Thí sinh đang bước vào thời gian đăng ký dự thi ĐH-CĐ. Rất nhiều phụ huynh và học sinh đang đứng trước câu hỏi: Chọn ngành học theo sở thích hay dễ trúng tuyển?
Không nên gượng ép
Cách đây 6 năm, H.C.B dự thi vào ngành kế toán Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng rớt nguyện vọng 1, chỉ đủ điểm vào nguyện vọng 2 Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2 (nay là Trường CĐ Công thương TP.HCM) ngành công nghệ dệt, sợi. Sau một thời gian đắn đo, B. quyết định nhập học CĐ dù bản thân không thích theo học ngành kỹ thuật. Sau 3 năm, B. tốt nghiệp CĐ với tấm bằng trung bình khá. Khi bắt tay vào công việc B. mới thực sự cảm nhận được lựa chọn sai lầm của mình. “Xưởng dệt nóng bức, tiếng máy móc chạy liên tục khiến mình chán nản hơn bao giờ hết”, B. kể lại.
Quẩn quanh qua mấy công ty dệt sợi, cuối cùng B. quyết định xin một công việc văn phòng và bắt đầu học ĐH lại từ đầu. Ngày đi làm, tối B. đến học tại chức ngành kế toán tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và nay đã bước sang năm thứ 3. B. đang mong đợi một năm nữa trôi qua để nhận được tấm bằng ĐH để đi làm theo công việc mình yêu thích.
Nhiều lựa chọn
Trước những sự việc nêu trên, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng khẳng định: “Chọn lựa một ngành thi rồi học để đi làm là cực kỳ quan trọng, vì điều đó sẽ quyết định đến toàn bộ tương lai nghề nghiệp sau này”. Thạc sĩ Linh phân tích thêm: “Ở lứa tuổi học phổ thông, việc chọn ngành theo sở thích cũng chỉ đúng ở mức độ tương đối, bởi bản thân các em chưa có nhiều trải nghiệm thực tế để hiểu đầy đủ về nó. Ngược lại, nếu chọn một ngành chỉ để đậu vào ĐH thì cũng là rất dễ sai lầm, vì chưa chắc sẽ sống được với nghề khi tốt nghiệp. Thậm chí, tôi biết rất nhiều em do lựa chọn sai nên bỏ học rồi thi lại, đôi khi bị trầm cảm, bế tắc về tâm lý khi vẫn chấp nhận một cái mình không thích”.
Từ đó, thạc sĩ Linh đưa ra lời khuyên: “Để có thể chọn đúng ngành nghề cần phải cân nhắc trên nhiều yếu tố: sở thích, phù hợp với khả năng bản thân và hoàn cảnh gia đình, đồng thời nên xem xét nhu cầu công việc của xã hội để có cơ hội làm việc tốt khi ra trường. Trong trường hợp đã xác định rõ các yếu tố trên nhưng vẫn không thể đậu được ĐH thì cần xác định ĐH không phải con đường duy nhất vì khả năng mỗi người mỗi khác. Có thể thi lại một năm, hoặc học bậc thấp hơn rồi liên thông lên bậc học cao hơn. Học tập là quá trình suốt đời chứ không phải chỉ một giai đoạn”.
Dưới góc độ một giảng viên trẻ, PGS-TS Từ Diệp Công Thành - Giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói: “Không nên quá tạo áp lực phải trúng tuyển vào ĐH, mà nên chọn lựa ngành học theo sở thích và đam mê dù cho có phải học muộn hơn một năm hoặc học ở bậc học thấp hơn. Bởi lẽ, nếu không chọn đúng ngành yêu thích sẽ không thể đạt kết quả tốt trong học tập. Ra trường nếu đi làm cũng không thành công trong công việc, còn nếu bắt đầu học lại một ngành khác thì quá mất thời gian và tiền bạc”.
Hà Ánh
Bình luận (0)