30 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa: Những bức tâm thư gửi các anh

14/03/2018 13:07 GMT+7

Hôm ấy, giữa biển trời mênh mông, chúng tôi, những người trẻ của đoàn công tác số 9 hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017, đã tự tay gấp những cánh hạc giấy thả xuống biển, nơi các anh đã yên nghỉ.

Hôm nay 14.3 (30 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa), chúng tôi nhớ lại giờ phút thiêng liêng khi được đến nơi mà các anh đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa của đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017, tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma

“Chúng em sẽ là các anh trong thời hiện đại”

Cảm xúc đang dâng trào khi ngồi viết lại những dòng này, tôi hỏi bạn Ngô Tùng Hiếu (sinh viên Trường ĐH Cần Thơ), chàng trai nuôi ước mơ trở thành người lính hải quân sau chuyến hành trình ấy, Hiếu đã gửi cho tôi một tâm thư thật dài.

Những cánh hạc trôi trên mặt nước biển xanh rì... 

Trong tâm thư, Hiếu viết: “Là một thanh niên trẻ được đứng trước nơi mà các anh đã hy sinh tại Gạc Ma năm ấy, nước mắt tôi cứ chực trào. Ngay thời khắc đó, mọi suy nghĩ đều thúc giục tôi. Các anh đã nằm xuống nhưng các anh hãy yên lòng, đất nước này hãy giao lại cho chúng em. Sức khỏe đây, nhiệt huyết đây, chúng em luôn không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân. Và chúng em sẽ là các anh trong thời buổi hiện đại... Sau lần ấy, tôi đã quyết định đăng ký tham gia khóa học sĩ quan dự bị sinh viên, tôi muốn hiểu về công việc của các anh nhiều hơn, hiểu về tình đồng đội, đồng chí. Sau 4 tháng tôi được phong hàm thiếu úy sĩ quan dự bị, tôi quyết phấn đấu và cố gắng hết mình để cống hiến cho nước nhà…”.

Những giờ phút không bao giờ quên

“Mười điểm đảo chúng tôi qua, nếu như ở Nam Yết, Sơn Ca, Đá Lớn đã đọng lại tôi niềm vui mừng, thì khi neo tàu gần Gạc Ma trong một buổi sáng nắng chói chang của tháng 5, trong không khí trang nghiêm xúc động của lễ tưởng niệm 64 hương hồn chiến sĩ Gạc Ma đã ngã xuống, mỗi người trong chúng tôi lại thổn thức. Chúng tôi lặng lẽ khóc. Tôi mãi mãi không bao giờ quên khoảnh khắc đó, giữa khói nhang nghi ngút, tiếng nhạc truy điệu âm vang, từng người nối đuôi nhau thả hạc giấy tri ân cùng những đóa cúc vàng trôi xuôi về miền xa thẳm. Cánh hạc tự tay chúng tôi gấp như gửi gắm những lời thân thương, nhờ biển sóng mang đến các anh...”, Lê Kiều Nhi (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM), bồi hồi.

Tự thôi thúc lòng mình

Cũng như Nhi, Phạm Thị Phước Mai Trinh (Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương) không kìm được cảm xúc: “Được đứng tại nơi đã đi vào lịch sử, em cảm nhận được lồng ngực mình thắt lại khi nghe những lời phát biểu vang lên hào hùng kể về những giờ phút cam go, khoảnh khắc những người chiến sĩ ngã xuống. Nước mắt rơi, em thấy được sự đau thương, mất mát, sự khốc liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Hòa vào đó là lòng tự hào dân tộc sâu sắc của những người trẻ như em, thôi thúc em rèn luyện và cống hiến nhiều hơn nữa”.

... như gửi gắm những lời tri ân đến các anh

“Mỗi chúng tôi không cần ai bảo ai, tự chọn cho mình màu áo đỏ sao vàng. Với tôi, lễ tưởng niệm hôm đó khác hẳn với mọi lễ tưởng niệm mà tôi từng tham dự, cả cảm xúc trong lòng tôi cũng khác. Nó như có gì thôi thúc bản thân mình đang mang một phần trách nhiệm, trách nhiệm mà các anh đã gửi gắm vào thế hệ trẻ chúng tôi, để bước tiếp và giữ vững những gì các anh đã hy sinh bảo vệ”, Trần Võ Thảo Hương (sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM).

Còn Võ Việt Tiến (sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) bày tỏ: “Dường như thời khắc ấy, tôi như đang được sống lại trong tháng 3 lịch sử  ấy - khoảng thời gian mà các anh đã hy sinh anh dũng. Các anh sẽ sống mãi trong trái tim mỗi chúng tôi, sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Bản Quốc ca vang lên thật hào hùng, càng làm cho tôi thêm tự hào hơn nữa và thôi thúc trong mình một nhiệt huyết cống hiến cho đất nước, cho biển đảo quê hương”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.