Thực khách đối ẩm thì đủ cả, mấy bác trung niên, dăm chàng choai choai và mấy cô gái cả già già lẫn trẻ trẻ. Người Hàn Quốc xem rượu sochu như một thức uống không thể thiếu, nên mới có chuyện người ta uống vì buồn, uống vì vui, và chẳng buồn chẳng vui lại... càng uống. Phong, đang theo học thạc sĩ tại Seoul, kể chuyện những cô gái Seoul chân dài da trắng ngồi bệt nơi góc đường vì say không phải là chuyện hiếm.
Những quán nhậu ven đường đêm thứ bảy mở cửa rất khuya, thế mà đêm chủ nhật đường phố im lặng như tờ. Khu quán nhậu quanh trung tâm tài chính Seoul đã được dọn sạch sẽ, vắng teo. Phong giải thích vì ngày mai là thứ hai nên không có ai nhậu khuya, quán đóng cửa sớm. Tìm mãi mới thấy một quán ăn còn mở cửa. Đêm đó, chủ quán rất chịu khó mở cửa đến 2 giờ sáng để mời những người bạn VN thử món bạch tuộc chua ngọt (vốn khá phổ biến trong thực đơn ở Hàn Quốc) với cái giá 20.000 won (khoảng 360.000 đồng). Tự nhiên tôi nhớ những con mực khô nướng giá 10.000 đồng thơm nức mũi bày bán nhiều ở các vỉa hè Sài Gòn. Mực khô ngon hơn món bạch tuộc ở đây rất nhiều.
|
Cà phê 12 giờ đêm
Khuya, cô bạn đang học MBA ở Seoul gọi điện thoại rủ tôi đi cà phê ngoại thành bằng mô tô. Nếu đó là chiếc Goldwind 1.800 phân khối to đùng oai hùng mà ngày đầu tiên đến Seoul tôi từng thấy chúng lướt ầm ầm trên phố thì khoái quá đi chứ. Tất nhiên là tôi đi, dù kim ngắn đồng hồ lúc này đã sang con số 11. Tôi được giao đi cùng anh bạn Kim Jae Nyeon hiểu hết tiếng Anh tôi nói nhưng chỉ trả lời bằng thứ tiếng Hàn nhanh như gió.
Kim đang làm việc tại một công ty thực phẩm ở Seoul, đã bỏ ra hơn 30.000 USD để tậu chiếc mô tô Goldwind (đắt hơn cả một chiếc xe hơi loại tốt ở Hàn Quốc). Được cái, xe gần như có đủ "đồ chơi": bộ đàm liên lạc, dàn nhạc hifi, thiết bị định vị toàn cầu để tìm hiểu hệ thống đường giao thông.
Cảm giác lướt êm trên một con voi (xe Goldwind đúng là to như con voi) giữa đêm khuya để ngắm sông Hàn lấp lánh ánh đèn thì thật tuyệt. Nếu bạn biết rằng tôi chưa bao giờ chạy xe máy quá 60 km/giờ và cũng chẳng khi nào chơi tàu lượn siêu tốc trong Đầm Sen thì sẽ hiểu được cảm giác của tôi khi ngồi trên chiếc mô tô đang lao đi với vận tốc trung bình 160 km/giờ và qua những khúc cua quanh núi, tài xế còn hứng chí thả cả hai tay. Sợ khiếp vía! Thế mà những người bạn trong đoàn lại tỉnh như ruồi, bảo rằng vì tôi đi lần đầu, chứ nhóm chơi xe của họ toàn vi vu trên 250 km/giờ.
|
Nơi chúng tôi đến là Bongchuru, một quán cà phê rất lãng mạn nằm ở ngoại ô Seoul, cách trung tâm thành phố 1 tiếng đồng hồ chạy qua những con đường ngoằn ngoèo đèo dốc. Đường vào Bongchuru khá heo hút, phải chạy qua mấy cánh đồng vắng. Yên tĩnh và thanh bình, có lẽ đó là yếu tố để Bongchuru lúc nào cũng đông khách. Đến mới biết, cũng nhiều chàng trai, cô gái Hàn Quốc thích cái thú cà phê khuya. Kim Jae In, nhân viên phòng nhân sự tại một công ty cung cấp thiết bị viễn thông ở Seoul cho biết, Bongchuru lúc nào cũng thu hút khách là nhờ quán liên tục thay đổi cách trang trí và thực đơn. Dịp cuối thu khi tôi đến, quán đơn giản với những khúc gỗ tròn làm ghế ngồi và kiểu bàn gỗ giản dị như ở nhà quê. Rải rác khắp nơi là những bếp lửa rực ánh than. Quán đông, nhưng không gian vẫn vắng lặng với những tiếng rì rầm rất nhỏ của những đôi tình nhân, những nhóm bạn. Tối hôm ấy, tôi thử món trà thuốc bắc ngọt lừ có đủ loại hạt dưa, hạt hướng dương, táo tàu, cam thảo, hạnh ngân... trong cốc, nhang nhác giống loại trà cung đình tôi vẫn uống ở quán trà nhà cổ ở quận Tân Bình (TP.HCM).
|
Chụp ảnh ở quán bar
Trong lúc bạn bè rất sành điệu với thời trang hip-hop rộng thùng thình, cô bạn sinh viên Hyung Min, đang học tiếng Việt tại Trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, giản dị hiền lành với áo thun, quần jeans. Nhưng thú vui giải trí của Hyung Min thì lại giống đa số bạn bè: đi bar. Với giới trẻ Hàn, đi bar cũng nhẹ nhàng như đi cà phê.
11 giờ đêm, chúng tôi theo chuyến tàu điện ngầm cuối cùng trong ngày đông nghìn nghịt người để đến Hongdea, một khu tập trung nhiều quán bar gần Trường đại học Hongik. Vé tàu điện ngầm ở đây rất rẻ so với thu nhập trung bình của người dân, và rẻ hơn khá nhiều so với xe buýt. Chỉ khoảng 900 won cho một lần đi, qua 2 chuyến tàu (nếu mua vé tháng thì còn rẻ hơn nữa). Bù lại, giá vào cổng ở các quán bar khá đắt, trung bình là 20.000 won (tất nhiên là miễn phí một chai bia cay xé lưỡi).
1 giờ sáng, những con đường trong khu Hongdea vẫn tấp nập người qua lại với thời trang tầng tầng lớp lớp đậm màu hip-hop. Không khí như mới 8 giờ tối ở Sài Gòn. Trên cửa kính của những chiếc xe hơi đậu ven đường, người ta dán đầy những tấm giấy ghi số điện thoại quảng cáo dịch vụ cho thuê người làm tài xế lái chiếc xe này về nhà trong trường hợp chủ xe xỉn quắc cầu câu.
|
Các quán bar mix nhạc hip-hop đang khá thịnh hành ở Hàn Quốc. Con gái Seoul với vóc dáng cao ráo và đôi chân dài thẳng tắp rõ ràng là rất hợp để khoe mình trong những chiếc váy ngắn, giày bốt cao cổ. Anh bạn trong đoàn chúng tôi vô tư đeo máy ảnh ở cổ vào bar bấm máy liên tục mà chẳng cô gái nào phản đối gì.
3 giờ sáng, ra khỏi quán bar. Gió lạnh, đường đông và cơn buồn ngủ díp mắt đối với người không quen thức khuya khiến chúng tôi chỉ còn muốn bay ngay về khách sạn. Thế mà Lan, đã học tại Hàn Quốc gần 2 năm lại bảo, những lúc thế này, cách thông thường nhất của giới trẻ Seoul là chui vào rạp chiếu phim vì các rạp chiếu phim... Hàn có giá vé khá rẻ (7.000 won) và mở cửa sáng đêm.
Taxi là thứ hàng hiếm lúc trời dần về sáng. Các chàng tài xế taxi trở nên có giá, cứ lắc đầu quầy quậy khi biết khách sạn chúng tôi ở ngược đường. Phải mất 30 phút đứng chờ, vẫy xe, hỏi han và tạm biệt, chúng tôi mới bắt được một chiếc taxi. Có một anh tài dừng lại nhưng tuôn ngay một tràng tiếng Anh, đại khái "giờ này là giờ làm ăn, phải tranh thủ chạy nhanh để đi nhiều chuyến" rồi rồ ga vọt lẹ y như những chiếc xe đua thể thức 1. Giá taxi ở Hàn Quốc không rẻ đâu nhé. 10.000 won cho chặng đường vốn chỉ mất 900 won tiền vé tàu điện ngầm.
L.A
Bình luận (0)