Giáo sư Ngô Bảo Châu: ‘Tôi từng có thời gian bị khủng hoảng học hành’

Hà Ánh
Hà Ánh
01/04/2022 17:46 GMT+7

Dù đã có nhiều buổi giao lưu trò chuyện với sinh viên nhưng mỗi lần xuất hiện, Giáo sư Ngô Bảo Châu luôn có những câu chuyện mới đầy thú vị.

Giáo sư Ngô Bảo Châu mở đầu buổi nói chuyện bằng 3 bài toán cụ thể

HÀ ÁNH

Chiều nay (1.4), Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM về vai trò của toán học, các thách thức trong quá trình học toán và nghiên cứu toán học trong bối cảnh hiện nay. Trong buổi giao lưu, giáo sư (GS) đã có nhiều chia sẻ thú vị không chỉ về nghiên cứu mà còn nhiều câu chuyện của bản thân trong học hành.

"Em cảm thấy mất động lực, hồi trẻ thầy có như vậy không?"

Khác với những buổi nói chuyện trước đây, GS Ngô Bảo Châu đã bắt đầu buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM chiều nay bằng 3 bài toán cụ thể. Từ những ví dụ đó, ông đúc rút rằng toán học không chỉ là các công thức toán mà đằng sau đó còn nhiều ứng dụng thực tế đời sống không thể ngờ tới. Từ phần mở đầu đặc biệt này, GS Ngô Bảo Châu đã nhận được nhiều câu hỏi cởi mở, gần gũi từ học sinh, sinh viên liên quan đến nghiên cứu và các vấn đề trong đời sống.

Đặt câu hỏi trực tiếp tại hội trường, Ngọc Trai (sinh viên năm nhất Khoa Toán-tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên), băn khoăn: “Mỗi lần giải toán em chỉ sử dụng công thức để giải bài toán mà không hiểu được lý do tồn tại của các công thức đó. Mỗi lúc như vậy em cảm thấy mất động lực, không hiểu sao mình ở đây và học những thứ này, hồi trẻ thầy có từng bị như vậy không?”.

GS Ngô Bảo Châu: Tôi kỳ vọng sinh viên vượt xa thế hệ đi trước!

Đồng cảm với chia sẻ này của sinh viên, GS Châu khẳng định: “Câu trả lời là có, tôi từng có thời gian bị khủng hoảng về học hành”. Theo lời kể của GS, thời gian đó ông học chuyên toán ở Hà Nội, giải bài tập và tham dự các kỳ thi Olympic toán. "Thời gian đó hầu như bài nào tôi cũng giải được", GS Châu nhấn mạnh. Nhưng khi sang Pháp, ông đã bị khủng hoảng khá nghiêm trọng bởi chẳng hiểu ý nghĩa những định lý, tại sao lại thế và không hiểu làm sao phải làm những việc đó. Tình trạng này kéo dài cho đến khi ông may mắn gặp được người thầy hướng dẫn tỉ mỉ mà theo ông đó một trong những người thầy dạy toán giỏi nhất thế giới

Nguyễn Đình Đăng Khoa (sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) đặt câu hỏi: “Thầy có phải là người giỏi cân bằng mọi thứ trong cuộc sống không, hoặc thầy có những khoảnh khắc lười trong ngày không? Nếu có thầy làm thế nào để vực dậy cơn lười ấy?”. Trước câu hỏi này, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Tôi có nhiều sự quan tâm khác nhau không chỉ toán học mà còn nhiều lĩnh vực khác trong đời sống từ triết học, văn học, mỹ thuật... Cái gì cũng quan tâm nên có lẽ điều đó làm cho cuộc sống thú vị hơn”. GS cũng thừa nhận ông cũng như mọi người luôn có những khoảnh khắc ‘lười’ trong đời sống nhưng chính những việc buộc phải cố gắng để hoàn thành trách nhiệm đã giúp ông thoát khỏi "cơn lười".

Sinh viên đặt câu hỏi với Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi giao lưu

HÀ ÁNH

Khó nhất là luôn phải làm mới mình

Đặt một câu hỏi tại hội trường với GS, sinh viên Phan Thành Trung đề cập đến sự bế tắc trong nghiên cứu và cách để thoát khỏi sự bế tắc này. Trước vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận: “90% thời gian nghiên cứu là bế tắc, sự đột phá rất hiếm hoi. Nhưng việc này không cần lo lắng quá nhiều vì nếu làm được ngay thì không phải nghiên cứu làm gì”.

GS Ngô Bảo Châu, người đầu tiên của Việt Nam 2 lần giải huy chương vàng Olympic toán quốc tế, cho rằng sự bế tắc trong nghiên cứu có thể do nhiều lý do. “Bế tắc rất có thể do chúng ta chưa hiểu tường tận vấn đề chúng ta làm. Khi bạn chưa thể phát biểu vấn đề đó một cách đơn giản, chính xác, rạch ròi và ngắn gọn là bạn chưa hiểu vấn đề. Sự bế tắc cũng có thể do chúng ta thử giải quyết một bài toán mà nhiều người đi trước từng bế tắc. Trong tình huống này, chúng ta cần tìm ra cho mình đâu là vũ khí tư duy mới khác với những người đã từng thử sức bài toán đó”, GS Châu giải thích.

Việc thay đổi bản thân mình không chỉ đơn giản là việc cập nhật thông tin mà phải học thật sự để trở nên nhuần nhuyễn.

GS Ngô Bảo Châu

Từ câu chuyện chung về nghiên cứu, GS Châu nhắn nhủ với người trẻ: “Tích lũy kiến thức phải siêng năng và nghiêm túc. Chúng ta cần có ý thức làm việc, luyện tập, tích lũy khả năng tư duy hàng ngày”.

Trước một câu hỏi về khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học có nhiều cái khó, khó nhất là luôn phải làm mới mình”. Ông phân tích: “Khi còn đi học chúng ta phải trang bị kiến thức, vũ khí tư duy để giải quyết các bài toán. Sau một thời gian nghiên cứu và giải quyết hết bài toán đó thì phải tự trang bị bài toán mới và càng ngày càng khó hơn”.

Về cách làm mới mình, GS Châu nhấn mạnh: “Việc thay đổi bản thân mình không chỉ đơn giản là việc cập nhật thông tin mà phải học thật sự để trở nên nhuần nhuyễn. Chẳng hạn, lúc trước chỉ làm 1 dạng toán nhưng sau này phải học thêm nhiều dạng toán khác. Học không chỉ để nói chuyện mà phải thành thạo nó. Muốn duy trì việc làm khoa học liên tục, ở mức độ nào đó là luôn làm mới mình, phải biết lựa chọn đề tài và luôn thay đổi tư duy”.

Trước câu hỏi “vợ của GS có ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp nghiên cứu của ông?”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Vợ tôi không phải người học toán nhưng bao giờ cũng rất tôn trọng công việc của tôi, là chỗ dựa rất vững chắc cho tôi. Dù rằng điều này không phải dễ dàng, công việc nghiên cứu toán học cần sự tập trung và có những thời điểm tôi không nói chuyện với ai trong gia đình cả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.