Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch - Kỳ 2: Chỉnh hay loại ?

11/09/2012 03:15 GMT+7

Trước thực trạng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chất lượng còn quá thấp, các tỉnh thành lại tính đến phương án giải quyết khác nhau.

>> Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch

Bộ không nên bắt buộc phải sử dụng đội ngũ GV hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những GV rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu

NGUYỄN THẾ SƠN
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An

Bố trí công việc khác

Theo ghi nhận của phóng viên, một bộ phận không nhỏ giáo viên (GV) bị sốc khi các tỉnh thành thực hiện đề án ngoại ngữ. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bắc Ninh cho biết: “Một số người lớn tuổi bị sốc, không đủ kiên trì để đào tạo lại, họ đã chủ động xin nghỉ việc, thậm chí có người bị ốm vì lo lắng quá”. Một GV tại Hà Nội tâm sự dù đã dạy học ngoại ngữ tự chọn hơn chục năm nay, hằng năm được tham gia tập huấn nhiều lần nhưng khi triển khai chương trình ngoại ngữ bắt buộc, để đạt được trình độ B1, cô cần một thời gian học tập thật sự nghiêm túc. GV này cũng chia sẻ: “Lâu nay chúng tôi chỉ quen dạy các kiến thức trong sách, chủ yếu là ngữ pháp nên giờ áp vào chuẩn châu u, tôi thật sự hoang mang”.

Nhiều người cho rằng hiện mỗi trường tiểu học chỉ có biên chế 1 GV tiếng Anh nên họ phải dạy trên dưới 20 tiết/tuần cho cả khối 3, 4 và 5. Với giờ lên lớp dày đặc như vậy, chỉ lo sao để giáo án đạt yêu cầu, hấp dẫn học sinh đã là khó chứ đừng nói đến thời gian đi học thêm nâng cao kiến thức. Mà có sắp xếp được thời gian đi học thì với các địa phương nghèo như: Lào Cai, Hà Tĩnh, Hà Nam, Thanh Hóa..., GV cũng rất khó tham gia.

 Chủ trương của Bộ là cần tạo điều kiện bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại… đối với người chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương dự kiến sắp xếp, bố trí công việc khác cho các GV đạt trình độ thấp hơn 3 - 4 bậc so với mức chuẩn hoặc không đạt bậc thấp nhất trong các bậc năng lực ngoại ngữ quy định.

Ông Lương Văn Cầu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho hay đã yêu cầu các đơn vị giáo dục khi tuyển dụng GV ngoại ngữ phải kiểm tra trình độ năng lực, nếu đạt mức chuẩn so với yêu cầu của từng cấp học thì mới tuyển. Còn ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An, nêu quan điểm: “Bộ không nên bắt buộc phải sử dụng đội ngũ hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những người rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu”. Vì vậy ông Sơn đề xuất: “Nên cho họ làm công việc khác và tuyển mới những người được đào tạo bài bản ngay từ đầu”. Còn ông Bùi Văn Tâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cho rằng: “Nhiều người dưới chuẩn đã được bồi dưỡng nhưng không thể đạt trình độ theo yêu cầu, ngành sẽ buộc phải loại”.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch
Từ năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM chi hàng trăm tỉ đồng cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng GV tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đầu tư tiền tỉ để cải thiện

Nhiều tỉnh thành khác như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM... chủ động bỏ kinh phí của địa phương để cử GV tập huấn tại: Philippines, Malaysia, Singapore nhằm nâng chất đội ngũ GV.

TP.Hà Nội xác định đến năm 2020, 100% GV tiếng Anh các cấp được đào tạo lại, bồi dưỡng và có chứng chỉ theo chuẩn quốc tế; 100% GV tiếng Anh nghe, hiểu bài do chuyên gia nước ngoài giảng dạy mà không cần phiên dịch.

Năm học mới này, TP.HCM chính thức thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh. Kinh phí thực hiện đề án này trong năm nay hơn 408 tỉ đồng, trong đó khoảng 336 tỉ đồng dùng để trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị. Kinh phí còn lại sẽ dùng vào việc đào tạo, bồi dưỡng GV. Sau khi đạt chuẩn trình độ, Sở sẽ đề nghị UBND TP cho những GV trên được nhận phụ cấp ưu đãi bằng 70% lương/tháng, tương đương với GV dạy ở trường chuyên. Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở, cho biết: “Lộ trình từ nay đến năm 2014, Sở sẽ khảo sát và bồi dưỡng, đào lại cho tất cả GV tiếng Anh đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu u. Sở đang tiến hành thủ tục, ký kết hợp đồng với đối tác để xét tuyển, kiểm tra trình độ GV tiếng Anh của Philippines để ngay từ tháng 9, khoảng 100 GV bản ngữ sẽ chính thức giảng dạy tại một số trường”.

Cũng theo kế hoạch này, từ nay trở đi, hằng năm Sở sẽ tổ chức cho 30 - 40 GV đi tu nghiệp tại Philippines từ 1 - 2 tháng để rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp.

Người giỏi không muốn đi dạy

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Do thị trường lao động thiếu người giỏi tiếng Anh nên ngành giáo dục đang phải cạnh tranh dữ dội để giữ được đội ngũ GV giỏi, cố gắng hạn chế “chảy máu chất xám” ngay trong nước”.

Với kinh nghiệm 9 năm đào tạo chuyên ngành bằng ngoại ngữ, lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội nêu thực tế, việc tuyển dụng GV dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đã khó, nhưng giữ chân họ được càng khó hơn.

Thực tế, có rất nhiều lời mời làm việc với mức lương hàng nghìn USD một tháng thì lương dạy ở trường chỉ được 4 - 5 triệu đồng/tháng khiến cuộc cạnh tranh nhiều khi không cân sức, phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết của những người giỏi.

Do vậy, lãnh đạo các trường kiến nghị cần có chính sách khuyến khích đội ngũ GV bằng việc cấp học bổng du học nâng cao trình độ kèm với cam kết làm việc cống hiến cho trường. Nhưng chính sách bền vững nhất vẫn là tăng thù lao giờ dạy.

Tuệ Nguyễn

T.Nguyễn - L.Giang - B.Thanh - M.Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.