Chàng trai mê... dẫn tinh

22/05/2005 22:20 GMT+7

Sinh năm 1978 ở Thái Thụy - Thái Bình, mới 8 tuổi đã phải lẽo đẽo theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở điểm 10 xã Uar (Krông Pa - Gia Lai). Cũng đói khổ vất vả bởi nhà Lã Văn Tiện có tới 7 anh em, Tiện là con áp út, học hết lớp 7 trường làng. Năm 1997, Trung tâm Dạy nghề Gia Lai mở lớp Dẫn tinh viên, cậu khăn gói lên đường theo học cái nghề "độc đáo" này trong sự cười cợt của đám bạn cùng lứa. "Lúc ấy em chưa biết yêu là gì!" - Tiện cười bảo thế.

Học xong ba tháng ra nghề, trẻ nhất trong lực lượng dẫn tinh viên của tỉnh Gia Lai. Cậu lại ham nghề, sản phẩm đầu tay của cậu là phối giống bò lai bec-man cho một con bò cái địa phương, 9 tháng sau sản phẩm ra đời, niềm vui xen lẫn niềm hy vọng. Bây giờ con bò lai ấy đã đẻ nhiều lứa rồi và nó đã có giá hơn 20 triệu đồng!

Tiện còn là dẫn tinh viên phá kỷ lục về... phối giống. Năm nhiều nhất, Tiện phối được trên 1 ngàn liều, tỷ lệ đạt trên 80%. Thời kỳ cao điểm bò động dục là vào tháng 11, 12 hằng năm. Để phá kỷ lục này, có hôm Tiện phải nhịn đói đi phối giống cho bò. "Toàn xã có  gần 3 ngàn con bò, nhà nào có bò động dục là họ lại đến kêu mình, thế là khăn gói quả mướp lên đường. Có những ngày phải phối tới 10 con bò" - Tiện cho biết.

Nhìn những động tác thuần thục mà Tiện thực hiện như: mở bình nitơ lỏng để lấy cộng tinh, đưa vào súng bắn tinh..., và cách "gạ gẫm" để cho con bò cái... "chịu", sẽ thấy Tiện rất lành nghề. Bảo quản tinh cũng là một kỹ thuật khó, nếu biết cách bảo quản có thể đến 35 năm "vẫn chạy tốt". Cuộc sống của những dẫn tinh viên như Lã Văn Tiện cũng không đến nỗi nào, nếu thụ đậu một con bò lai thì Tiện được nhận 35 ngàn đồng từ Phòng Kinh tế Krông Pa, bởi Krông Pa là một trong số ít huyện của tỉnh Gia Lai được đầu tư một dự án lai cải tạo đàn bò với số tiền hàng tỉ đồng.

Tiện là một trong số vài dẫn tinh viên có sự ham mê nghề thực sự. "Trước sau tôi chỉ sống bằng nghề này" - anh bảo thế. Và những người như Tiện đã góp một phần công sức trong chương trình lai cải tạo đàn bò ở địa phương, nâng tổng số bò lai ở Uar lên 40%. Một nghề tưởng chừng bình thường nhưng nó lại góp phần không nhỏ để thúc đẩy kinh tế, bởi một con bò lai có giá gấp 5 lần một con bò thuộc giống cũ. 

Mai Chí Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.