Những thay đổi của đề thi lớp 10 môn toán
Về cấu trúc và đề thi tham khảo lớp 10 môn toán, giáo viên Trần Tuấn Anh, Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM) nhận xét, các dạng toán tự luận thuần túy thì tương tự như các năm trước như về hàm số bậc hai y = a x2, phương trình bậc hai và định lí Vi-et, hình học phẳng...
Các bài toán thực tế có sự thay đổi về số câu và dạng toán. Theo cấu trúc mới, đã giảm một câu về toán thực tế. Nội dung toán thực tế có thêm phần xác suất thống kê.
Cấu trúc đề toán đi theo 3 mạch kiến thức đã chỉ rõ trong Chương trình GDPT 2018, đó là các mạch toán về hình học và đo lường, số và đại số, thống kê và xác suất. Nội dung yêu cầu của cấu trúc đề thi phù hợp cho việc mở rộng và nâng cao các nội dung trên (3 mạch toán) ở cấp THPT.
"Nhìn chung, cấu trúc đề đã cho rất rõ ràng về nội dung, thể hiện minh bạch những yêu cầu của đề thi. Chúng ta đã được tiếp cận với đề thi về mặt nội dung là rất bình đẳng và thực chất đã rất rõ ràng", thầy Tuấn Anh nói.
Các nội dung của đề thi ngữ văn liên kết chặt chẽ
Còn với cấu trúc đề thi lớp 10 môn ngữ văn, thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), nhận xét phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.
Đề thi có sự phân chia thành các phần rõ ràng, mỗi phần có yêu cầu riêng. Trong trường hợp này, đề thi bao gồm phần đọc hiểu, phần viết đoạn văn nghị luận văn học và phần viết bài nghị luận xã hội. Các phần của đề thi được thiết kế liên kết chặt chẽ với nhau, từ việc đọc hiểu đến viết đoạn văn và cuối cùng là bài văn, giúp học sinh hình thành mạch lạc trong tư duy và thể hiện sự hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề.
Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu có thể là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận/thông tin, giúp học sinh luyện tập khả năng đọc hiểu và phân tích, đánh giá hình thức và nội dung của một văn bản. Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa giúp học sinh tiếp cận đa dạng nguồn tài liệu và phát triển kỹ năng nhận diện, phân tích, đánh giá.
Với phần viết, yêu cầu tạo lập đoạn văn nghị luận văn học giúp học sinh luyện tập khả năng diễn đạt ý tưởng một cách cô đọng, súc tích. Đồng thời cho phép học sinh thể hiện cảm xúc hoặc phân tích nội dung tác phẩm, tạo điều kiện cho sự tiếp nhận mang tư duy riêng và cá tính sáng tạo ở từng học sinh thông qua những kỹ năng đã được trang bị.
Điểm mới môn tiếng Anh: Hai câu hỏi kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển
Về cấu trúc đề thi môn tiếng Anh, giáo viên Trần Thị Vân, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), nhận xét cấu trúc và số câu hỏi trong đề thi tham khảo tương tự như năm trước. Mức độ kiến thức phân chia ở các mức độ như sau: Nhận biết chiếm 20%; thông hiểu chiếm 40% và vận dụng chiếm 40%.
Cụ thể, đề thi tham khảo lớp 10 năm 2025 bao gồm 40 câu hỏi, chia ra 4 phần: Ngữ âm (từ câu 1-4); từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp (từ câu 5-16); đọc hiểu (từ câu 17-28); viết (từ câu 29-40).
Tuy nhiên trong đề thi năm 2025 sẽ có 2 câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Hai câu hỏi mới này nhằm kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.
Bình luận (0)