Báo động tình trạng trẻ bị người thân xâm hại

10/06/2014 16:32 GMT+7

(TNO) Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, nhất là bị xâm hại bởi chính những người thân quen đang có chiều hướng gia tăng; độ tuổi của trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ gây bức xúc trong xã hội…

Một trẻ ở tỉnh Kiên Giang từng bị cha ruột hiếp dâm - Ảnh: Như Lịch
Một trẻ ở tỉnh Kiên Giang từng bị cha ruột hiếp dâm - Ảnh: Như Lịch 

Đó là những vấn đề nhức nhối được nêu ra trong hội thảo “Bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục”, do Trung tâm Tương Lai và Quỹ Hỗ trợ các sáng kiến tư pháp phối hợp tổ chức, diễn ra tại TP.HCM ngày 10.6.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai TP.HCM khẳng định trong thời gian vừa qua, có hai vấn đề nóng liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đó là: Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, đối tượng xâm hại các em ngày càng lớn tuổi; nhiều vụ không chỉ do người lạ gây ra mà còn cả những người thân thích của các em.

Đại diện trung tâm này thông tin thêm: Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2006 - 2011, trên cả nước phát hiện khoảng 5.600 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ, trong đó số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm 65,9% số vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Bà Phạm Thị Kim Yến (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Số trẻ bị xâm hại tình dục trên thực tế còn cao hơn nhiều so với những số liệu báo cáo. Bởi lẽ, vẫn còn một số bộ phận người dân không trình báo vì sợ ảnh hưởng, sợ tai tiếng cho con em họ, phần đông họ tự thỏa thuận đền bù với người xâm hại…

Ông Ngô Thành Thuận (Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cần Thơ) cũng bày tỏ: Có nhiều vụ xâm hại trẻ em gia đình nạn nhân biết nhưng không tố giác tội phạm. Chỉ khi nào hai bên không tự thương lượng, giải quyết được thì mới đưa ra chính quyền, dẫn đến việc điều tra, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.

Một số ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xâm hại hay ngược đãi, bạo lực đối với trẻ em. Trong đó có việc nhiều gia đình thiếu quan tâm đến con cái, thiếu hiểu biết về luật pháp; việc truyền thông, giáo dục các kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng như kỹ năng tự bảo vệ của trẻ chưa được thực hiện thường xuyên…

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu (Hội Luật gia TP.HCM), nạn xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng trầm trọng, nhưng chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết. Bà Thu trăn trở: “Tôi thấy rất đau lòng khi biết có trẻ mới 12 tuổi đã đẻ con, không được đi học. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất đáng báo động và nhức nhối hiện nay là nạn xâm hại trẻ qua internet. Các em bị lôi kéo, dụ dỗ và dần dần bị xâm hại về thể xác, phải chịu rất nhiều tổn thương, nhất là về mặt tâm lý”.

Quy trình can thiệp, giúp đỡ đối với trẻ bị xâm hại tình dục:

1. Xây dựng mối quan hệ với ban bảo vệ/ban điều hành trẻ em ở địa phương

2. Nhận diện những trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục 

3. Thiết lập đường dây nóng của tổ chức xã hội, thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, xây dựng biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ

4. Can thiệp khi trẻ bị xâm hại tình dục

5. Đánh giá tình trạng của trẻ bị xâm hại tình dục sau khi thực hiện việc can thiệp/trợ giúp.

(Trích bộ quy trình do luật sư Nguyễn Văn Đức, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Tương Lai thực hiện)

Như Lịch

>> Cậu xâm hại tình dục cháu ruột 8 tuổi
>> Ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em
>> Cấm mặc váy ngắn để "ngăn xâm hại tình dục
>> Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng
>> Cựu ca sĩ Gary Glitter lại bị bắt vì nghi xâm hại tình dục
>> Mỗi năm 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.