Chỉ có tử ngữ mới không… ngọ nguậy

29/05/2010 10:36 GMT+7

(TNTT>) Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không hẳn là cứ phải lôi lên đoạn đầu đài những ngôn ngữ teen mà giới trẻ đang xài một cách thú vị.

Khi chiếc xe gắn máy của hãng Honda vào Việt Nam, tiếng Việt có thêm từ honda, cũng mang một vỏ nghĩa là xe gắn máy. Không cho ngôn ngữ ngọ nguậy du nhập, tìm kiếm, hài hòa, dung nạp, lọc, đào thải… chẳng hóa chúng ta ép một sinh ngữ thành… tử ngữ à?

Chẳng đâu xa, mới đây thôi, một quảng cáo về sản phẩm điện thoại di động mới cũng xài ngôn ngữ teen, đăng chình ình trên các tờ báo lớn. Ừm thì ngoa ngôn một chút, ai đó sẽ bảo trang quảng cáo người ta bỏ tiền ra mua rồi, đăng gì mà không được, miễn đừng động chạm thuần phong mỹ tục. Thế dân làm ăn bỏ cả đống tiền cho chương trình quảng bá sản phẩm ấy, người ta muốn quăng tiền ra cửa sổ sao? Vấn đề, dù muốn dù không, vào thời điểm này, ngôn ngữ (mà chúng ta gọi là) teen ấy đã trở nên phổ biến rồi, ăn sâu dính chặt vào ngôn ngữ của chúng ta rồi, được đại đa số những người trẻ chấp nhận.

Tiếng Anh, dù giảng dạy ở đâu, người ta cũng chua một vài mở ngoặc, rằng đây là tiếng Anh xài ở… Anh (nhiều từ tiếng Anh khi xài ở… Mỹ là khác à nha). Láng giềng của chúng ta, đảo quốc sư tử Singapore, cũng “chào hàng” thế giới một kiểu nói mà người ta gọi là Singlish đấy thôi. Ngôn ngữ, suy cho cùng là một giao ước âm thanh để cùng chỉ một khái niệm. Theo thời gian, theo thời đại, theo thời cuộc, nhiều từ mất đi, nhiều từ mới ra đời. Cứ để bản thân người dùng quyết định những từ ngữ mới mẻ ấy có tồn tại được hay không. Như cách nói không sao đâu  thành no star where mà giới trẻ cũng khoái chí xài ào ạt cách đây vài năm, giờ đã lỗi thời rồi, mờ dấu rồi, có dính được vào tiếng Việt nữa đâu! Một ví dụ khác, khi máy tính cá nhân xuất hiện, từ chuột trong tiếng Việt được mở thêm một nghĩa hiểu khác. Và từ click (click chuột) đang dần dà biến thành tiếng Việt đấy thôi.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, một lần nữa, dư luận đặt vào tay báo chí và văn học. Nhưng sinh mệnh của báo chí lúc nào mà chẳng nằm trong tay cuộc sống. Văn học cũng đâu có ngoài cuộc được. Như ông Nguyễn Nhật Ánh khi viết tiểu thuyết cho tuổi học trò, đố ai bắt ổng bỏ kiểu nói teen teen khỏi miệng nhân vật của mình được.

Dĩ nhiên, mang hok bít, hem cần, roài, rùi… một cách tùy tiện vào bài thi hay các văn bản chính quy thì không được rồi. Mỗi kiểu nói, từ dùng… đều có chỗ đứng của nó trong hệ thống ngôn ngữ. Cứ để ngôn ngữ teen ấy tồn tại trong tiếng Việt, và các nhà ngôn ngữ học cứ hãy chua rằng: nhóm từ thường được giới trẻ sử dụng khi nhắn tin, chát chít… Như thế, chúng ta định vị chúng vào đúng chỗ của chúng. Cứ lú ra ngoài là trảm thẳng tay. Vậy thôi.

Người viết bài này tin tưởng vào sức sống, sức đề kháng mạnh mẽ của tiếng mẹ đẻ. Nhìn quá khe khắt vào hiện tượng ngôn ngữ teen mà vội vã lôi chúng lên đoạn đầu đài, chẳng qua chỉ là cách làm thiếu suy nghĩ, ăn theo lời kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà thôi.

Singlish là khái niệm để nói về loại ngôn ngữ trên cơ sở tiếng Anh bản ngữ ở Singapore. Ngày nay, Singlish được coi là tiếng mẹ đẻ của thành phần giới trẻ Singapore khi mà họ không được chia sẻ tiếng mẹ đẻ hay phương ngữ của cha mẹ mình. Phần còn lại dân số Singapore coi nó là ngôn ngữ thứ hai. Từ vựng của Singlish tập hợp từ tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Mã Lai và một lượng nhỏ của những ngôn ngữ khác bắt nguồn từ Trung Hoa qua dân di cư. Đồng thời, lượng tiếng lóng Mỹ và Úc cũng được thêm vào qua các chương trình truyền hình nhập khẩu. Tới nay, những ngôn ngữ châu Á khác như tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên và những phương ngữ Trung Hoa khác như tiếng Thượng Hải cũng đã được sáp nhập vào Singlish._ (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Nguyễn Út Hương (15 tuổi, Tx Sao Đỏ, Hải Dương):

Tôi học tại trường nông thôn, nên mấy từ ngữ lứa tuổi teen rất ít xuất hiện. Có lẽ từ đó được các bạn teen thành phố dùng nhiều trong các phương tiện hiện đại như máy tính (các bạn chat với nhau), điện thoại di động (nhắn tin cho nhau). Tuy nhiên, tôi có đọc trên một số tờ báo, xem truyền hình cũng biết được ngôn ngữ đó. Bản thân tôi cảm thấy rất thú vị, nó rất sáng tạo, hợp với lứa tuổi của chúng tôi. Nó phát triển được là nhờ mọi người cùng dùng theo, cùng hiểu được. Người lớn không thích vì họ không hiểu, do đó, tôi nghĩ các bạn teen cũng nên lưu ý nếu có dùng từ ngữ riêng phải giải thích với bố mẹ, ông bà mình. Hoặc chỉ sử dụng với nhau mà thôi, khi nói chuyện với ông bà cần dùng đúng từ ngữ thông dụng để mọi người cùng hiểu.

Quỳnh Anh (18 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội):

Tôi thường xuyên dùng những ký hiệu, từ ngữ tuổi teen khi nói chuyện với bạn bè của mình. Bản thân tôi cảm thấy sự sáng tạo ra thứ ngôn ngữ này khá tiện dụng, nó rút ngắn thời gian gõ chữ, hơn thế, ẩn chứa bên trong nó có rất nhiều sự sáng tạo cùng với sự biểu cảm mà nếu cứ gõ tiếng Việt thông thường khó mà diễn tả được. Nhưng có một điều tối kỵ mà tôi luôn ghi nhớ, đó là ngôn ngữ dành cho lứa tuổi của mình, chỉ sử dụng để nói với bạn bè cùng trang lứa, tuyệt đối khi nói với người lớn không được dùng. Đây là bài học khi phỏng vấn xin đi du học thất bại của tôi. Vì quen tay nên tôi gõ những ký hiệu, những từ viết tắt, tất nhiên, hồ sơ của tôi bị loại ngay vì thiếu tôn trọng người đọc.

Hoàng Anh (19 tuổi, Q.1, TP. HCM):

Nếu coi những tín hiệu morse như là một thứ ngôn ngữ để truyền tin nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin thì ngôn ngữ teen ra đời cũng một phần nhằm mục đích đó. Tất nhiên, sự so sánh của tôi là hơi khập khiễng vì ngôn ngữ morse được công nhận, trong khi những ký hiệu tuổi teen chỉ cục bộ ở từng quốc gia. Nhưng sự ra đời của nó cũng chứng minh một giai đoạn lịch sử nào đó, ví như sự bùng bổ của internet, điện thoại di động… Tôi cũng sử dụng thường xuyên ngôn ngữ đó vì thích sự biểu cảm trong đó, tôi không cần phải nói dài dòng mà chỉ cần vài ký hiệu là có thể nói cả trang dài rồi. Không chỉ thế nếu là nhắn tin, tôi có thể tiết kiệm được kha khá tiền. Tôi biết, chẳng những các bạn trẻ, nhiều anh chị lớn tuổi cũng bắt chước tụi tôi khi sử dụng từ viết tắt để làm ký hiệu riêng…

Phương Uyên (18 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP. HCM):

Tôi cho rằng mỗi ngôn ngữ ra đời đều có văn hóa và nguồn gốc. Ngôn ngữ teen là con đẻ của công nghệ thông tin, của blog, trang web cá nhân…Trong cái thế giới ảo đó, người ta sử dụng một ngôn ngữ hợp với nó vì không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau nên ngôn ngữ có tính biểu đạt cao. Cái gì cần rút gọn sẽ giản tiện tối đa, cái gì có thể hình tượng hóa sẽ được sử dụng phổ biến. Người lớn hay chê trách ngôn ngữ của chúng tôi phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó chỉ đúng khi teen lợi dụng thái quá, coi ngôn ngữ mình dùng là chuẩn mực hay thể hiện sự sành điệu. Nhưng nếu những người có trách nhiệm, nghiên cứu nghiêm túc, tôi tin rằng, họ sẽ khám phá ra ngôn ngữ của chúng tôi rất thú vị.

Hồng Minh (thực hiện)

Mai Thụy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.