Giới hạn vô hình...

13/12/2006 10:54 GMT+7

Da trắng, tóc dài, ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai - Ai cũng phải công nhận T. là một cô gái đầy nữ tính. Mà ở đâu đó người ta từng thống kê rằng “nữ tính” là tiêu chuẩn số một mà đa số đàn ông đưa ra khi chọn bạn gái. Vì thế, với ưu điểm nổi bật của mình, T. được vô số chàng trai theo đuổi, trong trường cũng lắm mà ngoài trường cũng nhiều.

T. là một cô gái tốt tính, luôn giúp đỡ và thân thiện với những người xung quanh. Bạn của T. nhiều lắm, cả nam lẫn nữ, nhưng có vẻ như bạn khác giới chiếm số đông hơn... T. lại hiếu khách, thương người nữa, T. chẳng muốn ai buồn vì mình cả. Vì thế, chàng nào cũng được T. chào đón nồng nhiệt, tiếp đãi chân thành, quan tâm hết mức. Thời gian đầu mới “tấn công” T., chàng nào cũng đến và về trong tâm trạng phấn khởi lắm, tưởng mình sắp “bắt được cá” rồi. Nhưng thời gian sau, chẳng may “đụng hàng” mới vỡ lẽ ra mình không phải là người duy nhất. Thế là bỏ cuộc. Vì thế trong số những người bạn trai đến thăm hỏi T. luôn có những gương mặt mới, hiếm người kiên trì quá 2 tháng. Trong số ít những “kẻ lì lợm”, T. cũng chọn được một chàng làm “thành viên thường trực”. Ấy là vào khoảng thời gian nửa sau của năm học cuối.

Thời gian T. thực tập tốt nghiệp, chàng “thành viên thường trực” cũng thực tập làm người đàn ông của gia đình với việc đưa đón T. đến chỗ thực tập, đưa đi lấy tài liệu, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho T. không kể đó là 5 giờ sáng hay 11 giờ  khuya. Các bạn đều mừng cho T. và những tưởng sẽ được uống rượu hồng của T. ngay khi vừa tốt nghiệp. Nhưng cũng trong thời gian đó, mọi người vẫn thấy phòng T. “dập dìu tài tử”, vẫn là của T. Và rất nhiều lần các bạn phải ái ngại cho “thành viên thường trực” khi thấy chàng vừa đón nàng về từ cơ quan đã vội vàng quay xe ra phố tìm mua một món đồ mà T. muốn có để lát nữa đi sinh nhật em gái của một người bạn; hoặc không ít lần “thành viên thường trực” một mình bên cà-mên phở vừa mua về nhưng T. không kịp ăn vì phải đi dự coi trận đấu bóng chuyền nam có sự tham gia của một người bạn. Cứ như vậy, cuối cùng “thành viên thường trực” đã phải chào thua khi vừa thi tốt nghiệp xong T. đã tấp tểnh cho chuyến về quê xa cùng một chàng sinh viên trường bạn mới quen.

Thế thôi chứ T. quan hệ nghiêm túc lắm, chơi rất vô tư; không muốn làm ai buồn vì bị từ chối nên T. luôn lấy sự hiện diện hoặc hành động thể hiện sự quan tâm của mình làm món quà tặng cho những ai muốn có. Chỉ là “thành viên thường trực” không chấp nhận được cảm giác “người không phải của riêng mình” nên phải chia tay thôi.

Ra trường, đi làm, ít có điều kiện bay nhảy hơn nhưng lại là lúc phải nghĩ đến việc ổn định gia đình. Và T. cũng tìm cho mình được một “thành viên thường trực” khác. “Thành viên thường trực” lần này có “giấy bảo đảm” hẳn hoi - kết hôn.

Chồng T., qua tìm hiểu chắc cũng đã hiểu tính vợ, nên thời gian đầu cuộc sống chung của họ khá êm thấm. Nhưng rồi, vẫn cái tính đa cảm của T. đã phá vỡ hạnh phúc gia đình. Nhiều lần đưa đón con giúp anh trưởng phòng do thương cảnh chồng góa con côi; nhiều lần đi thăm nuôi mẹ anh bạn thời sinh viên nằm viện ở thành phố; nhiều lần bỏ chồng con ở nhà để vào vai “nhà tư vấn” cho ông bạn đồng nghiệp; lại chạy vạy khắp nơi để xin việc dùm đứa em người bạn nào đó… Toàn là việc thiện cả đấy, mà cũng vô tư lắm. Nhưng sao chồng T. không chấp nhận được, khi anh hằng ngày 2 lượt đưa đón con, đến bữa vừa ngồi vào mâm vợ lại có việc phải đi, nửa đêm bị dựng dậy bởi tiếng chuông rồi một cuộc “nấu cháo điện thoại” để tư vấn cho ai đó… Anh không thể yên tâm khi vợ mình không phải là “người của gia đình”, anh bứt rứt không yên khi vợ mình chia sẻ tình cảm thành quá nhiều phần mà mình lại được phần… ít nhất. Họ đành chia tay…

Không có chồng ở bên, T. vất vả hơn với công việc gia đình. Nhưng cũng chẳng sao, khi “hữu sự” T. có nhiều bạn bè ở bên. Chỉ có vài trường hợp “không ổn” lắm làm T. đôi khi thấy thật trống vắng: T. ốm nằm viện, người thăm nom khá đông nhưng buổi tối chỉ còn người mẹ già thức trắng đêm vừa ôm con cho T. vừa coi tình trạng sức khỏe của con gái; đêm giao thừa, ngay thời khắc chuyển giao của đất trời, máy điện thoại của T. liên tục nhận tin nhắn chúc mừng năm mới với những “lời có cánh”, nhưng bên chiếc bàn đầy ắp bánh mứt và giò chả, chỉ mình T. với đứa con gái nhỏ, bé ngồi coi ti vi mà mặt buồn hiu vì nhớ bố…

Tình cảm đúng là chẳng giống như toán học - một cộng một nhất định phải bằng hai. Thật vô lý và quá cổ hủ nếu bắt một người phụ nữ khi đã có người yêu hay có chồng thì phải cắt đứt mọi mối quan hệ xã giao khác, nhất là với người khác phái. Song, một mối quan hệ quá thân thiết hay nhiều mối quan hệ để phải mất quá nhiều thời gian - dù là vô tư - của người phụ nữ với những người ngoài gia đình cũng sẽ là một sự thiếu công bằng đối với người đàn ông.

Trong tình yêu, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, dù là đàn ông hay đàn bà, những người yêu nhau có ai lại muốn chia sẻ người mình yêu – cả về thể chất lẫn tinh thần - với người khác, đặc biệt là người cùng giới với mình. Và điều này đặc biệt đúng với đàn ông Á Đông. Vì thế, người phụ nữ, khi đã có một "thành viên thường trực", cần phải biết tự giới hạn các mối quan hệ riêng tư. Còn nếu muốn duy trì các mối quan hệ của mình, trước tiên hãy “làm công tác tư tưởng” cho chàng đã, nếu chàng mà không “thông” thì sự “tự khẳng định” e sẽ chẳng mang về chút lợi lộc nào cho hạnh phúc gia đình.

Không ai cầm nắm được giới hạn giữa hạnh phúc và sự đổ vỡ. Nó vô hình đấy nhưng sẽ bị đổ vỡ bởi chính những lời nói, việc làm hữu hình thiếu suy xét hay vô tình. Bởi vậy, người ta mới nói hạnh phúc mong manh lắm...

P.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.