Những năm gần đây, khi các nghệ sĩ hip hop đạt được một số giải thưởng quốc tế đáng chú ý, cũng như rapper Suboi được báo giới Âu - Mỹ ca ngợi là “nữ hoàng hip hop” của VN sau cuộc “đối thoại” giữa cô với cựu Tổng thống Obama, thì định kiến về môn nghệ thuật này đã thay đổi.
Có thể kể đến những giải thưởng đáng tự hào của cộng đồng hip hop Việt: Nhóm S.I.N.E đồng hạng 3 Battle of the year thế giới 2014. Urban Clown đoạt giải 3 Astro Battle Ground 2016 (giải đấu hip hop quy mô hàng đầu châu Á). Bên cạnh đó, ngày càng nhiều tên tuổi hip hop trên thế giới đến VN tham gia chương trình thực tế lẫn biểu diễn: thần tượng hip hop thế giới Henry Link, Killa Kela, MC Akil, Niels Robitzky và Majid Kessab, Ynot, Dumbo (người Mỹ gốc Việt), Anne Nguyễn (người Pháp gốc Việt)...
Vượt qua định kiến
Hip hop bắt đầu từ những năm 1970, khởi nguồn ở Bronx, New York (Mỹ), nơi tập trung khá đông người lao động, người da màu ở Mỹ và dân nhập cư từ nơi khác. Nguyên nhân là những thanh niên bức xúc khi thấy mình bị tước đoạt quyền công dân, và bằng sự khôn khéo, tài tình, sáng tạo rất đường phố, họ biết tách những phần nhạc đệm, tiết tấu từ những bản thu âm có sẵn, hòa trộn thêm những thành ngữ, ngụ ngôn hay câu thơ, câu nói phản ánh thực tế cuộc sống để sáng tạo cho mình thứ âm nhạc mới mẻ. Văn hóa hip hop được hình thành và tổng hợp từ nhiều yếu tố như Breaking (hoặc break dance), graffiti, MC/Rap, DJ... Hip hop bắt đầu phát triển trong giới trẻ VN từ những năm 2000. Tuy nhiên, môn nghệ thuật này không phải lúc nào cũng nhận được cái nhìn thiện cảm của xã hội.
Trong buổi nói chuyện tuần trước tại Lãnh sự quán Mỹ với giới trẻ về hip hop, biên đạo Việt Max chia sẻ anh từng bị gia đình cấm cản khi bắt đầu tìm hiểu hip hop. “Mẹ tôi là bác sĩ, thấy tôi tập những động tác như xoay đầu thì la mắng dữ đội, bảo sao lại làm như thế, gãy cổ thì sao”. Thế nên để có thể tập luyện mà tránh được đòn roi, anh phải mang chiếu ra sân vận động tập.
Biên đạo Hà Lê khi xin ba mẹ học hip hop cũng bị cấm, với lý do: học cái gì không học, sao lại đi bắt chước văn hóa ngoại lai. Hà Lê cho biết, suốt nhiều năm anh đã rất cố gắng để vừa học vừa tìm cách thuyết phục ba mẹ, đeo đuổi đam mê với mong muốn chứng minh cho ba mẹ lẫn những người có cái nhìn không tốt về hip hop rằng, nó không phải chỉ là sự “hầm hố”, như “găng tơ”, là lý do để “một lũ thanh niên kỳ dị tụ tập”, mà nó là một phong cách sống. “Với tôi, hip hop cho người trẻ nhiều hình thức để thể hiện cảm xúc qua động tác nhảy, ngôn ngữ rap hoặc hình ảnh, màu sắc của tranh vẽ..., cho họ nhiều cơ hội tiếp cận những điều mà văn hóa truyền thống chưa có”, Hà Lê bày tỏ. Dù thế, anh cũng mất 7, 8 năm mới thuyết phục được mẹ xem buổi biểu diễn của mình.
Cả Suboi cũng từng bị ba mẹ ngăn cản vì tưởng rằng con gái mình “phê thuốc” lúc tập hip hop; và cô cũng mất khoảng thời gian tương đương Hà Lê để nhận được sự thấu hiểu từ gia đình khi đeo đuổi niềm say mê dành cho hip hop.
Ở khía cạnh khác, theo rapper Tiến Đạt, có không ít bạn trẻ chưa có cái nhìn đúng đắn về hip hop, cụ thể hơn là rap, họ chỉ xem nó như một “công cụ” để thể hiện cái tôi của mình và... nói xấu người khác. Tuy nhiên, theo anh, khi hip hop Việt chứng minh được trình độ, tài năng qua những giải đấu thế giới và ngày một phổ biến hơn qua các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình biểu diễn đại chúng, cái nhìn về hip hop cũng cởi mở hơn và được giới trẻ yêu chuộng hơn.
|
Tiếng nói của người trẻ
Không khó để nhận thấy, đội ngũ học viên trẻ chiếm phần lớn của các lớp hip hop ở những trung tâm đào tạo thuộc TP.HCM như: Dancenter, Vdance Studio..., hay các lớp học của những nhóm nhảy nổi tiếng như: Freestyle, Big South, X-Clown...
Triều Dâng (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) theo học hip hop gần 2 năm tại Cung văn hóa Lao động (TP.HCM), cho biết: “Là người sống khá nội tâm, trong lớp em cũng ít nói, nhưng khi đến với hip hop thì em thấy mình khác hẳn. Mọi cảm xúc cá nhân hay suy nghĩ về cuộc sống được giải tỏa, chia sẻ hết trong những điệu nhảy của mình, những bài tập với nhóm”.
Suboi chia sẻ, nhờ có rap cô đã vượt qua những cú sốc của bản thân; và cũng có thể chính nhờ “tinh thần hip hop” trong người đã giúp cô tự tin giơ tay cao, cao hơn nữa, trong hàng loạt cánh tay đưa lên để được cựu Tổng thống Mỹ Obama chọn là người cuối cùng đặt câu hỏi cho ông. “Tôi vốn là người khó chia sẻ nên không phải lúc nào cô cũng giải thích mình được, nên tôi dùng rap để trò chuyện với mọi người. Rap giúp tôi nói lên những điều rất đời và rất thật, nói lên cách mình nghĩ và mình làm”, Suboi trải lòng.
Trong khi đó, Tiến Đạt cho rằng trong hip hop có cả một nền văn hóa đường phố với graffiti, break dance, beatbox, DJ, thời trang, rap, nên rất thu hút giới trẻ. Với Việt Max, hip hop không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là một nền văn hóa trẻ. Còn theo Hà Lê: “Người trẻ VN thích hip hop ngày càng nhiều vì nó thể hiện sự tự do, phóng khoáng. Trong cộng đồng hip hop, dù là ai, làm gì, họ đều nói chuyện với nhau bằng đam mê, tài năng chứ không đánh giá nhau bằng tiêu chuẩn khác mà họ gặp phải trong xã hội”.
“Hip hop thu hút các bạn trẻ vì bản thân nó hàm chứa sự hấp dẫn của vận động, âm nhạc, hình thể và nhiều yếu tố khác như: nhóm, sự phù hợp với yêu cầu năng động, thể hiện mình, cá tính và cả nhu cầu chinh phục”. (PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn)
|
Bình luận (0)