Giới trẻ Việt 'mạnh tay' chi tiền ăn vặt: Có người ăn 10 triệu đồng/tháng

12/12/2017 09:34 GMT+7

Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát nhỏ các bạn trẻ tuổi từ 22 đến 30, kết quả là có nhiều người trong nhóm này chi đến 10 triệu đồng tiền ăn vặt mỗi tháng.

N.A, 27 tuổi, đã kết hôn và có một con trai 2 tuổi, đang sống tại thành phố Đà Nẵng cho biết tháng nào tiết kiệm nhất cô chi 3 triệu đồng cho tiền ăn vặt, còn lại trung bình là 5 - 7 triệu đồng.
“Cơm thì đã ăn hai bữa ở nhà, nếu buổi tối hai vợ chồng ra ngoài uống cà phê, tiền đồ uống cũng phải tầm 100.000 đồng. Nếu bữa nào có hẹn bạn bè nữa, thì số tiền đóng góp sẽ hơn. Cuối tuần chúng tôi cũng thường ra ngoài ăn ở quán xá, hẹn bạn bè ăn đồ nướng, lẩu, mỗi người mất khoảng 200.000 đồng nữa. Có gia đình rồi nên tôi cũng phải thắt chặt chi tiêu lại, không dám hẹn bạn bè nhiều, cố gắng ăn ở nhà càng nhiều bữa càng tốt”, N.A giải thích.
Đỗ Ngọc Bích, 26 tuổi, đã kết hôn, có một con gái 3 tuổi, đang sống ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cho biết khoản tiền ăn vặt không bị cố định mỗi tháng, tuy nhiên, cô ước chừng chi khoảng 2 -3 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi chỉ có rảnh ngày cuối tuần là có thể ăn ở ngoài, còn lại đều là cơm nhà tự nấu. Nếu ăn vặt, chúng tôi cũng chỉ chọn quán nhỏ, quán ăn gia đình, các món phổ thông, giá trung bình như chè, kem, salad, dimsum..., do đó, không quá tốn kém với tiền ăn vặt”, Bích nói.
Trần Thu Phương, 28 tuổi, độc thân, làm biên tập viên cho một tạp chí, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết mỗi tháng chi 7 triệu đồng chỉ để ăn vặt. “Công việc của tôi giờ giấc linh hoạt, tôi có làm thêm ở nhiều nơi, nên thường ăn sáng, trưa và tối bên ngoài, hiếm khi nấu cơm ở nhà. Ngoài ra còn trà sữa, cà phê, mời bạn bè, đối tác đi ăn, đi uống nước... 7 triệu là tính sơ sơ, có khi còn hơn”, Phương liệt kê.
Trong khi đó, chịu chi hơn Phương, Đ.L.N.O, 29 tuổi, độc thân, giáo viên tiếng Anh, sống tại Đà Nẵng cho biết, số tiền cô ăn vặt mỗi tháng xấp xỉ 10 triệu đồng.
“Tôi thường không ăn cơm nhà, đa số chỉ ăn ở ngoài để còn tranh thủ đi dạy thêm. Tôi thường ăn bún, phở bên ngoài, có khi ăn đồ ăn Hàn Quốc, đồ Nhật. Đồ uống thường xuyên của tôi là trà sữa, rẻ nhất cũng là 45.000 đồng/ly. Nhiều khi đi đến nơi khác, ăn vặt là trải nghiệm vùng đất đó, còn ở Đà Nẵng, ăn là để no, hoặc để vui cùng bạn bè. Mùa này ở Đà Nẵng trời se se lạnh, có món ăn vặt rất được nhiều người chuộng là ốc, bánh tráng nướng”, cô gái độc thân có thu nhập từ 15 triệu đến 17 triệu đồng/tháng bật mí.

tin liên quan

Chưa hết tháng đã... tiêu hết tiền
Phúc nhẩm tính, tháng này cô nhận lương 8 triệu đồng, chỉ mua một đôi giày và hai cái áo, còn lại đi ăn cưới, ăn sinh nhật bạn, rồi điện nước... thế sao chưa gì đã tiêu hết tiền?
Giá cao nhưng đồ ăn vặt ngoại vẫn hút khách
“Giới trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn hơn chúng tôi ngày xưa, khi mà chúng tôi chỉ có thể ra quán cóc, vỉa hè uống ly cà phê đá, ăn chiếc bò bía đã là sang. Bây giờ có đủ hàng quán, từ bình dân đến sang trọng”, ông Nam, 51 tuổi, cư dân sống trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM bày tỏ.
Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đều là những thiên đường của đồ ăn vặt. Các món ăn vặt thuần Việt được đánh giá cao bởi chính thực khách nước ngoài không chỉ ngon mà giá cả rất dễ chịu, có thể kể đến như bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, bánh mì chả cá, bánh xèo, bắp nướng mỡ hành, chuối nướng...
Xoài lắc một thời gây "sốt" ở Sài Gòn Phạm Như Quỳnh
Trong khi đó, phân khúc đồ ăn vặt cao cấp có xuất xứ từ nước ngoài (trà sữa, đồ ăn Nhật, Hàn, Đài Loan...) được bán trong các nhà hàng giá cao hơn, có thể gấp từ 2 đến 10 lần giá đồ ăn vặt thuần Việt nhưng vẫn được ưa chuộng.
"Một tô hủ tiếu ở vỉa hè Sà Gòn giá có khi chỉ 15.000 đồng, trong khi một tô mì Udon của Nhật giá đến 79.000 đồng, thế nhưng người trẻ vào ăn nườm nượp. Cà phê bệt chỉ là 10.000 đồng/ly, nhưng cà phê của các thương hiệu từ Hàn Quốc hay Mỹ, giá từ 60.000 đồng đến 110.000 đồng/ly, song thực khách rất đông là người trẻ".
“Đôi khi, người trẻ đi ăn theo xu hướng, ăn để “check in”, để “khoe” tôi đã đến đây. Hoặc đi ăn uống vì không gian nơi đó đẹp, ăn uống để tiếp khách, xã giao, không chỉ vì chất lượng đồ ăn thức uống”, chủ một chuỗi nhà hàng ăn uống tại Hà Nội phân tích.
Ăn vặt 50% số tiền kiếm được
Phạm Ngọc Kim Ngân, 24 tuổi, bán đồ ăn vặt tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương cho hay, theo quan sát của cô, nhiều bạn trẻ độc thân thường có xu hướng chia thu nhập của mình thành 3 phần: 20% để mua quần áo, 30% để đi chơi các ngày cần thiết còn lại 50% chỉ để ăn vặt.
“Ở Bình Dương, bạn trẻ ăn nhiều các món ăn vặt của Nhật, Hàn, Đài Loan. Tôi thích ăn nên mỗi tháng có thể tiêu đến 4 triệu đồng chỉ để ăn các món mình thích, dù thu nhập của mình không phải quá cao”, Ngân cho hay.
"Thu nhập cao cũng không tiêu nhiều tiền ăn vặt"
Đó là quan điểm của bạn Hoàng Tố Hạnh, 21 tuổi, sinh viên ngành ngoại ngữ tại TP.HCM. Ngoài đi học, Hạnh có làm thêm nhiều công việc, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, song, cô chỉ chi từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền ăn vặt trong số đó.
"Tôi có thu nhập cao hơn, tôi cũng không ăn vặt nhiều hơn. Tôi nghĩ là cuộc sống có nhiều việc phải chi tiêu nên phải tích luỹ, tiết kiệm. Thi thoảng bạn bè gặp gỡ, ăn uống thì được, còn thường xuyên ăn uống bên ngoài là vô bổ", Hạnh thẳng thắn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.