Gìn giữ nét đẹp của Lễ hội mùa xuân

01/02/2011 11:04 GMT+7

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Từ xa xưa, lễ hội truyền thống đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của nhân dân. Giáo sư- Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia trao đổi về những vấn đề liên quan đến lễ hội hiện nay.

Lễ hội hướng con người tới cội nguồn văn hóa, cội nguồn tự nhiên

Thưa GS- TS Ngô Đức Thịnh, mỗi dịp Tết đến, Xuân về ở nước ta tưng bừng diễn ra hàng nghìn lễ hội. Xin ông cho biết là xuất phát từ đâu mà lễ hội gắn bó với đời sống tâm linh, tinh thần, văn hóa của con người như vậy?

Việt Nam chúng ta ở các miền cũng như các dân tộc đâu đâu cũng có lễ hội. Ngày xưa các cụ vẫn nói là Xuân - Thu nhị kỳ. Mùa Xuân là mở đầu một năm, mở đầu của vụ gieo trồng còn Mùa thu là khép lại một vụ gieo trồng, thu hoạch và người ta tạ ơn các thần linh. Nhưng trong quá trình phát triển thì Mùa Xuân dần dần trở thành một mùa tập hợp nhiều lễ hội, khiến cho các lễ hội Mùa Xuân chiếm tới khoảng 2/3 lễ hội của các dân tộc anh em. Lễ hội Xuân trở thành một biểu tượng vì nó mở đầu cho một năm.

Lễ hội mùa Xuân trong quan niệm âm dương trời đất kết thúc mùa Xuân kết thúc khí m và khí Dương lên. Trong quan niệm vũ trụ luận Phương Đông khi âm dương hài hòa kết hợp thì tạo ra mùa màng tốt tươi và sức khỏe của con người cũng tốt và cây cỏ và súc vật đâm chồi nảy lộc, là mùa sinh nở, mở đầu một năm, cho nên lễ hội tập trung vào mùa Xuân. Trong quá trình lịch sử lễ hội từ nguồn gốc nông nghiệp  được bổ sung thêm các sự kiện lịch sử, thờ các anh hùng lịch sử và được tôn thờ bởi những giao lưu văn hóa với các nước và bổ sung bằng các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, khiến cho lễ hội hiện nay rất phong phú.

Trong các lễ hội mùa xuân, lễ hội dân gian hướng con người tới cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa. Xin GS phân tích thêm về điểm này?

Lễ hội hướng con người về nhiều điểm. Thứ nhất nó hướng con người tới cội nguồn dân tộc, kể cả cội nguồn tự nhiên. Ví dụ lễ hội Chùa Hương trước khi Phật giáo hóa thì nó là lễ hội chơi hang. Tức là con người trở về với tự nhiên, với thiên nhiên. Sau này nó bị tôn giáo, Phật giáo hóa.

Thứ hai là lễ hội đưa con người trở về cội nguồn dân tộc. Nhiều lễ hội kỷ niệm các anh hùng dân tộc, như hội Đền Hùng, đền Gióng là trở về lịch sử dân tộc.

Lễ hội không chỉ trở về cội nguồn mà còn là biểu trưng của cộng đồng. Không có lễ hội của một cá nhân mà lễ hội là của một nhóm người, của cộng đồng. Trong lễ hội Việt Nam thì cộng đồng tiêu biểu nhất là cộng đồng làng. Trong môi trường hội của làng, tùy theo mỗi nơi tập hợp trở thành một vùng. Ví dụ lễ hội Trường Yên, hoặc Hội Lim, hội Gióng. Từ đó có một lễ hội, như lễ hội Đền Hùng, trở thành Quốc lễ. Trong lễ hội thì bao giờ người ta cũng cố kết với nhau, biểu trưng sức mạnh của cộng đồng, gắn kết với cộng đồng.

Như GS vừa phân tích, lễ hội là biểu trưng sức mạnh cộng đồng, là nơi cố kết cộng đồng nên lễ hội có sức sống lâu bền. Và khi đến với lễ hội, bao giờ người ta cũng cảm thấy được bình đẳng?

Đúng thế, trong lễ hội không có người trình diễn cho người khác xem. Mọi người cùng tham gia, cùng sáng tạo, cùng hưởng thụ. Sau này chúng ta có xu hướng tổ chức lễ hội bằng cách đưa những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về sáng tạo, biểu diễn và đưa người dân trở thành người xem. Điều này không đúng với bản chất của lễ hội. Bản thân người dân phải là người sáng tạo, hòa đồng với nhau trong lễ hội. Đó là lúc con người hòa đồng với thần linh, với tự nhiên. Đó là một tinh thần rất cao cả của lễ hội, mặc dù đi lễ hội người ta thấy "tả tơi", nhưng ai cũng vui, vì người ta tìm thấy cái gì đó trong lễ hội, tìm thấy sự hòa đồng, một nhu cầu, khát vọng của bản chất con người.

Còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh trong các lễ hội

Tuy nhiên, với số lượng lễ hội lớn, lại tập trung chủ yếu ở mùa Xuân, thì khó tránh khỏi biểu hiện tiêu cực, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc. Qua việc quan sát thực tế cũng như kiểm tra các lễ hội trong những năm qua, theo GS lễ hội ở nước ta hiện nay còn những tồn tại nào?

Theo thống kê của của chúng tôi cả nước có gần 8.000 lễ hội và chia làm 5 loại, một là lễ hội dân gian, thứ hai là lễ hội lịch sử cách mạng, thứ 3 là lễ hội tôn giáo, thứ 4 là lễ hội du nhập từ nước ngoài vào, thứ 5 là lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch, đây là loại hình lễ hội mới, phát triển từ khi chúng ta đổi mới và hội nhập.

Hiện nay, đối với lễ hội nổi cộm lên một số vấn đề, đó là: số lượng du khách đang tăng nhanh đến mức đột biến quá lớn với các lễ hội, đặc biệt là phía bắc, làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, một số lễ hội dân gian có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống phai mờ bản sắc dân tộc.

Tình trạng lập nhiều ban thờ, đặt nhiều hòm công đức, nhiều khay, đĩa, để tiền giọt dầu còn phổ biến ở nhiều di tích, làm suy giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất, gây phản cảm trong sinh hoat xã hội.

Thưa GS, điều này có phải vì chúng ta có quá nhiều lễ hội?

Bản thân lễ hội luôn luôn có yếu tố tích cực. Những biểu hiện tiêu cực là do người thực hành. Sau một thời gian bẵng đi và tái lập lại lễ hội thì có nhiều khái niệm lệch lạc. Cái đó tất nhiên thôi. Cái lệch lạc thì do cách tổ chức, cũng có cái là do môi trường lễ hội dễ nảy sinh  tiêu cực. Chẳng hạn như đi lễ hội thì thờ cúng tín ngưỡng là đúng rồi vì lễ hội là tâm linh, nhưng người ta lại lợi dụng lễ hội để kiếm lợi, buôn thần bán thánh, cúng thuê, lễ thuê...

Còn có một mặt tiêu cực cũng không kém phần tai hại là do cách làm, cách quan niệm lễ hội theo những xu hướng không giữ lại truyền thống đa dạng như ngày xưa. Lễ hội của chúng ta ngày xưa là đa dạng lắm. Có những tỉnh như Hưng Yên ngày xưa là có hàng ngàn lễ hội của các làng, tổ chức trong cùng một mùa, một năm, nhưng vẫn tồn tại vì nó có nét riêng, người làng này đi xem lễ hội của làng kia vì có cái gì đó mà làng mình không có. Còn lễ hội bây giờ có xu hướng đồng loạt, khiến cho một số lễ hội bây giờ nhàm chán, vì nó giống hệt nhau.

Lễ hội là thiêng, không phải là đến vui chơi, mà đến để thờ cúng các vị thần linh, rồi có các hoạt động vui chơi tưởng nhớ tới các vị thần đó. Nhưng hiện nay có hiện tượng là trần tục hóa, thương mại hóa các lễ hội.

Vậy theo GS đâu là nguyên nhân  những bất cập của các lễ hội?

Những tồn tại bất cập của  lễ hội vừa qua, có thể do mấy nguyên nhân như sau. Thứ nhất là sự quá tải về số lượng khách tham gia lễ hội. Vì theo điều kiện lịch sử tự nhiên để lại, khuôn viên của di tích, danh thắng, không gian tổ chức lễ hội có giới hạn nhưng lượng du khách đến tham gia quá lớn, dẫn đến tình trạng quá tải,  dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông, tư thương nâng giá dịch vụ làm phiền long du khách, chính điều đó làm nên hình ảnh phản cảm, làm biến dạng bức tranh đẹp đẽ của lễ hội.

Nguyên nhân nữa là sự mất cân đối giữa nguồn lực đầu tư và hiệu quả tổ chức, ở một số địa phương tổ chức lễ hội bằng ngân sách nhà nước nhưng lễ hội lại thiếu hiệu quả, gây lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân.

Cùng với sự lãng phí đó là sự ganh đua về tổ chức lễ hội, nhiều lễ hội dân gian kéo dài quá thời gian quy định, thiếu căn cứ khoa học, làm cho nội dung nhiều lễ hội trùng lặp, không thể hiện được bản chất đặc trưng và việc khai thác phát huy các diễn xướng, các trò chơi, các hoạt động thể thao dân gian còn hạn chế.

Bên cạnh nghi thức đã được định hình thì có biểu hiện pha tạp, vay mượn và làm cải biến, biến dạng nghi lễ, lễ thức dân gian và có nguy cơ phai mờ bản sắc lễ hội. Thứ 3 là việc tu bổ di tích và sử dụng nguồn thu công đức ở một số nơi thiếu hiệu quả. Cái này do tác động của mặt trái thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội. 

 
Hội Gióng


 
Một số địa phương coi di tích, lễ hội là nguồn lợi của địa phương chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Nhiều nơi lập nhiều ban thờ, hòm công đức, đĩa để tiền giọt dầu tại di tích, nhiều du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh, gây sự phản cảm cho sinh hoạt lễ hội.

Nguyên nhân nữa là việc thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội còn hạn chế. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội còn yếu, trách nhiệm ý thức của du khách rất hạn chế, như xả rác tùy tiện, đốt vàng mã còn nhiều, bất chấp quy định của ban tổ chức lễ hội.

Không khí hội hè kéo dài, đặc biệt thời điểm đầu năm, dẫn đến tình trạng xao nhãng nhiệm vụ lao động sản xuất, và  hiện tượng nâng ép giá, cờ bạc, mê tín dị đoan, hành khất, ban hành một số ấn phẩm không được phép xuất bản đem bán cho khách du lịch chưa giảm ở một số lễ hội lớn.

Và vấn đề cuối cùng là công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả, chưa tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ giá trị của lễ hội, công đức danh nhân, bảo vệ nơi thờ tự, bảo vệ môi trường cảnh quan, và các văn bản quản lý lễ hội đã được ban hành.

Đổi mới cách quản lý để phát huy các giá trị tích cực của lễ hội

Cùng với những mặt tích cực như khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng, lưu giữ và trao truyền văn hóa truyền thống, thì trong các lễ hội vẫn tồn tại một số hoạt động "phi văn hóa", cần xóa bỏ. Thưa GS Ngô Đức Thịnh, lễ hội đã tồn tại hàng nghìn năm nay như cuộc sống của chúng ta vậy. Theo GS, cách thức tổ chức lễ hội rất đáng được quan tâm?

Thực ra là lễ hội là của dân, do dân, lễ hội từ xưa đến nay là của người dân. Nhưng rất tiếc là trong những năm gần đây chính quyền địa phương, chi bộ nhiều khi can thiệp,  biến lễ hội, biến người dân là chủ thể của lễ hội thành người đi xem. Trong việc bây giờ chúng ta tổ chức lễ hội thì điều quan trọng nhất là trả lại lễ hội cho người dân.

Người quản lý chỉ hỗ trợ và định hướng cho lễ hội, làm sao phát huy truyền thống của địa phương, nêu được bản sắc, cái hay, cái đẹp của địa phương. Chúng ta cần trả lại lễ hội cho người dân. Mà điển hình là lễ hội Gióng tuy có lúc quy mô lớn, do triều đình chủ trì, nhưng bây giờ người dân làng Gióng vẫn là chủ thể của lễ hội.

Theo GS, những giá trị nào của lễ hội cần được gìn giữ, phát huy để phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay?

Lễ hội có 5 giá trị đặc biệt không chỉ đáp ứng cho con người truyền thống mà phù hợp với cả con người trong thời đại ngày nay.

Thứ nhất, lễ hội đáp ứng tâm thức trở về nguồn. Vì con người càng tiến tới cái hiện đại thì càng có tâm thức trở về cội nguồn, trong đó có cội nguồn dân tộc, cội nguồn tự nhiên, cội nguồn lịch sử và tự nhiên xã hội của mình. Ví dụ đến lễ hội Hai Bà Trưng thì người ta học lại bài học lịch sử Hai Bà Trưng.

Nhu cầu thứ hai là thông qua lễ hội người ta muốn biểu thị sức mạnh của làng, của cộng đồng, nói về vùng của người ta. Qua lễ hội Đền Hùng, người Việt Nam muốn nói về sức mạnh cố kết cộng đồng dân tộc. Điều này không phải chỉ con người truyền thống cần, chúng ta hiện nay cũng cần, xây dựng biểu tượng Hùng Vương như một biểu tượng cội nguồn dân tộc, có sức mạnh để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ ba lễ hội là tạo điều kiện để con người sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Lễ hội xưa là một dịp quan trọng của đời sống nhân dân. Hiện nay con người có nhiều dạng sáng tạo văn hóa, nhưng vẫn cần sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Lễ hội đáp ứng yêu cầu này.

Còn một nhu cầu nữa là lễ hội cân bằng đời sống hiện thực và tâm linh, hướng về cái gì đó tốt đẹp và cao cả, người ta thờ phụng và trân trọng. Lễ hội là môi trường tâm linh để cân bằng với đời sống hiện thực. Các cụ ngày xưa có kiểu thư giãn, tháo khoán trong lễ hội, theo đó con người không bị bó buộc nữa, tạo nên sự hòa đồng...

Lễ hội là nơi cất giữ, lưu giữ và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, điều đó làm cho văn hóa của chúng ta trường tồn và đảm bảo sự thống nhất.

GS có lời khuyên gì với bà con khi đi lễ hội đầu năm?

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đến với lễ hội chúng ta phải hiểu. Nhiều người trẻ đến lễ hội thấy người ta cúng cũng cúng mà không hiểu. Trước kia người ta muốn cầu gì thì người ta đến vị thần đó, đến lễ hội phải hiểu và tôn vinh ai. Tôi đề nghị là cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa trên hệ thống truyền thông đại chúng về truyền thống văn hóa - lịch sử để người ta hiểu.

Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.