Chọn cán bộ Đoàn có tố chất thủ lĩnh thanh niên

25/11/2017 08:05 GMT+7

Trung ương Đoàn khuyến khích các tỉnh, thành Đoàn ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu đoàn viên thay cho cách quản lý như hiện nay.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ Đoàn sẽ có nhiều điểm đổi mới để chọn được cán bộ Đoàn có tố chất thủ lĩnh thanh niên.
Đó là chia sẻ của Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy về một số định hướng lớn trong công tác xây dựng Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên trong nhiệm kỳ tới.
Sau nhiều giải pháp nỗ lực nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng hoạt động của chi đoàn, Đoàn cơ sở trong 5 năm qua, anh đánh giá thế nào về những kết quả đạt được?
Cần ưu tiên cán bộ Đoàn trưởng thành từ phong trào ở các trường THPT, CĐ, ĐH...; ở môi trường này đã có sự sàng lọc tự nhiên, sẽ chọn được cán bộ Đoàn có kỹ năng tốt,
có tố chất thủ lĩnh
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đoàn viên là kiên trì thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên. Nhiệm kỳ 2012 - 2017, toàn Đoàn triển khai chương trình này với 5 tiêu chí rèn luyện và 10 tiêu chí hành động. Đến giữa nhiệm kỳ, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã có sự đổi mới, điều chỉnh nội dung đánh giá trên 3 mặt rèn luyện về nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống; chuyên môn, nghiệp vụ; sức khỏe và kỹ năng thực hành xã hội. Điều đó giúp việc rèn luyện đoàn viên đi vào thực chất hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao chất lượng đoàn viên. Hướng triển khai này đã tạo ra được “không gian” sáng tạo, cụ thể hóa cho cơ sở trong việc xác định các nội dung rèn luyện đoàn viên phù hợp với tình hình hoạt động của địa phương, đơn vị. Kết quả so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ đoàn viên xếp loại yếu, trung bình đã giảm còn 2,88%.
Trong nhiệm kỳ, toàn Đoàn kết nạp hơn 5 triệu đoàn viên mới. Hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có 44.454 đơn vị Đoàn cấp cơ sở và 267.495 chi đoàn. Các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều giải pháp xây dựng "Chi đoàn mạnh" với 3 tiêu chí, mạnh về tư tưởng chính trị; mạnh về phong trào, hoạt động và mạnh về tổ chức. Ở địa bàn dân cư cũng có nhiều mô hình sinh hoạt Đoàn mới, như “Chi đoàn liên kết 3 chi”, “Chi đoàn 4 chủ động”... So với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ chi đoàn xếp loại vững mạnh tăng 3,92%, chi đoàn xếp loại yếu giảm 0,37%, chi đoàn cơ sở xếp loại yếu giảm 0,45%.
Các nội dung và hình thức sinh hoạt chi đoàn từng bước đổi mới theo hướng linh hoạt, đảm bảo nguyên tắc, phù hợp với điều kiện học tập, công tác của đoàn viên. Việc xây dựng được những chi đoàn mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ giảm số đoàn viên xếp loại yếu, trung bình. Đồng thời, thông qua hoạt động phong trào sẽ phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo được những cán bộ Đoàn có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực thực tiễn, quy tụ được thanh niên và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đoàn. Nhìn chung, kết quả đạt được là khả quan, song vẫn còn một số khó khăn đòi hỏi các cấp bộ Đoàn có sự nỗ lực cao hơn, kiên trì hơn trong triển khai các chủ trương về nâng cao chất lượng đoàn viên và chi đoàn.
Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy Ảnh: Hoàng Hải
Qua các hội thảo góp ý văn kiện ĐH Đoàn toàn quốc, có ý kiến cho rằng nhiều cán bộ Đoàn hiện nay kỹ năng, nghiệp vụ thanh vận chưa tốt, một số chưa qua đào tạo nghiệp vụ về công tác Đoàn, do vậy hiệu quả chỉ đạo, lãnh đạo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi còn có hạn chế. Trong nhiệm kỳ tới, công tác đào tạo cán bộ sẽ có những đổi mới ra sao để có được những cán bộ Đoàn thực sự là thủ lĩnh, có khả năng thu hút, định hướng thanh niên?
Nhiệm kỳ 2012 - 2017 đánh dấu một bước quan trọng trong việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp nói riêng. Chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở có độ tuổi trẻ, tỷ lệ cán bộ trong độ tuổi đoàn viên lớn, trình độ chuyên môn cán bộ Đoàn cơ sở được nâng cao hơn trước (gần 80% có trình độ ĐH, CĐ trở lên); trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp trở lên là 73,61%. Hằng năm, các cấp bộ Đoàn đều tổ chức tập huấn cho cán bộ Đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn. Tuy vậy, số lượng, chất lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn ở nhiều nơi chưa đạt như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu của cán bộ Đoàn.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần này, BCH T.Ư Đoàn khóa 10 trình Đại hội Đề án về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội. Đề án xác định nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ Đoàn, trong đó có kỹ năng nghiệp vụ công tác Đoàn giai đoạn 5 năm sắp tới.
Cán bộ làm công tác thanh vận mà không giỏi về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội thì khả năng tập hợp, vận động, dẫn dắt, định hướng thanh niên rất hạn chế. Chính vì vậy, các nội dung về bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ sẽ là mảng lớn trong đề án này. Bên cạnh vai trò quan trọng của các cấp bộ Đoàn, T.Ư Đoàn sẽ phát huy tốt hơn vai trò của Học viện Thanh thiếu niên VN. T.Ư sẽ là nơi xây dựng các bộ tài liệu bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cấp tỉnh, huyện; là nơi đào tạo các "máy cái" để tiếp tục thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng cho cơ sở. Việc thực hiện chế độ đi cơ sở đối với cán bộ cần thực hiện nghiêm túc để cán bộ Đoàn gần gũi, nắm được nguyện vọng, tâm tư của thanh thiếu nhi. Trong dự thảo văn kiện đại hội lần này có xác định cán bộ mỗi năm phải đi cơ sở ít nhất 2 tháng. Cán bộ Đoàn phải xuống cơ sở để nắm tình hình thanh niên, giám sát thực hiện các chương trình, nội dung công tác và học tập kinh nghiệm thực tiễn. Cách làm đó sẽ khiến kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ được nâng lên. Chủ trương này cần được xem là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ Đoàn.
Bên cạnh đó, để có cán bộ Đoàn tốt thì công tác tuyển chọn cần ưu tiên cán bộ Đoàn trưởng thành từ phong trào ở các trường THPT, CĐ, ĐH...; ở môi trường này đã có sự sàng lọc tự nhiên, sẽ chọn được cán bộ Đoàn có kỹ năng tốt, có tố chất thủ lĩnh. Công tác tuyển dụng đổi mới theo hướng này để giảm bớt khâu bồi dưỡng, đào tạo lại.
Một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn và đoàn viên là việc áp dụng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý đoàn viên, theo dõi cơ sở Đoàn. Một số địa phương hiện đã áp dụng phần mềm đó, T.Ư Đoàn có đặt ra chủ trương nhân rộng toàn quốc hình thức quản lý này thay cho cách quản lý văn bản hành chính thủ công như hiện nay?
Đến nay đã có một số tỉnh, thành Đoàn ứng dụng CNTT quản lý đoàn viên. Việc quản lý có sự hỗ trợ CNTT đã tăng tính chính xác, giảm thời gian của cán bộ, giảm thiểu số đoàn viên "ảo" do trùng trong quản lý của các đơn vị. Xu thế ứng dụng CNTT trong quản lý đoàn viên là tất yếu. Nhưng để làm được việc đó trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang gặp một số khó khăn nhất định về kinh phí, cơ sở hạ tầng thông tin ở các vùng sâu, vùng xa, việc cập nhật thường xuyên của cán bộ cơ sở và ngay cả nhận thức của cán bộ. Nhiều cán bộ vẫn chưa nhận thức được đó là xu thế, là việc ngày càng cần thiết.
T.Ư Đoàn đang nghiên cứu để trong thời gian tới ứng dụng CNTT ở một số khâu trong quản lý đoàn viên. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì cần thực hiện từng bước, từng khâu với lộ trình thích hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.