Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam: Nơi thế hệ trẻ soi mình

25/03/2006 16:07 GMT+7

Ngày 23.3, Trung ương Đoàn tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tại số 3, Nguyễn Quý Đức (Hà Nội). Trên 500 tư liệu, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng tái hiện một cách sinh động và chân thực các phong trào cách mạng vẻ vang của tuổi trẻ nước nhà.

Nhà sử học Văn Tùng - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đoàn và phong trào thanh thiếu niên T.Ư Đoàn, là người đã hiến tặng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam hàng ngàn hiện vật vô giá trong suốt 50 năm ông ngược xuôi sưu tầm và gìn giữ. Gặp chúng tôi, ông Tùng không giấu nổi niềm hân hoan khi giới thiệu về những tư liệu, hiện vật trong số trên 10.000 tư liệu, hiện vật về các phong trào cách mạng vẻ vang của các thế hệ thanh niên Việt Nam từ năm 1911 đến nay được trưng bày tại bảo tàng. Ông đưa cho chúng tôi xem bức thư Bác Hồ viết cảm ơn người đã gìn giữ tấm ảnh Bác tại Đại hội Tours ở Pháp năm 1920 trong suốt 30 năm trời để rồi sau đó đem tặng lại, bản dịch đầu tiên và duy nhất về tài liệu: "Nguyễn Ái Quốc là tác giả chính của bản Luận cương về thanh niên thuộc địa nổi tiếng"... "Ẩn sau các hiện vật là những câu chuyện đậm chất anh hùng ca và bi tráng, chứa chan tình người... gắn liền với lịch sử dân tộc" - "nhà sử học của Đoàn" nhắn nhủ.


Những kỷ vật từ chiến trường.

Thấy chúng tôi chú ý tới một ngăn hộp có nhiều tờ giấy dó, khổ nhỏ in Điều lệ của Việt Minh, Điều lệ của các Hội cứu quốc, ông bật mí: "Đây là những tài liệu do chính thân mẫu của anh Kim Đồng trao tận tay tôi cùng với mo cơm nếp khi tôi trở về Hà Nội sau hơn 3 tháng lặn lội khắp miền biên cương sưu tầm tài liệu viết Lịch sử Đoàn. Theo lời kể của nhiều đoàn viên ở Nà Mạ năm 1959 thì những tài liệu này được in trong hang Pắc Bó sau khi Bác Hồ về nước".

Còn đây là  tấm thiếp của Bác Hồ do chính tay Người đánh máy 8 câu thơ tặng Báo Xung Phong, cơ quan của trẻ em yêu nước Hải Dương sau khi Người xem báo. Hình ảnh Bác Hồ đi chiến dịch, Bác lội suối, vượt đèo đến thăm các đơn vị TNXP, tặng thơ cho các cháu gây cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Chiếc mũ nan bọc lưới cắm lá ngụy trang ngày nào của anh hùng trẻ tuổi Trần Can đã cùng đồng đội khoét núi ngủ hầm, tiến thẳng vào nơi quân thù cố thủ, bắt sống tướng giặc hiện lên sinh động qua tờ báo Đoàn Tiền Phong số đặc biệt về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như còn tươi màu mực mới mặc dù đã qua 50 năm có lẻ.

Và đây nữa, chiếc áo cánh màu nâu có gắn huy hiệu Bác Hồ như còn thấm đẫm những giọt mồ hôi của người nữ anh hùng trẻ tuổi Phạm Thị Vách và các đồng chí của chị trong thời kỳ miền Bắc gồng mình chống thiên tai, nỗ lực khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa xã hội làm hậu phương vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Chỉ tay về phía bức phù điêu Lênin, ông Tùng giới thiệu: "Bức phù điêu này đặt trên bàn làm việc của đồng chí Nguyễn Minh Triết (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - TN) ở "R". Cơ quan T.Ư Đoàn bị máy bay Mỹ ném bom hủy diệt nhưng bức phù điêu được tìm thấy sau đó vẫn còn nguyên vẹn".


Những vật dụng hằng ngày của anh chị em TNXP. ảnh: Q.Duẩn

Biết chúng tôi là PV Báo Thanh Niên, ông Tùng lấy ra một bức ảnh chân dung và hỏi: "Các anh có biết người trong ảnh là ai không?". Chúng tôi nhận ra ngay đó là Tổng biên tập của mình hồi còn trẻ. Cầm bức ảnh trong tay, ông Tùng nói: "Anh Nguyễn Công Khế lúc đó còn trẻ lắm, gầy gò thế nhưng lại sôi nổi tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh, sinh viên Đà Nẵng. Anh Khế bị địch bắt giam. Số tù của anh ấy đây này"...

"Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đã mở cửa đón khách tham quan. Tôi tin đông đảo nhân dân, nhất là những người trẻ tuổi sẽ tìm đến đây, ngắm nhìn những bức ảnh, chiếc áo nâu, cái mũ cối bộ đội Trường Sơn... để được hiểu hơn và cảm phục các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam đi trước, để cố gắng đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, viết tiếp những trang sử vẻ vang của tuổi trẻ nước nhà" - Ông Tùng tâm sự trước khi chia tay chúng tôi.

Bá Quang - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.