Giới chức Mỹ đưa ra dự đoán như trên khi các lực lượng của Nga đang cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine, hiện đang được củng cố bằng vũ khí đạn dược do phương Tây cung cấp, theo tờ The New York Times ngày 9.7.
Trong suốt mùa xuân và đầu mùa hè, binh sĩ Nga đã tìm cách giành kiểm soát những khu vực gần thành phố Kharkiv và tiếp tục tấn công miền đông Ukraine để tận dụng thắng lợi ở thành phố Avdiivka vào tháng 2. Theo The New York Times, lực lượng Nga đã chịu hàng ngàn thương vong trong các cuộc tấn công gần đây, nhưng chỉ đang giành được những bước tiến khiêm tốn.
Ukraine sắp có thêm nhiều tổ hợp Patriot, ông Biden hứa ưu tiên tên lửa
Nga khó có bước đột phá lớn?
Các vấn đề của Nga cho thấy sự thay đổi đáng kể trong động lực của cuộc xung đột trong những tháng gần đây, khi phòng tuyến được củng cố của Ukraine đang làm chậm đà tiến của Nga.
Ông Michael Kofman, thành viên cấp cao trong chương trình Nga và Á-Âu thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Mỹ), và đã đến thăm Ukraine gần đây, nhận định: "Các lực lượng của Ukraine đang bị dàn mỏng và đối mặt với nhiều tháng chiến đấu khó khăn phía trước, nhưng một bước đột phá lớn của Nga hiện khó có thể xảy ra".
Ở chiều ngược lại, triển vọng Kyiv giành lại kiểm soát lãnh thổ từ tay Nga cũng đang mờ nhạt dần. Được sự thúc đẩy của các cố vấn Mỹ, Ukraine tập trung vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ và tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của Nga.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Washington D.C (Mỹ) từ ngày 9-11.7 được cho là sẽ hứa hẹn về nguồn tài trợ mới cho Ukraine, công bố kế hoạch cho liên minh phối hợp cung cấp vũ khí và củng cố lời hứa với Kyiv rằng cuối cùng họ sẽ trở thành đồng minh chính thức.
Lãnh đạo NATO không chắc chắn khi nào Ukraine sẽ được kết nạp
"Mục tiêu chiến lược" của Mỹ
Ông Eric Ciaramella, cựu quan chức tình báo và hiện là chuyên gia về Ukraine làm việc với ông Kofman tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng trong 18 tháng qua, rõ ràng là cả Nga lẫn Ukraine đều "không có khả năng thay đổi đáng kể các chiến tuyến".
Ông Ciaramella cho rằng Mỹ luôn xác định mục tiêu chiến lược của mình "là đảm bảo một Ukraine dân chủ, thịnh vượng, thuộc về châu Âu và an toàn". Theo ông Ciaramella và các quan chức Mỹ, nước này và các đồng minh sẽ cần phải thực hiện các khoản đầu tư dài hạn để giúp Ukraine giữ vững phòng tuyến của mình, làm hao mòn và gây thiệt hại cho Nga.
"Đó vẫn là một kịch bản rất bất ổn. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo phương Tây cũng thực sự cần tập trung vào việc làm cho Ukraine hội nhập các cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương và châu Âu", ông Ciaramella bình luận.
Nga đã giành quyền kiểm soát đối với những vùng thân Nga nhất thuộc Ukraine trong năm đầu tiên của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Một số quan chức Mỹ cho rằng Ukraine sẽ gần như không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình, nhưng có thể hội nhập châu Âu nhiều hơn nếu lập thành tích đáng kể hơn trên chiến trường.
Một số quan chức Mỹ còn nói rằng ngay cả khi không giành lại được đất đai, Ukraine vẫn có thể trở thành bên chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga bằng cách xích lại gần hơn với NATO và châu Âu.
Mặt khác, các quan chức Mỹ thừa nhận Nga có thể đạt được những bước tiến đáng kể nếu có sự thay đổi chiến lược lớn, chẳng hạn như bằng cách mở rộng chương trình huấn luyện và chế độ động viên quân sự.
Mọi dự đoán hiện tại cũng sẽ khó đứng vững nếu chính sách của Mỹ đối với Ukraine và Nga thay đổi. Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington đã cung cấp cố vấn quân sự, thông tin tình báo theo thời gian thực và hàng tỉ USD vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa rằng nếu đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, ông sẽ khởi động cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Dù ông Trump chưa vạch ra các điều khoản hòa bình ông mong muốn, một cuộc đàm phán nhanh chóng có thể sẽ buộc Ukraine nhượng lại cho Nga những vùng lãnh thổ rộng lớn và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, theo The New York Times.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga cũng như Ukraine đối với những bình luận như trên.
Bình luận (0)