Tương truyền ông tổ làng chiếu An Phước quê ở Thanh Hóa theo chân người mở cõi vào đây từ thế kỷ 15. Khi dừng chân ở đất này, ông mang theo cây lót và đặt làng phát triển nghề dệt chiếu. Tại thôn An Phước có những gia đình làm chiếu tới 14 đời. Cô Nguyễn Nguyệt cho biết, gia đình cô có truyền thống dệt chiếu đến cha cô là đời thứ 13. Tháng 10.2004, An Phước được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2007, tỉnh đầu tư mở lớp học thủ công. Cô giáo Trần Thị Tài được Trung tâm Khuyến công giới thiệu về dạy học.
Mỗi người đến lớp với một tâm tư nhưng họ đều chung một mong muốn phát triển làng nghề với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Lớp học có 20 thành viên đều là chị em thanh nữ trong làng, đã gắn bó lâu đời với nghề chiếu. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi tham gia khi có thông báo của xã. Lớp trưởng là một cô gái sinh năm 1982. Khi thanh niên làng bỏ đi vào Nam kiếm sống thì Nguyễn Thị Kim Cúc vẫn chọn nghề chiếu của cha mẹ. Cúc là chị cả trong gia đình có 5 chị em, hai em của Cúc đang học cao đẳng ở Đà Nẵng, bố mẹ làm nông nghiệp nên kinh tế cũng eo hẹp. "Cúc không muốn đi Sài Gòn như các bạn?"- tôi lân la hỏi. Cúc cười, nụ cười chân chất của cô thôn nữ: "Bám quê thôi!". Lúc lên 6-7 tuổi, Cúc đã biết làm chiếu, đó cũng là cái duyên đã giữ chân cô lại.
Sau 3 tháng học nghề, những sản phẩm đầu tiên của lớp học đã được trưng bày trong sân hội làng. Niềm vui hiện lên trong mắt mọi người. Ông Hứa Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết: "Xã có ý định sẽ đưa sản phẩm lên internet, rồi mang đến các khu du lịch Mỹ Sơn, Hội An... để giới thiệu. Lớp học sẽ được tập hợp thành tổ sản xuất, khi phát triển sẽ thành lập hợp tác xã".
Hội làng chiếu diễn ra vui vẻ, náo nức, người dân ở đây ước mơ có một ngày những chiếc chiếu, chiếc mũ và các mặt hàng khác từ cây lót sẽ được nhiều người biết đến. Làng nghề sẽ không mai một, thanh niên nam nữ không bỏ làng đi lập nghiệp nơi khác. Và biết đâu, nhiều người đi sẽ trở lại với làng nghề.
Tạ Thị Hà
Bình luận (0)