Giàu lên nhờ chè
Hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Văn Thanh quyết tâm vực dậy cây chè khi loại cây này đang bị nông dân trong vùng phá bỏ. Vận động bà con không ai nghe, dù lẻ loi một mình nhưng anh Thanh vững niềm tin sắt đá vào những gì mình nhận định, rằng cây chè là cây có giá trị kinh tế rất cao, bền vững khi trồng một lần cho thu hái từ 50 năm đến hơn 100 năm.
Được Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho tham gia các lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp, anh Thanh hiểu nguyên nhân vì sao cây chè tại thời điểm đó năng suất không cao, giá thành thấp.
Cùng sống xanh số 45: Trồng chè khi người dân chặt chè, anh Thanh giàu lên nhờ chăm cây bằng phương pháp hữu cơ
Lý do, người trồng chè chăm sóc cây bằng phân vô cơ, nhanh, nhàn nhưng chất đất mau bị chai cứng, khả năng cây chống chịu đối với sâu bệnh rất thấp; sản phẩm chè hình thức rất thô, không mịn, không đẹp và đặc biệt là uống có vị đắng, chát, không thơm, không có vị ngọt hậu như chăm sóc bằng phân hữu cơ.
Thêm vào đó, thương lái xúi nông dân làm gian dối nên sản phẩm bị trả về, hàng dội chợ dẫn tới mất giá, thiệt đơn, thiệt kép. Trong khi nếu chăm sóc cây chè bằng hướng hữu cơ thì bản thân cây chè cũng sản sinh ra khả năng tự chống chịu với sâu bệnh, cây tốt, khỏe, mau ra chồi, cho sản lượng cao.
Vậy là, giữa lúc người dân chặt bỏ cây chè thì anh Thanh một mình đi thu gom cơm thừa, rau thừa, rác thải, các thân cây ngô, đỗ, lạc, rơm rạ đem về ủ với men vi sinh khoảng 1 tháng thành phân hữu cơ bón cho cây, cải tạo đất.
Anh Thanh cũng đi học cách chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. "Tôi trăn trở tại sao các địa bàn khác, các nơi khác, ví dụ như Thái Nguyên, Tuyên Quang... có những sản phẩm chè bán giá rất cao.
Thực tế cho thấy, xu thế chung của người tiêu dùng hướng đến những sản phẩm an toàn, hữu cơ, hướng tới chuẩn nhất bây giờ là sản phẩm hữu cơ. Đi tham khảo tất cả các anh em, bạn bè đã từng sản xuất những sản phẩm an toàn, tôi thấy giá trị rất cao nhưng yêu cầu tỉ mỉ, tính kiên trì và sự tuân thủ quy trình khá nghiêm ngặt.
Đầu tiên, tôi chỉ trồng chè thí điểm diện tích rất nhỏ, sau đó cho ra kết quả tốt thì mới nhân rộng. Từ năm 2017, tôi rủ hơn chục anh em thành lập hợp tác xã để có sức mạnh tập thể, trao đổi với nhau về quy trình kỹ thuật làm ăn, về cách thức vận hành, mỗi người mỗi việc", anh Thanh tâm sự.
Ban đầu, anh Thanh đi vận động không ai chịu theo, nhưng sau một thời gian thấy anh Thanh trồng chè cũng đơn giản mà thu nhập lại cao nên nhiều người chuyển qua trồng chè với cách làm ăn bài bản, chuẩn chỉnh, thậm chí giàu lên nhanh chóng hơn cả anh Thanh.
Trường hợp anh Bùi Ngọc Chương (trú xã Đồng Lương) là một ví dụ. Anh Chương vừa xây ngôi nhà khang trang ngay đầu xóm sau khi chuyển từ trồng bạch đàn sang trồng chè. "Anh Thanh là người đi trước, thấy anh làm hiệu quả thì mình làm theo", anh Chương nói.
Mở thêm mô hình du lịch trải nghiệm
Anh Thanh không giấu được niềm vui khi xóm làng đổi mới nhờ trồng chè. Nhà dân ngày xưa chủ yếu là nhà cấp bốn, bây giờ là nhà cao tầng. Người dân cải thiện được đời sống, có nguồn thu nhập tương đối bền vững.
"Chúng tôi đang dự định mở thêm mô hình du lịch trải nghiệm trên vườn chè cho các cháu học sinh. Chúng tôi đang đùa với nhau là mình cũng phải sống ảo theo các bạn để hợp với thời đại.
Làng chè kết nối tất cả các đơn vị trong khối hợp tác xã, trong tỉnh, trong hội để tạo thành một chuỗi. Ví dụ, khách du lịch đi thăm đơn vị này vài giờ, đi thăm đơn vị kia vài giờ và đến đơn vị cuối cùng là tổ chức ăn uống, rồi hội hè đốt lửa trại. Chúng tôi dự định kết nối với các trường cấp 2 - 3 để giúp các bạn học sinh hiểu về cây chè ngay tại vườn chè này", anh Thanh chia sẻ thêm.
Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, cho biết: "Từ khi Nghị quyết T.Ư 8 về vấn đề phát triển du lịch, đặc biệt là nông nghiệp và du lịch phối hợp với nhau thì mô hình chè Phú Thọ cũng là một trong những mô hình được cho là tiêu biểu".
Vẫn theo ông Quỳnh, ở tỉnh Phú Thọ, nhiều người đã làm được mô hình mang lại quyền lợi, nguồn lợi cho cộng đồng. Nhưng để phát triển thì phải tạo thêm nhiều sản phẩm nhằm có tính tương tác, nghĩa là phối hợp với du lịch nhưng vẫn mang lại sản phẩm chè thực sự chất lượng, mang lại sinh kế bền vững cho bà con, từ đó phát triển song hành giữa du lịch và khám phá trải nghiệm đồi chè.
Ông Quỳnh cho biết, chỉ cần chỉn chu trong vấn đề thuốc bảo quản chè, sử dụng bằng thuốc hữu cơ sẽ đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người trồng cũng như khách tham gia trải nghiệm. Để có câu chuyện của chè, phải làm sản phẩm sâu. Ví dụ, với du lịch, có thể nghiên cứu thêm các sản phẩm ẩm thực từ chè, các sản phẩm trải nghiệm từ chè để ai ai cũng có thể dùng được, có thể trải nghiệm được; không những là chụp ảnh, đến vùng chè đó sẽ được chăm sóc sức khỏe, được thưởng lãm chè với nhiều góc độ khác nhau.
"Có một câu chuyện sâu xa hơn về sản phẩm chè thì vùng chè Phú Thọ sẽ đạt được những mục tiêu như mong muốn", ông Quỳnh nhìn nhận.
Bình luận (0)