Giáo sư dạy sử

09/10/2013 03:15 GMT+7

Năm 2011, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật đã cho ra mắt cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời do dịch giả Nguyễn Văn Sự chuyển ngữ từ cuốn Vo Nguyen Giap - Une Vie do nhà sử học người Pháp Alain Ruscio biên soạn.

Giáo sư dạy sử

Đây có thể coi là một quyển tiểu sử đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện qua các cuộc phỏng vấn của tác giả với Đại tướng trong nhiều năm từ 1979 -2008. Thanh Niên xin trích giới thiệu cuốn sách này.

Alain Ruscio: Trước khi đi vào thời kỳ mà cuộc đời ông gắn chặt với những thời điểm quyết định của lịch sử đất nước - và lịch sử thế giới - tôi muốn ông nhớ lại thời còn trẻ, ông đã lên lớp giảng dạy môn lịch sử, như tôi được biết, đó là tại Trường Thăng Long?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đúng là như vậy. Ngôi trường này không có mùi vị thánh thiện gì với nhà cầm quyền thuộc địa. Nhưng phải nói rằng vị Hiệu trưởng là ông Hoàng Minh Giám, một nhà yêu nước chân chính, đảng viên đảng Xã hội và các thầy giáo đứng lớp được xem như - thường là đúng - những người cộng sản, và như thế họ được Sở Mật thám giám sát chặt chẽ, trong đó có cụ Đặng Thai Mai, sau này là ông nhạc tôi...

Và cả chính ông nữa?

Tôi chỉ bị chú ý chút đỉnh thôi.

Chúng ta trở lại vài thập niên nhé. Hãy tưởng tượng tôi là học trò của ông. Ông sẽ dạy tôi những gì về quá khứ của đất nước ông?

Ông hãy nói rất đúng là hãy bắt đầu bằng lịch sử VN, thời gian lâu, rất lâu trước khi tổ tiên người Pháp các ông đến (VN). Ông biết câu: “Lịch sử là mẹ đẻ ra mọi sự thật”. Gần đây chúng tôi đã kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi. UNESCO cũng ghi việc kỷ niệm đó vào chương trình hoạt động của họ. Như vậy đã nhấn mạnh đến sự đóng góp của người anh hùng dân tộc của chúng tôi vào nền văn hóa thế giới. Ở VN từ rất sớm đã hình thành một nền văn minh. Người ta có thể nói đến một nền văn minh ra đời trong thung lũng một dòng sông cũng như ở nơi khác ở Mésopotamie chẳng hạn. Trường hợp chúng tôi đó là vùng châu thổ giàu có của con sông Hồng. Ở Mésopotamie cũng như ở nhiều nơi khác đó là theo một chu kỳ cổ điển:  phát triển, hưng thịnh và suy tàn. Còn ở đây, nền văn minh sông Hồng, trái lại không ngừng phong phú. Người ta có thể thấy trong thời gian đầu hàng chục bộ lạc sống một cách tự lập trong vùng châu thổ cũng như vùng núi... Nói tự lập không có nghĩa là biệt lập không có liên hệ gì với nhau. Trái lại ở một số thời kỳ lịch sử họ liên minh với nhau cũng có khi tranh giành nhau chiến tranh với nhau. Tuy nhiên tính cách “liên minh với nhau” được khẳng định rõ ràng nhất.

Vì những lý do gì, thưa ông?

Trước hết là phải đoàn kết để đấu tranh với sự thất thường của thiên nhiên, bão lụt đủ các loại, để tạo cuộc sống ít nhiều được ổn định. Chính vì thế mà từ rất sớm chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống đê điều, kênh rạch chằng chịt, lao động tập thể không phải là một lựa chọn mà là sự bắt buộc do thiên nhiên áp đặt. Đó chính là điều kiện cơ sở để liên minh, đoàn kết giữa các bộ lạc.

Lý do thứ hai là sức ép từ bên ngoài. Chúng tôi luôn luôn phải sống trước sự đe dọa xâm lược thường xuyên từ phương Bắc. Theo ý tôi đó là nguyên nhân căn bản của việc nền văn minh sông Hồng ra đời từ rất sớm và có sức đề kháng dẻo dai, một trong những nền văn minh đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Tôi muốn chia sẻ một nhận xét của tôi những khi đến làm việc ở đây, tôi rất chú ý đến vai trò của lịch sử luôn luôn hiện hữu trong mỗi phản ứng của dân chúng, trong mỗi văn kiện của Chính phủ, trong mỗi cuộc trò chuyện với những người VN mọi giới, ở bất kỳ trình độ nào học vấn nào có thể nói lịch sử dân tộc đã nhập tâm mỗi con người. Hiện tượng đó nổi bật hơn phần lớn những nước khác mà tôi biết, nhất là ở châu u.

Tôi hình dung là ông đã nghiên cứu lịch sử châu u thời Trung cổ. Ông đã thấy ở đó nhiều cuộc giao tranh giữa các tập đoàn phong kiến, những vụ chém giết tranh giành lẫn nhau giữa các phe phái. Tính chất dân tộc được khẳng định muộn với những giai đoạn nổi bật như cuộc chiến tranh của Jeanne d’Arc ở nước ông.

Nước VN ra đời từ những cuộc chiến tranh liên miên để bảo vệ sự tồn tại của dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa dân tộc, những cuộc chiến tranh dân tộc. Cuộc xâm lược đầu tiên được nói đến trong thư tịch xưa là của Tần Thủy Hoàng ở thế kỷ 3 trước Công nguyên. Cái nôi của nền văn minh Trung Hoa là thung lũng sông Hoàng cách biên giới phía nam ngày nay của Trung Quốc hàng nghìn cây số. Tần Thủy Hoàng đã lần lượt thu phục hàng trăm tiểu vương quốc ở miền nam Trung Hoa và thống nhất lại thành một đế quốc rộng lớn.

Nhưng khi tiếp xúc với nền văn minh Văn Lang, Tần Thủy Hoàng đã vấp phải sự kháng cự của cả một dân tộc. Thư tịch cổ Trung Hoa cũng nói đến điều này: “Dân chúng chống lại. Họ cử ra những người can đảm nhất, thông minh nhất chỉ huy cuộc kháng chiến. Ban ngày họ ẩn nấp nơi kín đáo, ban đêm họ xông ra để đánh lại quân Tần”. Thư tịch xưa cũng nêu rõ con số người chết trong hàng ngũ quân đội nhà Tần là rất lớn. Cuối cùng quân Tần lần đầu tiên bị thua.

Thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đất nước tôi bị phong kiến phương Bắc đô hộ kéo hơn một nghìn năm. Thời gian đô hộ quả là rất dài và có lẽ quá đủ để đồng hóa cả một thực thể chính trị không được bám sâu trong dân tộc. Vậy mà người ta nhận thấy việc đồng hóa đã không thực hiện được. Trong hơn một nghìn năm đó, dân tộc chúng tôi từ trước cuộc chinh phục đã được khẳng định, thay vì bị hòa tan. Đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên do hai chị em họ Trưng vào đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên. Đặc điểm của cuộc khởi nghĩa này là mang tính chất nhân dân. Thư tịch Trung Quốc cũng miêu tả cho chúng ta biết cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lan rộng khắp 65 huyện, thành, tức là hầu hết vùng châu thổ -  khắp cả nước.

Cuối cùng vào thế kỷ 10 đã có cuộc tiến công có tính quyết định chống lại kẻ chiếm đóng. Năm 905, toàn thể dân chúng một lần nữa nổi lên và Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng, một nhà hiền triết, được toàn dân kính trọng tôn làm người đứng đầu chính quyền tự chủ. Mấy năm sau một tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ đánh đuổi người Trung Quốc ra khỏi đất nước. Nhưng ông bị nội phản ám hại, con rể là Ngô Quyền kéo quân về kinh đô một lần nữa đánh đuổi quân nhà Hán định lấy lại vùng châu thổ. Có lẽ ông đã biết chuyện chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938. Ngô Quyền đã cho cắm xuống cửa sông những cọc to vót nhọn. Khi chiến thuyền quân Nam Hán tiến gần vào lúc thủy triều lên Ngô Quyền giả thua rút chạy. Quân Nam Hán thừa thắng đuổi theo. Khi thủy triều xuống Ngô Quyền đã quay lại và phản công mãnh liệt. Quân Nam Hán cố chạy trốn nhưng thuyền chiến của họ đâm vào cọc đều bị đắm cả.

(Còn tiếp)

Alain Ruscio

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.