Bạn trẻ làm gì khi cô đơn trong cuộc sống?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
27/11/2020 19:33 GMT+7

Luôn lạc quan, tự tin hay học thêm một vài môn nghệ thuật … là những cách mà nhiều người khuyên bạn trẻ hãy làm để không bị cô đơn trong cuộc sống.

Chiều 26.11, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, vừa có buổi tọa đàm “Giải mã cô đơn trong học đường”. Tại đây, nhiều giáo viên, học sinh,... đã bày tỏ những cảm xúc, quan điểm của mình về “cô đơn”.

Rạch tay vì cô đơn

Mở đầu buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý và Giáo dục - Trường ĐH Sư Phạm Huế, cho biết cô đơn có rất nhiều trạng thái biểu hiện. Điển hình như nghe đi nghe lại một bản nhạc nào đó nhưng vẫn không thấy thích và không hình dung được tại sao mình lại làm thế. Thường xuyên thức khuya và "ngâm" mình trong bóng tối. Không dám nhìn vào mắt người đối diện; Chỉ muốn đặt niềm tin vào những mối quan hệ ảo, không biết họ là ai, ở đâu. Cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, mơ hồ trong những cuộc vui chơi và luôn cảm thấy thất bại.
Nói về tình trạng của mình, N.T.A, 17 tuổi, HS Trường THPT Nguyễn Du, cho hay: “Nhiều lúc em cảm thấy thua thiệt từ điểm số đến cách ăn mặc với các bạn, nên ngại nói chuyện. Rồi về nhà, không được chuyện trò cùng ba mẹ, nhiều lúc cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng lắm”.
Tiếp lời của N.T.A, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nhấn mạnh: “Không ai có sự toàn diện trong cuộc sống. Bản thân cần nhận thấy và biết cách lấp đầy sự khiếm khuyết bằng cách cố gắng vươn lên thì sẽ vượt qua tất cả. Bản thân thầy xuất phát từ gia đình nghèo nhưng thầy không cô đơn và luôn tự tin trong cuộc đời này vì thầy nghĩ mình luôn đẹp trai”.

Buổi tọa đàm thu hút nhiều học sinh tham gia

Ảnh: Tấn Đạt

Còn thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, cho biết hiện nay tần số người trẻ dưới 18 tuổi “trải nghiệm” cô đơn khá nhiều. Họ bị xoáy vào vấn đề đi tìm kiếm cái tôi, khẳng định chính mình... để rồi khi thất bại thì dễ rơi vào trạng thái cô đơn.
Cô Thụy Anh còn chia sẻ vài năm trước đã từng chứng kiến một bé gái tự rạch tay mình vì không tìm được sự chia sẻ, thấu cảm từ người thân hay bạn bè.
“Mọi người cứ trách móc em, tại sao hành động dại dột như thế? Nhưng họ không hiểu rằng khi bạn ấy rơi vào trạng thái cô đơn thì sẽ có sự e ngại 'nếu tôi hỏi một ai, nhờ sự giúp đỡ mà bị chối từ thì bản thân lại đau khổ gấp bội'. Do đó, mọi người sẽ không cô đơn nếu biết rằng mình được yêu, hay là một phần tử quan trọng của gia đình”, cô Thụy Anh trải lòng.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc khó chịu, phức tạp và làm cơ thể chúng ta mệt mỏi. Khi cô đơn, cơ thể sẽ tiết ra hoóc môn “phản kháng" với xã hội. Nó còn cản trở và làm khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ, khó khăn giao tiếp với người đối diện. Hay ở nơi đông người, khu vui chơi nhưng vẫn thấy chán nản. Nếu cứ dồn nén nỗi cô đơn, không kịp thời giải quyết sẽ rơi vào trạng thái "stress" nặng, nguy cơ lớn nhất là “chào” cuộc sống này”.

"Mượn" các môn nghệ thuật để tránh cô đơn

Cũng có mặt tại buổi tọa đàm, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, cho hay không ai trốn được sự cô đơn vì thế hãy đối mặt và “xử lý” nó.
"Để con hạn chế rơi vào sự cô đơn, phụ huynh nên tạo cho con sự tự tin ngay tự nhỏ, biết "giải trí" khi bản thân con thấy cô đơn và hãy cho con một “khoảng trống” để được nói, bày tỏ mỗi khi có vấn đề", tiến sĩ Bạch Tuyết bày tỏ quan điểm.
Cô Bạch Tuyết còn nói: “Tôi thì theo nghề ca hát. Thú thật môn nghệ thuật này làm cho con người rất là yêu đời, yêu cuộc sống, trân quý cái đẹp. Cho nên, ngày từ nhỏ tôi cũng hướng con học nhiều thứ như chơi đàn bầu, học võ để một khi con có cảm xúc tiêu cực thì "mượn" chúng để giải tỏa”.
Thầy Nguyễn Thanh Hùng cũng khẳng định "mượn" các môn nghệ thuật để tránh sự cô đơn là vô cùng hiệu quả.
Thầy Hùng cho biết con gái mình bị phát hiện bệnh ung thư hốc mắt khi con bước vào lớp 8, nhưng đã may mắn điều trị được. Tuy nhiên cũng chính thời điểm này bản thân cũng nhận ra rất nhiều điều.
“Mình nhận ra cuộc đời thật tuyệt vời vì có rất nhiều thầy cô, bạn bè, người thân luôn bên cạnh gia đình mình. Khi chăm con ở bệnh viện, mình thấy các đứa trẻ khác bị ung thư nhưng chỉ có mấy tuổi thôi, hằng ngày đều xuống sân chơi và không bao giờ cô đơn vì các bác sĩ mở nhạc, tập hát cho các bé để tạo niềm vui, giải phóng năng lượng tiêu cực", thầy Hùng chia sẻ.

Nhiều bậc phụ huynh cho biết cho con học các bộ môn liên quan đến nghệ thuật để tìm lại cảm xúc tích cực

Ảnh: Tấn Đạt

Thầy Hùng tâm sự: “Chúng ta sẽ không cô đơn trong cuộc đời này vì biết tìm ra nó và giải phóng. Bên cạnh đó, chúng ta có rất nhiều bạn bè, thầy cô và đặc biệt là ba mẹ... hãy yêu thương, chia sẻ, cười với họ để nhận lại sự hạnh phúc của cuộc đời mình”.
Còn cô Thụy Anh cho hay con gái của mình đang du học nước ngoài đã gọi về cảm ơn mình vì đã cho con học đàn piano từ nhỏ.
“Con gái cho biết những ngày đầu đi du học cảm thấy cô đơn cùng cực vì nhớ nhà. Nhưng may mắn dưới sảnh trường học có mấy cây đàn piano, mỗi khi có tâm trạng thì xuống đó đánh những bài hát mà gia đình thường nghe, nhờ thế mà hết buồn và cô đơn", cô Thụy Anh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.