Giáo viên sẽ không còn dùng văn bản trong sách giáo khoa ra đề thi môn văn

29/07/2022 17:39 GMT+7

Bộ GD-ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục về việc dạy và học môn văn. Theo đó, nội dung giáo viên quan tâm nhiều nhất là yêu cầu tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi.

Trong nhiều năm gần đây, đề kiểm tra định kỳ trong các kỳ thi giữa, cuối học kỳ ở các trường THPT và các đề thi tốt nghiệp THPT môn văn có hai phần là đọc hiểu và làm văn. Theo đó, phần đọc hiểu lấy dữ liệu (văn bản) hầu hết nằm ngoài sách giáo khoa. Nay theo quy định của bộ, thêm một văn bản nữa nằm ngoài sách giáo khoa vào phần làm văn của đề thi.

Thí sinh làm bài thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

đào ngọc thạch

Trong thực tế học hành và kiểm tra, đánh giá ở các trường trung học hiện nay, học sinh chưa hề được làm quen với đề thi có phần làm văn yêu cầu phân tích (hoặc cảm nhận) một tác phẩm văn nằm ngoài sách giáo khoa.

Học sinh hào hứng, giáo viên băn khoăn

Nhiều giáo viên cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận tinh thần của công văn trên và băn khoăn về phương thức dạy tác phẩm mà lại không được ra đề từ các tác phẩm mình đã hướng dẫn cho học sinh, băn khoăn về hướng ra đề mới, ra dạng đề mở, băn khoăn về hiệu quả của việc ra đề theo hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT.

Còn một số học sinh khi tiếp nhận tinh thần của công văn trên thì rất hào hứng khi được làm bài thi theo cảm nhận riêng của mình, không lệ thuộc vào bài học, sách văn mẫu, được nói lên những suy nghĩ riêng, được phát huy sự sáng tạo của mình khi trình bày một bài luận văn. Nhưng cũng có em cho rằng học tác phẩm mà không kiểm tra, không thi thì sẽ có nhiều bạn không còn chú tâm đến hướng dẫn, lời giảng bình của giáo viên. Học sinh lớp 12 thì tâm tư trước một "biển mênh mông" những văn bản nằm ngoài sách giáo khoa.

Có nhiều bộ sách giáo khoa là xu thế của thời đại, là hướng đi của nền giáo dục ở nhiều nước nhưng việc tiếp nhận nhiều tác phẩm văn học khác nhau ở những bộ sách giáo khoa khác nhau đối với học sinh lớp 12 để có thể đáp ứng yêu cầu của đề thi tốt nghiệp, làm tốt bài thi tốt nghiệp môn văn không phải là chuyện dễ dàng. Việc ra đề thi, đáp án ở kỳ thi giữa, cuối học kỳ ở cấp THPT và kỳ thi tốt nghiệp trong hoàn cảnh có nhiều bộ sách giáo khoa cũng là một việc khó khăn.

Sẽ không còn tình trạng đoán đề trước mỗi kỳ thi nếu thay đổi cách dạy, học và ra đề thi môn văn?

chụp màn hình

Đề mở giúp giáo viên và học sinh giải tỏa băn khoăn ?

Trong công văn, Bộ còn khuyến khích ra dạng đề mở để phát huy tính tích cực học tập của HS. Đề mở thường được hiểu là đề cho phép HS được dùng tài liệu khi làm bài nhưng nội hàm sau đây được công nhận phổ biến: đề mở là đề mà người làm bài được quyền sử dụng dữ liệu riêng của mình, được phát biểu ý kiến riêng, diễn đạt những cảm xúc chân thật, vận dụng ngôn ngữ riêng; không bị bó buộc phải theo quan điểm của tác giả sách giáo khoa, không bị buộc phải nói theo lời bình giảng của thầy cô, của các loại sách tham khảo, văn mẫu. Đề mở có ý nghĩa tích cực là học sinh được trình bày cảm nhận, chính kiến độc lập, sáng tạo, được phát huy năng lực phản biện, tránh được việc học thuộc lòng các bài giảng văn, hạn chế việc đoán đề thi, học tủ.

Tất nhiên khi ra đề mở thì đáp án cũng phải mở. Đáp án mở phải dự kiến nhiều tình huống, phương cách trả lời khác nhau, càng cụ thể, càng nhiều chi tiết thì càng tốt vì giúp cho người chấm dễ dàng, chính xác, giúp học sinh không bị thiệt thòi bởi những định kiến, cảm nhận chủ quan của giáo viên.

“Vạn sự khởi đầu nan”. Khi bắt đầu học chương trình giáo dục mới (đặc biệt là lớp 10 vào năm học 2022-2023) với phương thức dạy và đánh giá mới, thầy cô và học sinh sẽ đối diện với nhiều khó khăn nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của từng thành viên, mọi khó khăn đều sẽ được khắc phục để chương trình dạy học môn ngữ văn ngày càng hoàn thiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.