Giới công nghệ tài chính Trung Quốc xuất khẩu AI, big data sang Đông Nam Á

Thu Thảo
Thu Thảo
01/08/2018 08:26 GMT+7

Các hãng công nghệ tài chính Trung Quốc năng nổ mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Đông Nam Á giữa lúc ngày càng được lòng các tổ chức tài chính châu Á.

Trong thập niên qua, “vươn ra toàn cầu” được dùng để chỉ tham vọng mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp truyền thống Trung Quốc. Ngày nay, giới doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) nước này cũng đặt mục tiêu trên lên hàng đầu.
Theo South China Morning Post, giới doanh nghiệp fintech Đại lục mở rộng kinh doanh đến các thị trường Đông Nam Á, giữa lúc họ ngày càng nhận thấy rằng kỹ năng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) của họ được nhiều tổ chức tài chính châu Á săn đón.
Nền tảng tài chính tiêu dùng trực tuyến Weshare, hãng thường cung cấp các khoản vay tiêu dùng thông qua ứng dụng di động, cho hay họ đang nộp đơn xin giấy phép ngang hàng (peer-to-peer) từ ngân hàng trung ương Indonesia. Zhang Jinghua, nhà sáng lập kiêm CEO Weshare, cho biết các tổ chức tài chính không phải là ngân hàng và các hãng thương mại điện tử Trung Quốc đã phát triển kha khá dữ liệu về người đi vay, trong khi dữ liệu loại này ở Indonesia còn rất thiếu.
48% hãng Weshare thuộc sở hữu của Credit China FinTech Holdings, một công ty niêm yết tại Hồng Kông. “Đây là mảng mà các hãng dịch vụ tài chính Trung Quốc có thể xuất khẩu năng lực của họ sang các thị trường Đông Nam Á, dùng AI ở những mảng như chống lừa đảo và điều tra tín dụng”, ông Zhang nói tại Hội nghị Caixin diễn ra ở Hồng Kông hồi tuần trước.
Weshare có hơn 200 nhân viên hoạt động ở nước ngoài, tại Việt Nam và Philippines. Hãng sẽ sớm tuyển thêm nhân viên tại Nga và Tajikistan. Ông Zhang cho biết khu vực Đông Nam Á mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho giới fintech Trung Quốc. Các hãng Trung Quốc có thể xuất khẩu công nghệ tài chính kỹ thuật số, nhờ khu vực này vẫn còn chậm áp dụng AI và nhiều ứng dụng công nghệ tài chính khác.
Hiện tại, Weshare đang giúp các ngân hàng Indonesia cải thiện hệ thống thu nợ thông qua công nghệ. Đơn cử, công nghệ giải mã âm thanh, chuyển đoạn lời nói thành văn bản, có thể được dùng để bảo đảm rằng người thu nợ không vượt khỏi các tiêu chuẩn của doanh nghiệp khi đi đòi nợ.
Yu Shengfa, Phó chủ tịch Ant Financial, cũng cho biết họ tính mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu. Ông Shengfa nói: “Ở các nước đang phát triển, một số nước có phát kiến Vành đai, Con đường đi qua, có đến 2 tỉ người chưa dùng ngân hàng, và 79% trong số họ có nhu cầu tín dụng không thể được thực hiện bởi hệ thống tài chính nước sở tại”.
Theo ông Shengfa, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc phát triển và thiết lập tiêu chuẩn thanh toán di động, tài chính internet và cho vay ngang hàng. Ant Financial, hãng dịch vụ tài chính có liên kết với Alibaba, lập liên doanh với hãng Elang Mahkota Teknologi của Indonesia năm ngoái để triển khai dịch vụ thanh toán di động.
Ant Financial thâu tóm helloPay Group ở Singapore năm ngoái. Đây là công ty con về mảng thanh toán của Lazada Group, hãng mà Alibaba mua lại phần lớn cổ phần vào năm 2016 với giá 1 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.