Dù biết ông mệt đã lâu và sức khỏe ngày một yếu, tôi không thể không bàng hoàng và tiếc nuối khi nhận được tin. Có thể nói không quá rằng GS. Hoàng Tụy là một trong số rất ít các
nhà khoa học mà khi nhắc đến tên thì hầu hết mọi người Việt Nam đều biết. Bởi lẽ trên tất cả, ông là một nhà giáo, đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam từ những ngày đầu tiên thành lập cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Một quá trình kéo dài hơn bảy mươi năm, từ năm 1947, khi ông dạy học ở trường Lê Khiết (Quảng Ngãi) tới nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và GS Hoàng Tụy trong dịp Thủ tướng đến mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS tại Viện Toán học Việt Nam
|
Hai năm gần đây, GS. Hoàng Tụy yếu dần mặc dù đầu óc vẫn hết sức minh mẫn và vẫn trăn trở với thời cuộc. Email cuối cùng mà chúng tôi nhận được từ ông được viết lúc 21 giờ 47 ngày 15.2.2018, khi ông đã sang tuổi 91, thể hiện những trăn trở của mình đối với nền giáo dục nước nhà. Những lần chúng tôi tới thăm trong năm nay, GS. Hoàng Tụy thường tâm sự rằng nỗi khổ lớn nhất bây giờ là không đọc được, không viết được, không nghe được, dù vẫn suy nghĩ được, và ông sẵn sàng đổi tất cả những vinh quang đã có để có được sức khỏe. Âu cũng là trăn trở của một kẻ sĩ đối với đất nước.
Năm 1956, GS. Hoàng Tụy bắt đầu giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm và Trường đại học Tổng hợp Hà Nội cho tới năm 1968. Theo GS. Hoàng Tụy, những năm ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội là thời kỳ nghiên cứu khoa học hiệu quả nhất của ông. Giai đoạn đó cũng chứng kiến sự chuyển hướng của Hoàng Tụy từ nghiên cứu lý thuyết (giải tích hàm) sang nghiên cứu ứng dụng (quy hoạch tối ưu) nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước. Trong công bố năm 1964 trên "Báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô", Hoàng Tụy là người đầu tiên khảo sát các bài toán quy hoạch lõm (trước đó các bài toán quy hoạch chỉ xét trường hợp "lồi") và đưa ra phướng pháp xử lý sau này mang tên ông, lát cắt Tụy. Nghiên cứu của ông mở đường cho việc tiếp cận hiệu quả bài toán tối ưu toàn cục.
Cũng trong thời gian này, Hoàng Tụy, với sự cương trực và thẳn thắn của mình đã đấu tranh chống lại đường lối “lý lịch chủ nghĩa” thịnh hành thời đó. Cùng với GS. Lê Văn Thiêm và một số nhà khoa học khác, Hoàng Tụy bị quy kết “thiên tài chủ nghĩa” và bị kỷ luật. Theo lời kể của con trai ông, có những thời kỳ, Hoàng Tụy hàng ngày vẫn đi dạy nhưng đêm về phải ngồi viết kiểm điểm. Năm 1968 ông chuyển về Ủy ban Khoa học Kỹ thuật, phụ trách Thư ký vụ ban Toán, và chuyển về Viện Toán học năm 1970 khi viện được thành lập. Cùng với GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy đã góp phần xây dựng Viện Toán học trở thành một viện nghiên cứu với các
chuẩn mực quốc tế từ rất sớm.
Theo tạp chí MathReview, tạp chí bình luận toán học của Hội Toán học Hoa Kỳ, Hoàng Tụy công bố công trình khoa học đầu tiên năm 1959 và công bố công trình cuối cùng năm 2018. Trọn 60 năm cuộc đời, 168 công bố của ông đã có hơn 900 tác giả trích dẫn, nhiều nhất trong số các tác giả Việt Nam. Ảnh hưởng của ông trong khoa học chắc chắn vẫn còn lâu dài sau khi ông mất đi. Còn các nhà toán học Việt Nam chắc chắn sẽ vẫn nhớ tới ông như một người thầy, người truyền cảm hứng, người tạo điều kiện cho toán học Việt Nam phát triển.
Ấn tượng lớn nhất của GS. Hoàng Tụy đối với tôi là ông đã góp phần ươm mầm nhưng không rủ bóng khiến các cây con lớn được. Toán học Việt Nam đã có những người vượt qua ông, nhờ một phần đóng góp của ông.
GS. Hoàng Tụy sinh ngày 7.12.1927, quê tại làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là người đã phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).
Nhưng ông không chỉ là một nhà toán học lớn mà còn có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Ông có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: quy hoạch toán học, tối ưu toàn cục, lý thuyết điểm bất động, định lý minimax, lý thuyết các bài toán cực trị, quy hoạch lõm… Năm 1996, ông cùng GS Hiroshi Konno và nhà toán học trẻ Phan Thiên Thạch viết chung cuốn sách chuyên khảo nhan đề Optimization on Low Rank Nonconvex Structures (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi dạng thấp) dày 472 trang, đang được Kluwer Academic Publishers in đồng thời ở nhiều nơi. Một cuốn sách khác, bộ Convex Analysis and Global Optimization, một giáo trình nghiên cứu trong ngành tối ưu toàn cục, cũng được nhà xuất bản nói trên in ở Mỹ và châu Âu trong năm 1997.
Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.
Một số giải thưởng tiêu biểu của ông: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010). Giải thưởng Constantin Carathéodory.
|
Bình luận (0)