img

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số như Jrai, Ba Na, Ê Đê…ở Tây nguyên, phụ nữ được định vị là "nữ vương" của nội giới. Ở đấy, như một luật ngầm được cộng đồng thừa nhận, tuân theo. Họ mang trong mình khế ước đã tồn tại bao đời về chế độ mẫu hệ.

Thiết chế xã hội ấy là nơi họ được ưu ái và cũng bao nhọc nhằn, đấy là con mang họ mẹ, trai lập gia đình phải về ở nhà vợ, là khởi điểm của nhiều thứ và cũng phải lo toan nhiều thứ. Chỉ trừ một điều: già làng đương nhiên là nam giới đảm trách.

Vậy mà ở miền biên viễn Ia Mơr, vị trí già làng lại được cộng đồng người dân tộc thiểu số tín nhiệm, đặt lên vai bà Ksor H'blâm. Nữ già làng như thế, ở Tây nguyên thuộc diện rất hiếm!

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 1.

Một ngày mùa mưa Tây nguyên, từ TP.Pleiku chúng tôi vượt cả trăm km để đến Ia Mơr. Mưa mùa tầm tã, ướt nhòe mọi thứ. Đường lên biên giới bây giờ là cung đường vui bởi bạt ngàn cao su, cây trái sản vật địa phương. Đấy là những khu dân cư trù phú thay cho cảnh hoang vu chỉ cách đây 20 năm. Sự đổi thay quá nhanh mang theo những giá trị tốt đẹp.

Bà Ksor H'blâm đón chúng tôi bằng nét cười hồn hậu như bao lần. Gặp bà đã nhiều lần và lần nào chúng tôi cũng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực toát lên từ bà - người phụ nữ Jrai trải qua bao biến cố cuộc đời vẫn "giữ lửa" được vậy.

"Mấy hôm nay mệt nên mình ít đi, 78 tuổi rồi, già quá rồi. Ngày về với ông bà không xa nữa. Giúp gì được cho mọi người, cho làng thì tùy sức mà làm thôi", bà H'blâm nói.

Chuyện bà H'blâm làm già làng cũng là câu chuyện hết sức ngẫu nhiên. Phải nói thêm rằng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số từ xa xưa, già làng luôn có một vị thế đặc biệt. Họ là người được dân làng tín nhiệm rất cao trong tất cả mọi chuyện. Ai chống lại lời của già làng xem như tự tách mình ra khỏi cộng đồng, bị mọi người xa lánh.

Lại nói chuyện về già làng H'blâm. Thuở thanh thiếu niên, khi đất nước chìm trong khói bom lửa đạn, bà đã theo cách mạng để góp phần thống nhất đất nước. Sau đó bà đi học rồi về công tác ở các cơ quan như Tỉnh đội Gia Lai, H.Chư Prông. Nghỉ hưu, bà đã chọn quê hương của mình ở làng Krông, xã Ia Mơr để quay về. Tại đây, cấp ủy, chính quyền lại vận động bà tham gia công tác ở xã.

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 2.

Bà H'blâm cười nói: "Mãi rồi mới được nghỉ hưu. Mà có được nghỉ đâu, cứ việc làng, việc xã cùng đi suốt. Làm này, làm nọ mãi. May trời cho sức khỏe, cứ phăm phăm mà đi tối ngày. Giờ thì sức không nổi nữa rồi".

Trở lại chuyện làng Krông, ấy là khi vị già làng ra đi sau cơn bạo bệnh, mọi người tìm kiếm ứng cử viên một thời gian mà người làng chưa ai đồng ý. Khi người làng nhắc đến bà H'blâm, mọi người đều tán thưởng, bởi bà là đảng viên, có uy tín cao trong buôn làng. Tuy nhiên nữ mà làm già làng là một biệt lệ, bởi từ bao đời nay, già làng phải là đàn ông.

Thấy bà tỏ ý ngần ngại vì cái biệt lệ ấy, nhiều người nói: "H'blâm không muốn giúp làng rồi!". Nghe vậy, bà biết từ chối nữa là phụ tấm lòng của mọi người. Người đồng bào tính thẳng như cây kơ nia vậy, chỉ biết thật bụng, không biết nói dối ai bao giờ. Và hơn ai hết, bà H'blâm biết đấy là trọng trách mình không thể thoái thác, bởi đã là đảng viên thì phải tiên phong, đi trước, gánh cái lo của dân làng về phía mình.

"H'blâm à, quá tốt, đảng viên mà! Làng Krông rồi các làng khác như Klă, Krông, H'nap, Khôi, Ring đều gặp may. Bà ấy đã giúp cho mọi người hiểu biết nhiều hơn, làm nhiều chuyện đúng, chuyện hay hơn. Cuộc sống của nhiều người cũng tốt hơn. Ai cũng biết ơn bà ấy", ông Rơlan Sinh, một người dân ở xã Ia Mơr nói.

Lo bao chuyện, đến khi nhìn lại thì bà H'blâm đã qua thời xuân sắc với bao người theo đuổi. Tóc đã bắt đầu bạc. Bà ở vậy, dành tâm sức lo chuyện làng, chuyện nước!

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 4.

Mà quả thật, trên cương vị già làng ấy, bà H'blâm đã làm quá nhiều việc hay cho làng, cho xã. Hết đến các nhà trong làng xem rồi chỉ bảo họ làm ăn, xây dựng nếp sống mới, bà lại tất tả cùng với cán bộ biên phòng vận động người dân không nghe lời xúi giục của kẻ xấu, yên tâm lao động sản xuất. Rồi phát triển kinh tế hộ gia đình, cho người dân còn nghèo mượn bò, hỗ trợ tiền, giống cây…

Nhiều người tự hỏi tại sao người phụ nữ ấy lại có một năng lượng dồi dào đến vậy. "Điểm nóng" nào cũng sẵn sàng có mặt, chẳng từ nan việc gì, miễn là mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Bên cạnh những phong tục tốt đẹp, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng tồn tại những lệ tục lạc hậu. Bà H'blâm nhớ lại: "Hồi trước cứ mỗi lần đau là người nhà lại mời thầy cúng. Đã tốn kém mà bệnh đâu có khỏi. Có khi nặng quá mà tử vong. Đấy là do thói quen và không có hệ thống y tế, thuốc men đầy đủ".

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 5.

Là người đã thoát ly khỏi làng, được tiếp cận với nhiều thông tin nên bà H'blâm đã tuyên truyền cho mọi người: "Có bệnh là đến trạm xá, đến bệnh viện, không thể mời thầy cúng mà khỏi được".

Ban đầu, nhiều người làng không nghe. Họ nói rằng "cái bụng H'blâm khác quá, làm trái lệ ông bà rồi!". Bà hay tin đến tận nhà động viên, nhờ thầy thuốc ở các đồn biên phòng, trạm y tế đến khám bệnh, điều trị. Một nhà, hai nhà rồi việc đúng cũng thông dần. Người các làng hiểu ra, nghe theo.

Hay hồi trước, mỗi lần người phụ nữ chuyển dạ là ra khỏi làng, lên chòi rẫy để sinh con. Đã có nhiều trường hợp tử vong thương tâm từ những ca chuyển dạ khó hay sự cố trong lúc sinh nở. Bà H'blâm lại cùng cán bộ của xã, huyện tổ chức tuyên truyền. Họ nghe ra và đã đến các cơ sở y tế thăm khám thai, đến sinh tại trạm xá, bệnh viện. Nhiều gia đình nhờ thế mà mẹ tròn con vuông. Đổi lại, đấy là nụ cười lấp lánh, hạnh phúc của người nữ già làng H'blâm vì đã làm những việc tốt cho cộng đồng.

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 6.

Già làng Ksor H'blâm cùng với bộ đội biên phòng đã góp phần giữ gìn an ninh biên giới

Chuyện người chết cũng đến tay bà H'blâm. Lệ tục chôn chung tồn tại ở nhiều làng, cứ vài người chôn chung một quan tài. Có khi người chết vài tháng, khi có người mới chết trong thân tộc, người làng lại quật quan tài lên chôn chung vào. Về làng sinh sống và nhận chức già làng, bà H'blâm đã đến từng nhà vận động họ bỏ tục lệ này. Nói một lần không nghe thì nhiều lần. Rồi tổ chức họp làng…

"Người làng tốt nhưng thiếu thông tin thôi. Mình nói lời phải, nói miết rồi họ phải nghe. Nhưng mình phải làm gương, tuyên truyền cho người bà con của mình làm trước đã, dần dà họ mới tin, mới làm theo. Giờ thì ổn rồi! Đau thì phải kiếm gì ngon ăn cho nhanh lại sức, phải ra trạm xá điều trị. Sinh nở cũng thế. Nhưng cũng phải nói khéo chớ không người làng lại tự ái, nghĩ mình theo ý khác là khó vận động", bà H'blâm kể.

Câu chuyện là nữ già làng hiếm hoi của Tây nguyên cứ cuốn chúng tôi theo cơn mưa nặng hạt. Bà H'blâm nói cứ nghĩ chuyện làm già làng "khó như đi đánh giặc là cùng", hóa ra lại phải lo đủ chuyện, từ buồn đến vui. Mà nhiều việc không có ý kiến của bà là không xong.

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 7.

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 8.

Những năm trở lại đây, cuộc sống người dân xã Ia Mơr có nhiều đổi thay. Hơn 2 năm qua, công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành đã giúp cho người dân ở đây mở rộng diện tích canh tác, trồng lúa 2 vụ, phát triển chăn nuôi. Bà H'blâm cũng là người nuôi bò sớm nhất. Đàn bò 30 con của bà cho thu nhập ổn định hằng năm, đưa bà lên vị thế già làng triệu phú.

Bà H'blâm đã hướng dẫn cho người làng nuôi bò để bán, lấy phân bón. Khi họ chưa có tiền, bà H'blâm cho nuôi rẽ (nuôi rẽ là đưa bò về nhà nuôi, đẻ 2 con thì chủ 1 con, người nhận nuôi được 1 con, còn bò mẹ trả về cho chủ), bán nợ bò… Nhờ vậy, chỉ với hơn 600 hộ, khoảng 2.700 nhân khẩu nhưng Ia Mơr có đàn bò lên đến hơn 1.600 con. Cuộc sống của người dân đã bớt khổ, nhiều nhà có của ăn của để.

Với hơn 31 km đường biên giới, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, đây cũng là địa bàn được tỉnh Gia Lai đặc biệc quan tâm về vấn đề an ninh. Với uy tín của mình, bà H'blâm đã cùng với lực lượng biên phòng, chính quyền vận động người dân không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, vi phạm luật pháp.

Bà H'blâm nhớ năm 2001, có 2 đối tượng xấu vào làng xúi giục người dân. Người làng báo cho bà ngay để bà báo lên trên. Bà luôn nói với người dân: "Hãy cố gắng làm ăn, rồi sẽ khá hơn thôi. Đừng nghe lời xúi giục của kẻ xấu để làm ra chuyện không hay thì khổ bản thân, gia đình. Mà người làng cũng mang tiếng".

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 9.

Ở làng cũng lắm việc. Nhưng nhờ cách vận động khéo léo của bà H'blâm nên nhiều chuyện đã chuyển biến theo hướng tốt đẹp.

Nhiều người làng còn nhớ câu chuyện của gia đình chị H'lôt. Tối đó, bà H'blâm đang ăn tối thì người làng hốt hoảng tới báo: "H'lôt sinh đôi. Người nhà đang tính bỏ đi một đứa theo lệ làng". Bỏ dở chén cơm, bà H'blâm liền chạy đến. Lúc này nhà H'lôt đang đông đúc. Gia đình, người làng đủ cả. H'lôt mệt lả người sau vượt cạn, nằm bên con mà khóc hết nước mắt vì chưa biết đứa con nào sẽ bị đem bỏ vào rừng. Lệ làng rồi, cãi sao được…

Chứng kiến cảnh đó, bà H'bLâm quả quyết: "Để lại cả, không bỏ đứa nào! Yàng cho con thì cũng không bao giờ lấy con của ai cả. Ai lấy đi đứa nào làng phạt vạ đấy! Mình sẽ hỗ trợ nó nuôi con".

"Quan làng" ra phán quyết, ai dám cãi. Vậy là từ đấy chấm dứt thêm một lệ tục "đen".

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 10.

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 11.

Bà Ksor H'bLâm vốn là bộ đội, được đào tạo chữ nghĩa nên hiểu chuyện. Ngày trước người làng hễ có ai đau là mời thầy cúng. Khi mới "chấp chính" già làng, bà đã gạt ngay. Đau thì phải kiếm gì ngon ăn cho lại sức, phải ra trạm xá, nặng thì lên bệnh viện. Nhờ đấy, đã cứu người làng nhiều phen thập tử nhất sinh.

"Có nhiều cái muốn dân tin thì mình phải đi đầu, phải làm trước, làm cho tốt đã. Chuyện nuôi bò cũng là ví dụ. Hay chuyện trồng lúa. Ngày trước người dân chỉ canh tác theo lối chọc tỉa. Mình về thuê người cày, gieo sạ. Đến mùa thu hoạch cao gấp 5, gấp 7 lần. Dân đến xem thấy hay, thấy đúng thì về làm theo thôi", già làng H'blâm nói.

Chuyện với nữ già làng duy nhất ở Gia Lai trong cơn mưa mùa ngày càng nặng hạt. Chuyện làng, chuyện người cứ thế trôi mãi. Và chuyện về bà H'blâm cũng như mạch nguồn chảy mãi, thẳm sâu những giá trị nhân văn tươi đẹp.

Bà H'blâm khiêm tốn: "Chuyện của mình nhỏ thôi, như hạt cát thôi!".

Gieo duyên lành miền biên viễn Ia Mơr - Ảnh 12.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.