Đồng Văn Hùng không học về nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chàng trai sinh năm 1996 chỉ học nghề từ một người anh, sau đó anh giành một năm đi làm công nhân để lấy tiền mua máy móc, thiết bị phục vụ nghề chụp ảnh và tự lập với công việc của mình tại Hà Nội.
Đang là mùa hoa cúc hoạ mi, chàng trai nảy ra ý tưởng sẽ chụp bà ngoại một bộ ảnh với loại hoa đang gây sốt này ở Hà Nội để chúc mừng sinh nhật 99 tuổi của bà.
“Tôi mua bó cúc ở vườn Nhật Tân, bọc trong giấy báo cẩn thận rồi một tay ôm hoa, một tay đi xe máy về Thái Nguyên vì sợ hoa héo, giập nát. Quãng đường 60 km khá xa, có khi mỏi tay quá tôi đành buộc hoa lại phía sau xe máy”, Hùng nhớ lại.
tin liên quan
Nữ sinh duyên dáng bên cánh đồng cúc họa miNhững tấm hình Nguyễn Ngọc Yến, nữ sinh viên Viện Toán ứng dụng và tin học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội chụp bên cánh đồng hoa cúc họa mi khiến người xem không thể rời mắt.
Có lẽ từ ngày cầm máy ảnh chụp đến bây giờ, bà ngoại là “người mẫu” lớn tuổi nhất của anh. Hùng đã nhiều lần chụp ảnh bà ngoại, khi bà nấu cơm, tách hạt ngô, cho gà ăn. Bộ ảnh bà ngoại và đàn gà chụp năm bà ngoại 97 tuổi từng được nhiều tờ báo điện tử xin đăng lại. Bộ ảnh với hoa cúc họa mi, khi bà 99 tuổi, Hùng chụp mà cảm thấy rưng rưng xúc động hơn cả.
“Bà không ngượng ngùng gì khi tôi đưa hoa tặng bà và tạo dáng giúp bà. Có lẽ bà cũng đã quen với việc làm mẫu cho cháu trai”, chàng trai 21 tuổi cười.
Hùng cũng không ngờ, bộ ảnh sau khi được anh đăng lên facebook cá nhân có nhiều lượt xem và chia sẻ đến như vậy. Anh chia sẻ: “Tôi chụp ảnh về bà ngoại chỉ mong lưu lại những kỷ niệm, hình ảnh đẹp nhất về bà. Tôi lo sợ một mai bà không còn trên đời này nữa, tôi vẫn còn những khoảnh khắc nhìn thấy bà cười, bà đi lại trước hiên nhà, như bao ngày...”.
|
Bà ngoại Hùng tên là Dương Thị Bằng (thường được gọi ở nhà là Biện). Đã 99 tuổi nhưng bà rất minh mẫn, bà vẫn đi lại bình thường, giúp đỡ cháu con một số việc nhà.
Từ ngày Hùng mới sinh ra đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vỗ về. Trong tâm khảm của chàng trai 21 tuổi đang làm việc ở Hà Nội, bà ngoại là cả tuổi thơ với những năm tháng đẹp nhất đời anh.
“Bà ngoại nấu cơm cho tôi ăn, kể chuyện, hát ru cho tôi nghe. Những ngày tôi còn bé, tôi hay nhổ tóc sâu cho bà, thấy bà giã trầu, têm trầu rồi bỏm bẻm nhai. Kỷ niệm về bà ngoại nhiều lắm, chẳng bao giờ kể được hết”, Hùng xúc động.
Thương quá, ngoại ơi!
Đó là chia sẻ của nhiều bạn trẻ khi nhìn những hình ảnh bà ngoại và cúc họa mi mà Hùng chụp.
|
Dương Thúy Hạnh, 23 tuổi, nhân viên kế toán, làm việc trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM ngậm ngùi: “Quê ngoại tôi ở tận tỉnh Hưng Yên. Tôi nhớ ngày mình học lớp 2, lớp 3 cứ đếm từng ngày đến nghỉ hè để được về quê ngoại.
Nhà bà ngoại có một cái ao to ở trước sân, mấy chị em tôi hay hái rau muống, bắt ốc phía cầu ao, còn bà ngoại và dì út tôi ngồi trên một chiếc thuyền giữa ao để vớt bèo nấu cám cho lợn. Những năm tháng được ở bên bà ngoại là bình yên nhất cuộc đời”.
Anh Thái Sơn, trú ở Q.8, TP.HCM thì cay sè đôi mắt khi nhắc đến bà ngoại. “Bà tôi ra đi ở tuổi 106. Bà minh mẫn, luôn cười, phúc hậu lắm. Những năm cuối đời, bà yếu, đi lại không vững nhưng lúc nào cũng giành phần phải nấu cơm. Chỉ là vo gạo, cho vào nồi, cắm điện và bấm nút, thế nhưng ai mà giành phần nấu là bà giận, đến bữa là không ăn cơm luôn. Thương lắm ngoại ơi...”.
Những hình ảnh thân thương mà Đồng Văn Hùng ghi lại về bà ngoại:
|
|
|
|
|
Bình luận (0)