Giáo viên nên nghỉ hưu ở tuổi nào?

Nguyễn Văn Lực
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
19/03/2023 07:16 GMT+7

Là một giáo viên bước vào tuổi 60, tôi hoàn toàn đồng ý với việc đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị sửa đổi luật, giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên như trước đây (tức 60 với nam, 55 với nữ).

Cụ thể, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội hôm 16.3 đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bộ luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây (nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55) do sự phù hợp của học sinh các cấp học này với thầy cô lớn tuổi là không cao.

Tôi là một giáo viên đang bước vào tuổi 60 và tán thành đề xuất của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội vì một số lý do dưới đây:

Thứ nhất, dạy học là ngành nghề đặc thù, đào tạo thế hệ trẻ tương lai của đất nước, dân tộc "vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Do đó, chúng ta cần có những thầy cô chuẩn mực sư phạm về hình thức bên ngoài cả về nội dung năng lực giảng dạy, đồng thời là hình mẫu lý tưởng cho học sinh.

Vì thế, ở độ tuổi nghỉ hưu 60 với nam, 55 với nữ như trước đây là hợp lý hơn so với hiện tại nam 62 và nữ 60 vì lứa tuổi này đã xuất hiện sự chậm chạp, luộm thuộm trong giảng dạy, sinh hoạt là điều không thể tránh khỏi.

Thứ hai, về tâm sinh lý, lứa tuổi nam 60, nữ 55 là kết thúc giai đoạn đỉnh cao của sức khỏe và trí tuệ.

Bản thân tôi đang bước vào tuổi 60, việc đứng lớp giảng dạy chỉ là cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Sự năng động, nhiệt huyết đã suy giảm rõ rệt. Ngay cả dáng đi, lời nói cũng đã không còn vững vàng và lưu loát nữa thì làm sao dạy chất lượng để lôi cuốn học sinh là một thực tế.

Thứ ba, với đa số thầy giáo tuổi 60, cô giáo tuổi 55, thì khó có thể thu hút học sinh trong việc giảng dạy vì sự tươi trẻ không còn nữa. Do vậy, học sinh thật sự không thích học thầy cô giáo cao tuổi dù biết rằng "thầy giáo già, con hát trẻ".

Nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của giáo viên - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội vừa đề nghị sửa đổi luật, giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên như trước đây (tức 60 với nam, 55 với nữ)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thứ tư, những thầy cô lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới vào bài giảng dù họ đã rất cố gắng.

Thực tế cho thấy nhà trường cũng đã nhiều lần tập huấn ứng dụng công nghệ vào việc soạn bài, soạn đề thi… nhưng thầy cô lớn tuổi vẫn thực hiện bằng thủ công truyền thống "bởi lực bất tòng tâm là chính, dù bản thân rất cố gắng tiếp cận công nghệ".

Với những lý do trên, tôi nghĩ rằng thầy cô đến tuổi về hưu như quy định trước đây (nam 60, nữ 55) là hợp lý. Đó cũng là giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, trẻ hóa lực lượng giáo dục, tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường sớm có việc làm.

Nếu có làm khảo sát lấy ý kiến thầy cô về tuổi nghỉ hưu, tôi tin rằng hầu hết giáo viên muốn được nghỉ hưu khi nam 60 và nữ 55, chỉ một vài người muốn tăng tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu với giáo viên nam 62, nữ 60 theo lộ trình tính từ năm 2021, với mục đích tránh nguy cơ vỡ quỹ hưu trí trong tương lại là thiếu căn cứ thực tế.

Vì thế, Bộ LĐ-TB-XH cần có giải pháp khác hiệu quả hơn để giải quyết nỗi lo vỡ quỹ hưu trí và đừng để tuổi tác trở thành gánh nặng cho ngành giáo dục.

Xem nhanh 12h ngày 19.3: Tiếp vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines | Đưa thuốc giải quý cứu người ngộ độc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giáo viên nên nghỉ hưu ở độ tuổi nào?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.