60% sinh viên làm trái ngành là lãng phí
|
“Tình trạng sinh viên (SV) ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều và trái ngành không phải điều bình thường mà là sự tổn thất cho nền kinh tế. Có nhiều SV học ĐH ra trường phải khai thấp trình độ để tìm việc làm ở vị trí việc làm thấp hơn, đó là sự thất bại của thị trường lao động”, ông Khải nói.
Tương tự, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), nhìn nhận: “Theo báo cáo của nhiều trường thì 100% SV ra trường có việc làm nhưng thực tế số liệu của chúng tôi chỉ 80% có việc làm ngay, 50% có việc làm tốt, 50% làm trái ngành nghề hoặc thất nghiệp”.
Trước các con số này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng 60% đào tạo ra làm trái nghề là con số hơi bất ngờ và đây là một sự lãng phí. “Đào tạo một ngành nghề cụ thể nhưng khi sử dụng lại không đúng ngành nghề, là không hiệu quả”, ông Phong nói.
Chủ tịch TP.HCM chia sẻ thêm: “Tôi xin nêu một thực tế để làm rõ hơn vấn đề này. Vừa qua có một bài báo quốc tế đăng tình trạng SV nước ta tốt nghiệp ĐH nhưng phải đi làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập 5 triệu đồng/ tháng. Điều này cũng là chính đáng, song nó cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường”.
Gắn nhà trường với doanh nghiệp
Tại hội thảo, nhiều đề xuất về giải quyết việc làm cho SV đã được nêu ra. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời gian qua rất khiêm tốn. “Tôi nghĩ trường nên chủ động hơn, nhà nước phải có trách nhiệm quan trọng trong việc điều phối mối quan hệ hai bên này. Chẳng hạn, chính quyền có thể có những chính sách ưu đãi và khuyến khích với các doanh nghiệp sử dụng lao động như vay vốn, giảm thuế hoặc đưa thành tiêu chí trong thi đua khen thưởng doanh nghiệp của TP”, đại diện này đề xuất.
Theo ông Lê Minh Trung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP.HCM, TP nên có chính sách hỗ trợ sau đào tạo để giúp SV tiếp cận được văn hóa doanh nghiệp vì giữa văn hóa trường học và doanh nghiệp luôn có độ chênh. Ông Trung đặt vấn đề: “Có ý kiến đề xuất đưa doanh nghiệp về giảng dạy tại trường. Nhưng tại sao không đặt câu hỏi ngược lại là đưa thầy cô giáo đi ra doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu của việc thất nghiệp hiện nay là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh. Sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP xác định giải quyết việc làm cho SV là trách nhiệm của chính mình, TP cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp”.
Về giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong cho biết hiện TP đang giao cho Sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH, thông qua các hội thảo để lắng nghe những đề xuất cụ thể. Theo ông Phong, trước hết cần phải gắn được nhà trường với doanh nghiệp. “Mình làm điều này có chậm, dù đã nhìn thấy trước đó nhưng không có sự hành động mạnh mẽ. Tôi đi thăm 3 doanh nghiệp tại Nhật Bản thì thấy sự gắn kết này rất chặt chẽ, doanh nghiệp đặt hàng cho các trường”, ông Phong chia sẻ.
Bình luận (0)