Không ngồi chờ đến lượt, nữ giáo viên với tinh thần ham học hỏi đã chủ động mượn tài khoản của đồng nghiệp vào nghiên cứu, tự học trước.
Mượn tài khoản để nghiên cứu trước tài liệu
26 năm đứng lớp, cô giáo Trường tiểu học Dân Tiến (huyện Khóa Châu, tỉnh Hưng Yên) - Hoàng Thị Hoa Chinh luôn tâm niệm phải không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng các đòi hỏi mới của việc dạy học và phù hợp với đối tượng học trò mỗi năm một khác. Vì thế, khi giáo viên cốt cán rồi giáo viên đại trà các lớp đầu cấp được bồi dưỡng trước để thực hiện CT GDPT mới; cô Chinh dù chưa được cấp tài khoản do khối lớp cô phụ trách (lớp 4, lớp 5) phải đến năm 2023, 2024 mới triển khai chương trình; nhưng nữ giáo viên vẫn tìm cách để tiếp cận và nghiên cứu trước tài liệu bồi dưỡng.
Mượn tài khoản của giáo viên cốt cán cùng trường, cô giáo 46 tuổi sắp xếp các công việc ở trường và ở nhà để dành thời gian vào hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) tự học các modul mà đồng nghiệp cốt cán đã hoàn thành. Cứ như thế, khi giáo viên cốt cán hoàn tất 3 modul đầu về “Hướng dẫn thực hiện CT GDPT 2018”; “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”; “Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”, thì năm 2020, cô Chinh cũng học và làm xong các bài tập của 3 modul ấy.
“Đầu năm 2021 tôi đã học hết 3 modul của 5 môn học. Khi được cấp tài khoản cá nhân, tôi lại vào học các modul của môn Lịch sử và Địa lý theo phân công của trường, để được cấp chứng nhận, chứng chỉ bồi dưỡng. Tôi đồng thời tự học thêm các modul của môn Toán, Tiếng Việt để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân”, cô giáo Trường tiểu học Dân Tiến nói.
|
Đối tượng giáo dục luôn thay đổi, giáo viên cũng phải luôn “vận hành”
Nữ giáo viên Hoàng Thị Hoa Chinh là điển hình của tinh thần chủ động tự bồi dưỡng, nhưng cũng là đại diện cho hàng triệu giáo viên ở trường các trường phổ thông trên cả nước đang từng ngày nỗ lực học hỏi để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo. Theo báo cáo của chương trình ETEP, tính đến ngày 11.3.2021, 28.000 giáo viên cốt cán và 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán (GV/CBQL) đã hoàn thành 3 modul bồi dưỡng (1, 2, 3). Hơn 340.000 GV/CBQL đại trà hoàn thành modul 1, 2. Tỷ lệ cốt cán hoàn thành hỗ trợ đại trà tự bồi dưỡng đạt 50%.
Là giáo viên cốt cán tại Trường tiểu học Kim Ngọc (TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), cô Đỗ Thị Hiền Hòa luôn ý thức cao việc không ngừng bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn. Bởi lẽ: “Ở thời đại 4.0, khi đối tượng giáo dục của chúng ta luôn thay đổi, thì bản thân người thầy cũng luôn phải “vận hành”.
Sau khi tham gia các modul tập huấn của chương trình ETEP, cô Hiền càng cảm thấy rõ hơn nữa việc bồi dưỡng không chỉ là “trách nhiệm” mà là nhu cầu tự thân, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể như, khi bồi dưỡng modul 2, 3 về sử dụng phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; các kỹ thuật được nêu trong tài liệu, cô đã áp dụng phần nào khi dạy học theo mô hình VNEN. Tuy nhiên, để kiến thức trở thành phương tiện phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, người giáo viên còn phải vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp/kỹ thuật dạy học, hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá khác, nhằm khơi dậy động lực, nhu cầu học tập của mỗi học trò. Để làm được điều này thì chính người thầy cũng phải có trong mình nhu cầu, động lực tự học, tự bồi dưỡng ấy.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hoài - giáo viên Trường tiểu học Thị Trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc tự bồi dưỡng là rất cần thiết và phù hợp với hoạt động của giáo viên. Tuy nhiên, với những thầy cô đã quen với việc thụ động được bồi dưỡng sẽ gặp khó khăn trong quá trình tự học các modul của chương trình ETEP lần này. Dù vậy, nữ giáo viên cho rằng, phương thức bồi dưỡng qua mạng mà ETEP triển khai, đã hỗ trợ tối đa cho giáo viên trong việc được chủ động thời gian, không gian, phương tiện học tập, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tự bồi dưỡng. Đặc biệt việc cung cấp các học liệu dưới nhiều hình thức như: bản word, video hay câu hỏi trắc nghiệm, giúp người học tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả mà không bị nhàm chán.
“Việc tự học, tự tìm tòi, khám phá kiến thức khiến giáo viên nhớ lâu hơn. Quá trình học có câu hỏi kiểm tra, đánh giá, buộc giáo viên phải nỗ lực học thật, nghiên cứu thật, mới đạt kết quả tốt”, cô giáo Nguyễn Thị Hoài nói.
Bình luận (0)