Giáo viên lương hơn 10 triệu/ tháng 'dứt áo' ra khỏi biên chế

12/09/2017 15:07 GMT+7

Một thạc sĩ là giáo viên trong biên chế ngành giáo dục, nhận lương 10,1 triệu đồng vừa gửi đơn xin nghỉ dạy để đi làm ngoài gây xôn xao dư luận tại Quảng Ninh.

Đó là chuyện của thạc sĩ Đoàn Hùng Cường, 38 tuổi, nguyên là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). 
Trao đổi với Thanh Niên ngày 12.9, anh Đoàn Hùng Cường cho biết, anh tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh năm 2001. Sau khi ra trường 2 năm thì được nhận vào Trường THCS thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Năm 2004, anh Cường chuyển về làm chuyên viên của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bình Liêu.
Để trau đồi nghiệp vụ, anh Cường học tại chức sư phạm văn, sau đó về dạy tại Trường THCS Tình Húc, huyện Bình Liêu. Năm 2010, anh học cao học và sau đó trở thành thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo anh Cường, tỉnh Quảng Ninh có chế độ ưu đãi nhân tài để được trợ cấp cho những người học cao học, tuy nhiên khi mang kết quả trúng tuyển về Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Bình Liêu thì bị từ chối với lý do anh không phải là cán bộ trong quy hoạch. Để học thạc sĩ, anh Cường xin nghỉ việc, học tự túc. Sau khi có bằng thạc sĩ, năm 2012 anh Cường tiếp tục dạy Tại trường THCS Tình Húc, năm 2016 được chuyển về Trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện.

tin liên quan

Ám ảnh biên chế
Mất mấy trăm triệu đồng 'mua' một suất biên chế sư phạm là chuyện đã truyền tai từ rất lâu. Ai cũng biết nhưng chưa ai thừa nhận chính thức.
Anh Cường khẳng định không bị trù dập hay tác động nào khác mà xin nghỉ là nguyện vọng của bản thân. “Nơi tôi công tác xa nhà hơn 130 km, tôi phải thuê nhà trọ, điều kiện ăn ở không ổn định. Hơn 10 năm qua đã nhiều lần tôi xin chuyển về gần nhà nhưng chưa được, nay bố mẹ già yếu, con nhỏ, vợ lại chưa có việc làm nên tôi muốn xin ra khỏi ngành để về làm ở ngoài, đỡ đần gia đình. Giáo viên là nghề cao quý nhưng bạc bẽo, nơi công tác cũng không trọng dụng người cầu tiến, lương của tôi cũng không đủ nuôi gia đình", anh Cường nói và cho biết bất cập này là của cả ngành giáo dục chứ không riêng gì ở huyện Bình Liêu hay tỉnh Quảng Ninh. Thạc sĩ cũng bày tỏ việc anh xin ra khỏi ngành cũng nên được xem như một sự thay đổi nhận thức, rằng biên chế nhà nước không phải là cái gì quá ghê gớm. "Dù cho mình làm gì hay làm ở đâu mà làm tốt công việc thì sẽ được trọng dụng và không nhất thiết phải là người trong biên chế", anh Cường nói.
Cũng theo anh Cường, chỉ sau 48 giờ nộp lá đơn viết ngày 24.8, anh đã nhận được quyết định ra khỏi biên chế. "Lúc đầu khi cầm quyết định trong tay cũng có chút tiếc nuối, tâm trạng buồn phiền nhưng sau rồi mình tin vào năng lực của bản thân nên cũng không nghĩ nhiều nữa", anh nói.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Đào Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục Đạo tạo huyện Bình Liêu cho biết:  “Chúng tôi tôn trọng quyết định cá nhân của anh Cường. Trong suốt thời gian công tác, anh Cường được ngành, đồng nghiệp giúp đỡ tận tình. Anh là giáo viên có năng lực nên chúng tôi bố trí về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện ngay tại thị trấn, một ngôi trường có phong trào thi đua, điều kiện vật chất tốt nhất trên địa bàn, các trường còn lại của Bình Liêu còn nhiều khó khăn, nhiều giáo viên rất vất vả".
Còn theo ông Vi Văn Hồng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Liêu thì trước khi anh Cường nghỉ công tác, lãnh đạo các cơ quan liên quan có trao đổi và được anh Cường cho biết ra khỏi ngành là tự nguyện. “Theo hồ sơ, anh Cường nhận mức lương bậc 6, hệ số 3,99, hưởng phụ cấp thâm niên 6%, hưởng phụ cấp lâu năm 0,5 và hưởng đầy đủ các phụ cấp của giáo viên với tổng thu nhập 10,1 triệu đồng mỗi tháng. Anh Cường từng xin chế độ ưu đãi của tỉnh nhưng không được duyệt vì không nằm trong quy hoạch”, ông Hồng nói và tiết lộ "hình như anh ấy nghỉ việc để về làm công ty tổ chức sự kiện".
Theo ông Mai Vũ Tuấn, Bí thư huyện uỷ Bình Liêu thì "anh Cường được tạo mọi điều kiện tốt để giảng dạy, nhận đủ chế độ, còn việc xin ra khỏi ngành là nguyện vọng của bản thân, không có gì bất thường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.