một bên là để đồng nghiệp chấp hành nghiêm túc nội quy đó thì người lãnh đạo phải nhắc nhở nhưng lại mang tiếng là người khó tính, không gần gũi.

Việc nhắc nhở mọi người thì cũng có rất nhiều cách hành xử khác nhau, anh cũng có thể nhắc khi mọi người ở công ty đang rất vui vẻ, hoặc có thể gợi lên cho mọi người tranh luận, trao đổi về công việc. Thái độ khi phê bình người khác cũng cần phải có sự thân thiện để người khác hiểu được thiện chí của mình là muốn cho công việc tốt hơn chứ không có ý gì là soi mói hay để ý nhỏ nhặt... và cũng cần phải có nghệ thuật khi phê bình. Cần phê bình làm sao cho người khác thấy được cái sai của mình để họ có nhu cầu muốn sửa chữa, muốn vươn lên và muốn tốt hơn, không nên phê bình mà làm cho người ta thấy mất tự tin vào bản thân.

Chúc anh thành công hơn trong công tác quản lý lãnh đạo.

* Các mối quan hệ trong một công ty thường rất phức tạp. Khó có thể tìm được người bạn chân thành trong môi trường làm việc, thường mọi người ai cũng "thủ", e dè lẫn nhau, cốt chỉ vì quyền lợi của mình, chẳng hạn như nịnh sếp để được tăng lương, tăng chức, nói xấu những đồng nghiệp có thể gây bất lợi cho mình. Là người làm quản lý, chị Dung nghĩ vấn đề này như thế nào? (Mỹ Hạnh, 25 tuổi, TP.HCM, Nhân viên)

* Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc Công ty Thái Nam: Tôi nghĩ bạn có thể đã không may mắn (hoặc chưa may mắn) khi phải làm việc trong một môi trường làm việc như vậy.  Nhưng thực tế, không phải nơi nào cũng như vậy đâu. Tôi đã có nhiều đồng nghiệp là bạn thân lâu năm.

Tuy nhiên, tình trạng như bạn nói cũng khá nhiều. Đây là một vấn đề liên quan đến văn hóa của công ty. Những người lãnh đạo trong công ty chúng tôi không bao giờ ủng hộ cách ứng xử này của nhân viên. Nếu cấp lãnh đạo quyết tâm và hợp lực "thổi" vào công ty một nét văn hóa mới thì tôi tin chúng ta thay đổi được tình trạng như bạn nói.

Chúng tôi nghĩ có nhiều việc phải làm để không có tình trạng đó xảy ra. Ví dụ, trước tiên sếp cần phải "tập luyện" để có tính khách quan trong đối xử với nhân viên, không thích nghe những đều nịnh nọt, biết nghe bằng "hai tai"... thậm chí có thể nhắc nhở, khuyên răn những trường hợp nói xấu nhau vô căn cứ... ; tạo cơ hội cho nhân viên sống thật với sếp và với đồng nghiệp; có thể tổ chức những cơ hội vui chơi, liên hoan, giao lưu giữa các nhân viên trong công ty bằng nhiều hình thức, cho nhân viên có cơ hội "nói" ra những bức xúc của mình về sếp, về đồng nghiệp... 

Tôi tin trong môi trường như vậy, những người hay "bỏ nhỏ" sếp cũng phải dè chừng và có thể sẽ không còn "đất sống" cho sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đồng nghiệp như bạn nói nữa.

* Tôi nhận thấy hiện nay giới trẻ mất tự tin là do nền giáo dục đậm tính thụ động. Tình trạng thầy nói sao trò phải nghe vậy vô hình trung làm cho học sinh cứ phải bám theo một hình mẫu nào đó, một công thức rập khuôn mà không giúp cho học sinh kích thích trí sáng tạo và nói lên suy nghĩ của mình. Thụ động chính là một phần nguyên nhân gây ra sự mất tự tin.

Giới trẻ Việt Nam hiện nay phần nhiều, theo ý kiến riêng của tôi, là sống vì người khác nhiều quá. Sống vì người khác ở đây là cứ phải chạy theo lối sống của người khác để làm vừa lòng họ. Làm vừa lòng số đông. Như vậy, chính họ đang làm cái bóng cho người khác. Vì vậy họ mất tự tin. Xin hỏi chị Nguyễn Thị Trang, chị đã từng lưu tâm đến chi tiết này chưa? Và chị nghĩ sao nếu chúng ta tạo lập một môi trường giáo dục thoáng hơn để học sinh có thể phát huy trí sáng tạo của mình cũng như mạnh dạn và tự tin hơn trong việc trình bày ý tưởng của cá nhân? (Frankie Tran, 25 tuổi, Nam, Webster University Thailand, Sinh viên)

- Chị Nguyễn Thị Trang - Thạc sĩ tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM: Đây là một vấn đề trong thực tế mà nhiều người đã bàn đến và một số ý kiến đổ lỗi rằng đó là do nguyên nhân của giáo dục, kể cả ở gia đình và trường học.

Tôi cũng không phủ nhận điều đó. Bản thân tôi là một giáo viên trong trường sư phạm cũng rất buồn khi phải làm việc với những sinh viên sư phạm rất thụ động trong học tập. Dù đã cố gắng, nhưng tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tạo thế chủ động cho sinh viên trong quá trình học tập vì các em đã quen với thói làm việc thụ động từ các lớp dưới. Để tạo thế chủ động cho học sinh thì các em cần được giáo dục ngay từ nhỏ. Khi còn bé ở nhà, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen tự lập, ý thức tự phục vụ, không nên quá nuông chiều, làm thay cho trẻ. Có nhiều người vì thương con nên đã làm thay hoặc khi trẻ muốn làm thì lại ngăn cấm vì sợ trẻ làm hỏng hoặc gặp nguy hiểm, vô tình đã biến trẻ thành những đứa trẻ ỷ lại và thụ động. Khi lớn lên, trẻ chỉ làm khi được yêu cầu hoặc làm theo đúng hướng dẫn. Vì như thế trẻ sẽ cảm thấy "an toàn" hơn.

Trong nhà trường, tình trạng dạy và học, làm theo bài mẫu xảy ra khá phổ biến, khiến cả thầy lẫn trò cũng mất dần đi tính tự tin, sáng tạo. Tuy nhiên, trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay cũng đã có nhiều cá nhân, tập thể mạnh dạn áp dụng những sáng kiến mới của bản thân và thu được những kết quả đáng khích lệ.

Hiện nay, một số phương pháp dạy học mới theo hướng phát huy tính tích cực của người học như phương pháp động não, phương pháp phân tích... đã giúp người học cùng tham gia vào quá trình giải quyết nhiệm vụ học tập. Thực tế, trong quá trình dạy học, phương pháp học luôn phụ thuộc vào phương pháp dạy. Nếu người dạy biết cách nêu vấn đề, kích thích người học suy nghĩ, cùng tham gia vào giải quyết nhiệm vụ học tập thì người học có thể nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học. Từ đó, biết cách vận dụng vào giải quyết các nhiệm vụ trong thực tiễn thì lúc đó người học sẽ phát huy được tính sáng tạo của mình.

Bản thân tôi cũng đã cố gắng trong quá trình giảng dạy của mình, luôn nêu ra cho sinh viên (SV) những câu hỏi và yêu cầu SV trả lời trên tinh thần không đưa ra những câu hỏi có tính rập khuôn kiến thức trong tài liệu hoặc trả lời giống những nội dung mà giáo viên đã trình bày. Tôi luôn yêu cầu SV chủ động đưa ra câu trả lời theo quan điểm của cá nhân. Tuy nhiên, cần phải biết cách lập luận để bảo vệ ý kiến của mình. Nếu ý kiến đó khác hoặc trái với ý kiến giáo viên đưa ra mà SV bảo vệ được quan điểm của mình thì vẫn được đánh giá cao. Tôi cho phép SV "cãi lại thầy" và khuyến khích các em làm điều đó.

Cảm ơn anh đã đưa ra một ý kiến hay! Tôi tin anh là một người rất tự tin. Chào anh!

* Cong ty cua ba co cach gi hay de giup nhan vien tu tin trong quan he voi sep vi toi thay thuong trong cong ty tu nhan, nhan vien coi sep la chu nen rat so set, khum num. Noi rong mot chut, ba quan niem the nao ve su binh dang giua sep va nhan vien de nhan vien co the tu tin? (ngo thanh Hai, 28 tuổi, Nam, p9 Q PN, nhan vien van phong)

Chị Đặng Thùy Dung. Ảnh Ngọc Thọ

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc Công ty Thái Nam: Kinh nghiệm cá nhân của tôi: Có nhiều lúc tôi cũng rất nóng nảy với những trường hợp nhân viên làm sai, đôi khi nhân viên đó không nhìn thấy hết ngay hậu quả, mà bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp có thể tôi (hay lãnh đạo nói chung) lại nhìn thấy ngay được. Nhưng tôi biết, mỗi khối óc và con tim của nhân viên mình có những sức mạnh riêng, tôi học được rất nhiều từ nhân viên của mình. Nên trong những lúc bình tĩnh và vui vẻ, tôi đã cố gắng thể hiện cho cấp dưới của mình hiểu rằng tôi rất mong nhận được những góp ý và sáng tạo đáng quí phục vụ cho sự nghiệp chung của công ty, tất nhiên bằng cách và lời lẽ nào dễ hiểu, dễ nghe nhất, nhưng chân thành nhất.

Tôi đánh giá thấp người nhân viên khúm núm, sợ sệt, nhưng cũng không đánh giá tốt người nhân viên tài năng mà không biết cách diễn đạt giỏi để sếp hiểu thấu đáo cái tài của mình. Tôi cho rằng sếp là người nhiều trách nhiệm và có thể nhiều kiến thức quản lý hơn, chứ không hẳn sếp luôn là người giỏi chuyên môn hơn một cấp dưới. Nếu bạn thấy rõ sự phân công lao động này, thì bạn sẽ tự tin, vì nếu bạn biết thể hiện khả năng chuyên môn tốt để đóng góp cho công ty thì bạn cũng sẽ được sếp tôn trọng. Và như vậy thì tại sao bạn phải tự ti?

* Töi 26 tuoi, mot nu nhan vien xinh xan, co the noi la thong minh, nhung doi khi lam viec lai mat tap trung, khong kiem che duoc nhung cam xuc tieu cuc. Vi du nhu khi gap chuyen buc minh, toi thuong bi nhung chuyen do lam anh huong den cong viec, mat het ca mot ngay vui ve. Thuong thi toi phai trut gian vao cai gi do. Vi du tim ra nguoi gay cho minh buc minh va "xa" mot tran. Tuy nhien, toi muon minh binh tinh hon, biet kiem che hon, toi phai lam sao? (Ti, 26 tuổi, Nữ, 248 Thi Sach, Cong nhan vien)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Tôi rất thông cảm và chia sẻ những suy nghĩ của bạn. Hiện nay, do sự làm việc quá căng thẳng và do sự phức tạp của các quan hệ xã hội thường làm cho người ta rất dễ bị stress.

Nguyên nhân dẫn đến sự làm việc mất tập trung hoặc khó kiềm chế, giảm trí nhớ... là do có sự mất cân bằng giữa đời sống công việc và đời sống tình cảm. Người ta thường phải làm việc quá nhiều thời gian trong một ngày, thiếu sự nghỉ ngơi, thư giãn cần thiết. Do người ta quá tin vào bản thân là mình có đầy đủ năng lực và kiến thức... để làm tốt công việc, điều đó tự mình tạo cho mình một áp lực quá lớn dẫn đến việc bị stress.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác là do tính chất công việc và hình ảnh của bản thân phải luôn tự kiềm chế những cảm xúc của mình... điều đó làm cho người ta rất mệt mỏi.

Để giảm bớt stress trong cuộc sống, bạn cần phải tăng sức mạnh nội tâm từ đó mới tăng khả năng thu thập, lưu trữ thông tin, kiểm soát tốt những suy nghĩ của mình, tăng sức sáng tạo, tăng trực giác giúp khả năng đưa ra quyết định chính xác.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi cách nhìn và quan điểm của bạn bất cứ tình huống nào cũng có nhiều lựa chọn giải pháp và hãy tự tin vào chính mình, không nên quá cầu toàn, người quá cầu toàn thường hay bị stress, thậm chí có thể nhờ chuyên gia tư vấn, lắng nghe, chia sẻ, gợi mở khi gặp những bế tắc hay khó khăn trong các mối quan hệ. Ngoài giờ làm việc, bạn có thể thư giãn bằng cách giải tỏa các cảm xúc của mình như: thư giãn trong âm nhạc, đi bộ, giúp ta "giẫm" bước trên những phiền muộn, cáu bẳn... Không phán xét, không giải thích, không biện hộ, không đánh giá... hít thở sâu và "xả" những suy nghĩ căng thẳng, thả lỏng các cơ... và tự bảo mình: "Tôi tĩnh lặng... Tôi thư giản, hãy buông thả...", thậm chí còn mát xa thư giãn.

Chúc bạn tự tin và làm chủ hơn nữa trong quan hệ công việc và cuộc sống. Chúc bạn thành công.

* Làm sao một người phụ nữ có thể vừa làm tổng giám đốc vừa có thể “đem mọi người đến gần nhau hơn” trong chính gia đình mình? Chị có phải là người thành công trong gia đình? Nếu có, xin chị chia sẻ kinh nghiệm với độc giả chúng tôi. (Thu Nga, 37 tuổi, Nam, Tp HCM, nội trợ)

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc Công ty Thái Nam: Thật là khó cho phụ nữ khi phải hoàn thành hai sứ mệnh này. Tôi cũng đã từng cảm thấy rất khó khăn. Nhưng mỗi giai đoạn trong cuộc đời, bạn phải có một mục tiêu cho mình, nếu từng bước hoàn thành được những mục tiêu đó, thì bạn thành công rồi!

Trong gia đình, tôi cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để người thân, nhất là chồng mình, hiểu được nhiệm vụ của tôi đối với công ty. Phần trách nhiệm của mình trong gia đình, tôi cũng phải nỗ lực làm tốt, kể cả vất vả đêm ngày, thức khuya dậy sớm hơn để hoàn thành những việc cần phải làm trong từng giai đoạn đó. Tôi đã chứng minh được bằng thực tế, phải kiên trì, rồi cuối cùng những người thân yêu cũng đã hiểu và thông cảm, thậm chí càng tôn trọng và tin tưởng tôi hơn.

Bây giờ tôi là người hạnh phúc, vì có được sự tin tưởng và tôn trọng từ gia đình, từ hai bên nội ngoại, bên cạnh sự nghiệp của mình.

* Tôi chưa đi sâu tìm hiểu về cách các chuyên viên tư vấn tâm lý trả lời các vấn đề khúc mắc của người được tư vấn thế nào. Tôi muốn hỏi chị Nguyễn Thị Minh Thủy là cách chị đưa lời khuyên đến đối tượng là áp dụng các giải pháp có sẵn hay gợi mở các cách giải quyết vấn đề để đối tượng tự quyết định và có hành động phù hợp? Theo chị, cách các chuyên gia tư vấn tâm lý trả lời các khúc mắc của đối tượng hiện nay có gì được và chưa được? (Frankie Tran, 25 tuổi, Nam, Webster University Thailand, Sinh viên)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Chị muốn tìm hiểu về các chuyên gia tư vấn tâm lý giải quyết các vấn đề khúc mắc của người được tư vấn như thế nào. Công việc của các chuyên gia tư vấn là giúp tham vấn cho thân chủ về vấn đề nhận thức chứ không phải là tham vấn hành vi, vì vậy không bao giờ họ đưa cho thân chủ những lời khuyên hay cách thức thực hiện các giải pháp đã có sẵn. Thường là gợi mở cho thân chủ cách để nhân thức các vấn đề một cách thấu đáo, từ đó thân chủ tự suy nghĩ và tìm ra cho mình một hướng giải quyết phù hợp. Việc giải quyết các vấn đề khúc mắc hay mâu thuẩn của thân chủ ở mỗi trường hợp rất khác nhau, không thể đưa ra một cách giải quyết áp dụng cho tất cả các trường hợp được.

Rất cảm ơn chị về câu hỏi này.

* Tôi thấy có rất nhiều doanh nghiệp đi làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lúc nào doanh nghiệp cũng phô trương hoạt động từ thiện của mình. Phải chăng mục đích của họ không phải là làm từ thiện? (Thủy, 30 tuổi, TP.HCM, Kinh doanh)

- Chị Đặng Thùy Dung, tổng giám đốc Công ty Thái Nam: Tôi cho rằng một số doanh nghiệp cũng không hẳn vì mục đích phô trương. Tâm lý của tất cả chúng ta là ai cũng muốn mình được xã hội (hay tổ chức) công nhận về sự đóng góp của mình, ai cũng muốn mọi người biết mình đang làm được một điều tốt. Cũng có một số doanh nghiệp, bên cạnh hành động thực sự vì từ thiện của mình, cũng muốn xã hội công nhận về sự đóng góp có ý nghĩa của họ - có thể coi đó là danh dự chăng?

* Thưa cô Nguyễn Thị Trang. Tôi vào TP.HCM chục năm nay nhưng tôi thấy người Sài Gòn họ sống rất cô lập. Tôi càng cố gần họ thì họ lại càng xa. Điều này đã làm cho tôi tự ái, và tôi tự nhủ mình thôi thì ai sống sao mình sống vậy. Chính vì vậy mà tôi cảm thấy rất nhớ quê hương mình vì ở đó có tình người. Vậy cô có cách nào làm cho họ gần nhau hơn không? (TRẦN ANH TUẤN, 27 tuổi, Nam, XN CASUMINA BÌNH LỢI, công nhân viên)

- Chị Nguyễn Thị Trang - Thạc sĩ tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM: Tôi cũng là người miền Bắc vào Sài Gòn đã được hơn 24 năm. Đến bây giờ tôi vẫn thấy mình là người Bắc nhưng tôi vẫn được những người miền Nam coi tôi là bạn và đến bất cứ đâu tôi cũng có thể chủ động hòa nhập được với mọi người.

Chắc anh hỏi vì sao tôi có thể làm được điều đó? Vì trong tôi không bao giờ có sự phân biệt Bắc-Nam dù rằng trước đây khi mới vào SG tôi cũng đã từng nghe người ta gọi tôi là Bắc kỳ nhưng tôi không bao giờ tự ái vì chuyện đó, thậm chí tôi còn tự hào nữa. Ban đầu, cũng có nhiều người không tỏ ra thân thiện nhưng sự chân thành và cởi mở của bản thân đã giúp mọi người hiểu được tôi.

Tôi cũng đã từng gặp sự miệt thị: người hàng xóm của tôi, ngày tôi mới dọn về ở chung cư, nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm, thậm chí khinh khi khi tôi sang chào hỏi và giới thiệu mình là hàng xóm mới. Một lần, tôi sang bên đó xin nước vì mới dọn về nhà tôi chưa có nước, bà hàng xóm cho tôi như là bố thí vậy nhưng tôi không phật lòng, vẫn tươi cười và những ngày tiếp theo tôi vẫn chào hỏi mỗi khi gặp bà, có chút quà gì tuy không đáng giá tôi vẫn mang sang chia sẻ với bà. Lâu dần, bà nhìn tôi với ánh mắt thân thiện hơn. Và tôi trở thành hàng xóm tin cậy của bà...

Như vậy, người SG đâu phải ai cũng sống cô lập, chỉ biết "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Có lẽ, anh chưa gặp được những người như anh mong muốn hoặc anh chưa tìm được cách để hiểu họ và giúp họ hiểu được anh.

Theo tôi, để người khác hiểu được mình, trước hết mình cần phải thể hiện sự thiện chí, thái độ chân thành, cởi mở, biết lắng nghe và điều chỉnh bản thân. Và quan trọng hơn là phải hiểu người khác muốn gì. Bạn có thể đem đến điều gì cho người ấy và hãy làm hết khả năng của bạn. Chắc chắn bạn sẽ có những cảm nhận khác.

Có một câu nói như thế này: "Hãy gõ cửa đi, rồi cánh cửa sẽ mở". Tôi tin một ngày gần đây những cánh cửa mới sẽ mở ra trước bạn.

* Xin hỏi cô Đặng Thùy Dung: Em là một SV tỉnh lên TPHCM trọ học, đã 3 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng em vẫn không tài nào hòa nhập được với lớp học hơn 60 con người. Cô có cách nào giúp em cởi mở hơn không?(Mai Hoa, 21 tuổi, Nữ, SV)

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc Công ty Thái Nam: Tôi biết có nhiều nguyên nhân để em không thể hòa nhập được với môi trường, mà em lại không nói ra, rất khó để trả lời chính xác được. Trước tiên, tôi cho rằng có thể em là một người hơi thiếu tự tin. Có lòng tự tin em sẽ giao tiếp tốt.

Tuy nhiên, có một số cách cơ bản tôi nghĩ là em có thể thử xem. Ví dụ, nếu em học giỏi thì em hãy chủ động làm quen với một số bạn khác bắt đầu từ việc học của mình, trao đổi kinh nghiệm học với bạn. Nếu em học bình thường, thì cũng hãy cố gắng vui vẻ làm quen với các bạn giỏi hơn để hỏi về bài vở, về cách học. Trong môi trường sinh viên, môi trường ký túc xá thì em hãy quan tâm đến các bạn khác, ngoài giờ học bắt buộc, thì em có thể chú ý đến những khó khăn của các bạn khác, đề nghị giúp bạn (trong khả năng của mình) nếu bạn đồng ý (ví dụ, sửa chữa những đồ vật bạn cần sử dụng...), tham gia các cuộc nói chuyện với một nhóm bạn nào đó, trao đổi ý kiến mà không bắt đầu bằng chê bai, khiêu khích.

Trong các cuộc nói chuyện, không phải lúc nào mình cũng đều có cùng ý kiến với mọi người, đó là chuyện bình thường thôi, nhưng không nên vì sợ không hòa đồng với bạn mà không dám nói ý kiến riêng mình. Làm quen và nói chuyện không phải là cái gì đáng sợ và đáng chê, cứ tự tin làm quen, bạn bè mà, tại sao không ? Rồi em có thể sẽ tìm thấy một người bạn đồng quan điểm và đi xa hơn trong tình bạn.

* Thưa cô Thùy Dung, là người làm công tác quản lý trong một doanh nghiệp, khi tuyển dụng, ngoài yêu cầu chuyển môn, đâu là tiêu chí đánh giá về con người của cô? (Lan Thanh, 23 tuổi, TP.HCM, sinh viên)

- Chị Đặng Thùy Dung, Tổng giám đốc Công ty Thái Nam: Ngoài khả năng chuyên môn là quan trọng nhất, tôi đánh giá cao tính trung thực, đạo đức trong công việc, sự ổn định và khả năng giao tiếp khéo léo của ứng viên.

* Làm sao để có thể làm quen với những người có mặc cảm về tội lỗi của mình. Khi họ đã biết mình có biết về quá khứ của họ (nguyễn văn phú, 20 tuổi, Nam, Tuy Hoà-Phú Yên, Sinh Viên)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Việc làm quen với người có mặc cảm với tội lỗi của mình là một điều rất khó, nhưng không có nghĩa là không thể. Đặc biệt, khi mình đã biết về quá khứ không tốt của họ. Những người có quá khứ tội lỗi thường có sự nhạy cảm, mặc cảm, thiếu tự tin, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Vì vậy họ thường hay sống khép kín, thu mình, ít bộc lộ. Việc tiếp cận với họ quả là thật khó khăn. Vì vậy, trong các hành vi, cách cư xử  với họ phải thật sự chân thành nhưng phải tự nhiên.

Nói chung là hãy đến với họ bằng tình cảm thật của mình. Bởi, chỉ có bằng tình cảm thật thì mới giúp họ có thể "mở lòng", chia sẻ, tâm sự và có cái nhìn thiện chí với mình. Tôi tin rằng với tấm lòng chân thành, chúng ta có thể phá đi cái hàng rào vô hình ngăn cản người đã có mặc cảm về tội lỗi, để giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. 

* Xin cho hỏi làm thế nào để gây sự chú ý của người khác giới? Làm sao để họ mến mình và không nghi ngờ mình? (Vũ Hoàng, Huế, Sinh viên)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Để gây sự chú ý với người khác giới, trước hết phải sống thật đúng với giới của chính mình. Nếu là phái nam, bạn hãy thể hiện sự bản lĩnh, tự tin, quyết đóan v.v... Nếu là phái nữ, những đặc tính như sự duyên dáng, tế nhị, nhạy cảm... chính là điều thu hút người khác giới.

Ngoài ra, rất cần nghệ thuật giao tiếp thể hiện sự tế nhị, chân thành, hiểu biết, thông minh, hài hước... Đấy là những phẩm chất hấp dẫn mà các giới đều rất cần ở nhau. Hình thức bề ngoài - một bộ quần áo lịch sự, một mái tóc thích hợp... - rất cần thiết trong những giao tiếp ban đầu.

Tuy nhiên, đó không phải là điều quyết định. Chính cá tính và phẩm chất con người - sự thân thiện, gần gũi, chân thành... - mới tạo nên sự hấp dẫn, thuyết phục.

* Một ai đó đã nói "Trong tình yêu, hoặc là tin tất cả hoặc là không tin gì cả". Tôi thấy cả hai đều khó, tin tưởng tuyệt đối người yêu hay chỉ một phần vì thỉnh thoảng có những chuyện không hay xảy ra làm cho niềm tin bị lung lay ghê gớm. (Lê Thương Huyền, 23 tuổi, Nữ, 24A, ấp 6, Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TPHCM., Thư ký văn phòng)

- Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: Có một điều cần phải khẳng định, khi đã yêu thì phải thể hiện niềm tin đối với người mình yêu. Tuy nhiên, cuộc sống đầy biến động và có rất nhiều thay đổi làm cho "tượng đài" niềm tin của mình đôi khi cũng bị lung lay. Trong lĩnh vực tình cảm, đặc biệt là tình yêu, sự nghi ngờ hay thiếu tin tưởng có thể ví như một con vi-rút có hại, nó sẽ tàn phá một cách âm thầm, gặm nhấm và dần giết chết tình yêu mà đôi khi người trong cuộc không thể nhận thấy. Những lúc như vậy cần hết sức bình tĩnh để có thể trao đổi, trò chuyện, tìm hiểu, phân tích... để có những suy nghĩ thật tích cực; chớ để mình rơi vào tình trạng bi quan, mất niềm tin một cách vội vã vì những suy đóan thiếu thận trọng.

Bạn đọc trao đổi

Người Việt ta vốn có truyền thống yêu thương, quý trọng nhau. Đó là nét văn hóa đáng yêu. Thế nhưng, cũng chính những nét đặc trưng ấy mà lớp lớp thanh niên của chúng ta lớn lên dù được trang bị đủ kiến thức mà vẫn ít cơ hội để được đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đến cái tuổi hết là "trứng" thì đã gần cái tuổi "vịt" già. Nhìn sang các quốc gia xung quanh, bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng tự tin trong giao tiếp, những người trẻ tuổi luôn được đánh giá cao với sự trọng thị thật sự của các thế hệ đi trước. Cái sự "trứng khôn hơn vịt" đã là tâm lý cản trở sự trẻ trung, năng động của xã hội. Cái tâm lý đó ngự trị chủ quan trong mỗi người thế hệ trước và tồn tại dưới dạng thái tự ti trong những con người thế hệ sau. Tôi là người của thế hệ ngũ tuần. Thế hệ chúng tôi được giáo dục để làm những việc người khác đã làm và cố gắng làm cho tốt hơn. Và thật tiếc, chúng ta dường như vẫn đang đào tạo những con người trẻ hiện nay theo lối đó, mà lẽ ra, họ phải được đào tạo để làm những việc mà xã hội đang đặt ra trước mắt họ. Những con người cố cho "ngoan" mà chưa "khôn". Theo tôi, đây chính là mấu chốt của vấn đề làm sao có được 1 xã hội năng động, phát triển. Và nếu mỗi con người chúng ta, mỗi thế hệ chúng ta trong cuộc sống hôm nay cởi mở hơn trong việc nhìn nhận nhau, trọng thị hơn trong việc lắng nghe nhau và rộng lòng hơn trong việc cư xử với nhau, chúng ta sẽ nhanh chóng đưa tương lai tới gần hơn. Và con người vẫn không hề mất đi chút nào tình thương yêu, quý trọng nhau như thuyền thống của dân tộc ta ngàn đời để lại.  (Thảo Nguyên - 50 tuổi)

Cảm ơn diễn đàn của Báo Thanhnien Online, tôi rất thích những bài viết trên diễn đàn. Nên chăng xuất bản thành tập sách những bài viết đó cho mọi người cùng đọc để học hỏi và rút kinh nghiệm.  (Nguyễn Thị Thanh Thủy - 36 tuổi) 

Tổng kết diễn đàn "Đem mọi người đến gần nhau hơn"

- Hộp thư dengannhauhon@thanhnien.com.vn đã nhận khoảng 5.000 bài viết của các học sinh, sinh viên, công chức viên chức, người lao động tự do...

- 60 bài viết đã được đăng trong chuyên mục Thế giới trẻ của Thanhnien Online, trung bình mỗi bài nhận được sự hưởng ứng của khoảng 6.000 lượt người đọc.

- 9 bạn đọc đã được nhận giải thưởng bài viết hay nhất trong tuần.

Thanhnien Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.