Bác sĩ nội trú và nỗi lo… thường trú

14/01/2009 17:37 GMT+7

Lo vì bữa ăn ngày càng đắt đỏ, lo vì không được... sinh con, làm mẹ - đó là một số trong nhiều nỗi băn khoăn của cán bộ trẻ ngành y.

Ăn chỉ đủ no

Tuần qua, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi tọa đàm, lắng nghe các bác sĩ nội trú (BSNT) bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Mở đầu cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu bày tỏ sự chia sẻ, thông cảm với những thầy thuốc trẻ này: "Ngành y đào tạo khá đặc biệt so với các ngành khác: thi vào ĐH rất khắt khe, 27-28 điểm.

Học những 6 năm, kéo dài hơn 1-2 năm so với các ngành khác. Đầu vào của bác sĩ nội trú còn khắt khe hơn nữa: lựa chọn rất ít từ các SV tốt nghiệp, ít nhất phải đạt thành tích khá trở lên trong 6 năm học ĐH Y; mỗi bác sĩ chỉ được thi một lần; thi đậu rồi phải ở luôn trong bệnh viện 24/24 giờ trong suốt 3 năm học. BSNT được coi là hệ đặc biệt của ngành đặc biệt, tài năng trẻ của ngành. Tuy nhiên, điều kiện học tập, chế độ đãi ngộ với các BSNT còn khiêm tốn".

Trước sự cởi mở của lãnh đạo Bộ Y tế, BSNT Đặng Trường Thái (ĐH Y Dược TP.HCM) tâm sự: "Xa nhà như chúng em khổ lắm. Ăn uống đắt đỏ, suất cơm trước 8.000 đồng nay tăng lên 15.000 đồng. Ăn vậy chỉ mới đủ no, chưa nói đủ chất". Nếu theo học ngành khác, 24-25 tuổi đã có việc làm phụ bố mẹ. Còn sinh viên tốt nghiệp ĐH Y, 24 tuổi vẫn phải trông chờ hỗ trợ từ gia đình. Các BSNT làm phép tính: mỗi tháng gia đình phải chi viện ít nhất 1,5 triệu đồng, đủ cho 3 bữa ăn, chưa tính đến các chi phí sinh hoạt khác.

BSNT Vũ Hải Hậu (ĐH Y Hà Nội) bổ sung: "Không phải gia đình nào cũng có thể chi viện đều đặn 1-1,5 triệu đồng/tháng. Chúng em từng đi dạy thêm. Nhưng với BSNT, buộc phải học, làm tại BV 24/24 giờ nên càng khó khăn về thu nhập". BS Hậu đề xuất: "Bộ có thể lập quỹ để cho BSNT được vay vốn. Chúng em xin được trả dần sau khi tốt nghiệp".

"Từ năm 2009, các BSNT sẽ có lương. Kinh phí do Bộ trả, các BSNT là người của Bộ". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu
Các BSNT cũng băn khoăn về tình trạng thiếu thầy giảng dạy ở một số bộ môn khi thực hành; điều kiện học tập nghiên cứu của các ngành giải phẫu bệnh, sinh hóa, mô phôi còn rất hạn chế. Đồng thời, các BSNT cũng bày tỏ "sẵn sàng về y tế cơ sở, vùng khó khăn công tác có kỳ hạn, theo phân công của Bộ".

Đáp lại tâm tư của các BSNT, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời dứt khoát: "Từ năm 2009, các BSNT sẽ có lương. Kinh phí do Bộ trả, các BSNT là người của Bộ". Bộ trưởng động viên: "BSNT phải rèn luyện toàn diện. Học giỏi thì không thiếu việc làm. Nhưng không chỉ học giỏi, BSNT cần có sức khỏe thể chất tốt, cũng cần dành thời gian vui chơi giải trí, thơ ca nhạc họa". Bộ cũng sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến hỗ trợ vốn cho BSNT để yên tâm theo học.

Chấm dứt điều cấm sinh con

 

BSNT là tài năng trẻ của ngành y nhưng điều kiện học tập và chế độ đãi ngộ lại rất thiếu thốn - Ảnh: Ngọc Thắng

Đặc biệt, trăn trở lớn nhất của các nữ BSNT nhiều năm nay là bị cấm sinh con đã được BSNT Vũ Thị Hằng, ĐH Y Hà Nội bày tỏ: "BSNT nữ bị cấm không được sinh con trong 3 năm theo học, như vậy là rất thiệt thòi". Thấu hiểu tâm tư này, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo Bộ Y tế Trương Việt Dũng chia sẻ: "Hàng chục năm qua đã cấm như vậy, đúng là không công bằng với nữ giới.

Các em đã rất phấn đấu để theo học 9 năm cả ĐH, cả nội trú, mà vì thiên chức lại lỡ dở học hành. Tôi cũng biết, đã có những em bị đuổi học vì sinh con khi đang theo học BSNT, rất đáng tiếc. Nhưng đó là quá khứ. Tôi khẳng định: từ nay sẽ chấm dứt điều cấm này". Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng đồng tình: "Khuyến khích tuổi trẻ cống hiến, nhưng khi tình yêu đến thì cũng không thể ngăn cấm!".

BS Đặng Trường Thái cho biết: "BSNT chúng em khi học ở BV chỉ mong có được một chỗ nhỏ chừng vài ô gạch, đủ kê chiếc tủ nhỏ cất ít đồ cá nhân như túi xách, điện thoại. Không có chỗ để đồ, vừa khám cho bệnh nhân, chúng em vừa phải trông vì sợ mất!". Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cam kết: "Sẽ yêu cầu các bệnh viện tiếp nhận BSNT phải bố trí nơi ở. Nghe các BS nói "chỉ cần mấy ô gạch thôi" mà thấy cảm động quá!".

Đào tạo BSNT là loại hình đào tạo sau ĐH đặc thù của ngành y tế, nhằm mục đích đào tạo các bác sĩ chuyên khoa có kiến thức khoa học cơ bản vững, kiến thức chuyên ngành hệ thống, kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo hoặc phối hợp giải quyết những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo. Đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, những tài năng trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Hiện nay, đã có hơn 1.500 BSNT tốt nghiệp được nhận làm việc tại các bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh hoặc giảng dạy tại các trường ĐH y trên cả nước.

Nam Sơn

Bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.