Chuyện thanh niên xã Thành Công làm môi trường

14/01/2009 10:54 GMT+7

Không ngại “xấu mặt”, không sợ dè bỉu, một nhóm thanh niên xã Thành Công, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) quyết tâm giữ sạch môi trường xóm làng bằng cách lập đội xung kích. Nhiệm vụ của đội là tới từng gia đình gom rác và tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm hằng tuần.

Bí thư xã đoàn kiêm đội trưởng Đỗ Văn Hòa cho biết phương châm hoạt động của đội rất đơn giản: “Làm thế nào để môi trường mình sinh sống trong sạch là được. Còn cách làm không cần phải đợi mô hình cao siêu, kế hoạch hoành tráng mà hãy bắt đầu công việc với những sản phẩm dễ gây ô nhiễm, đó là rác thải sinh hoạt trong khu dân cư”.

Sạch làng, sạch xóm!

"Những ngày đầu tiên quyết định vào đội gom rác... giống như bị tra tấn. Nhiều người không hiểu bảo mình bị hâm, thanh niên sao đi gom rác, muốn bẽ mặt với gia đình à. Rồi cả chuyện tìm hiểu bạn gái cũng bị gia đình “soi”... nhưng tất cả anh em đều vượt qua được "

Một thành viên của đội xung kích môi trường xã Thành Công tâm sự

Để minh chứng cho kế hoạch của đội, Đỗ Văn Hòa khoe chiếc xe  gom rác mà cả đội phải hùn tiền mới mua được. “Nó có giá 19 triệu đồng, nhờ có xe mà rác không còn ngập ngụa khắp mọi nơi”, Hòa khẳng định.

Theo Hòa, lịch thu gom rác tại các thôn được ấn định vào sáng chủ nhật hằng tuần. Anh em quen gọi là “Ngày chủ nhật môi trường”. Mỗi ca thu gom thường chỉ có 3-4 thành viên, một người lái xe, số còn lại với cuốc, xẻng sẽ nhận rác từ các hộ gia đình. Dọc đường đi, gặp rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng, thậm chí “sản phẩm” của trâu, bò vương vãi sẽ thu hốt hết.

Ông Nguyễn Văn Viễn, đội 5, thôn Hương Quất, xã Thành Công, cho biết ngày trước cống rãnh trong thôn ô nhiễm kinh khủng. Rác sinh hoạt cũng chẳng biết đổ đi đâu, còn đường làng cứ cách một đoạn lại có một đống rác thải. Tuy nhiên, từ khi đội môi trường vào cuộc, người dân chỉ việc gom rác của gia đình bỏ ra đầu ngõ để các cháu qua lấy mang đi. Ông Viễn cho rằng có hai cái được từ khi đội xung kích ra đời là cảnh quan đường làng, ngõ xóm trở nên sạch sẽ và ý thức của người dân về môi trường được nâng lên. “Cứ thấy các cháu ấy nắng mưa khuân vác, cào xúc nên ai cũng chủ động giữ sạch môi trường để các cháu đỡ vất vả. Ý thức giữ sạch cảnh quan nơi mình sinh sống cũng từ đó mà đi lên” - ông Viễn chia sẻ.

Làm trước... nhận công sau

Đỗ Văn Hòa cho hay khi nhận nhiệm vụ gom rác, anh em đoàn viên đều nghĩ mọi việc đơn giản. Nhưng khi bắt tay vào mới thấy thiếu đủ thứ, từ thiết bị thu gom đến phương tiện chuyên chở, trong khi kinh phí không có, đơn vị tài trợ cũng không. Phó bí thư Đoàn xã Đỗ Văn Đức giãi bày: “Khi đó quá bí bách nhưng đã nhận nhiệm vụ rồi và nếu không làm thì rác thải cứ ùn ra đấy nên nhóm quyết định “cậy” tiền gia đình. Mỗi người đóng 2-3 triệu đồng, tổng cộng cũng được hơn 20 triệu để lấy vốn mua sắm. Ngoài chiếc xe ba gác tốn hơn 19 triệu, số tiền còn lại chi mua sắm các dụng cụ chuyên nghiệp như găng tay, ủng, cuốc, xẻng… còn lại để mua dầu chạy xe”.

Đức phân trần: “Lúc mới thành lập, anh em trong đội đều xác định làm vì môi trường mình sống được sạch hơn chứ không ai đặt vấn đề trả công. Sau hai năm rưỡi hoạt động, đội xung kích đã nhận được “hợp đồng” đặt hàng gom rác của chín đội trong toàn xã với mức thu 4kg thóc/hộ/6 tháng”. Theo anh Đức, số thóc nghe rất lớn tiền nhưng tính chi li mỗi tháng phải chi hết 1,2 triệu tiền dầu chạy xe, còn lại thu nhập của anh em cả tháng mới chỉ được gần 100.000 đồng, trong khi bình quân mỗi ngày chủ nhật cả đội phải làm việc từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều. Có hôm phải làm tranh thủ cả trưa mới hết việc. Đỗ Đình Quý, một thành viên của đội, cho hay: “Nếu không vì nhiệt tình, không vì nhiệm vụ, anh em đã nản cả rồi”.

Ông Lê Văn Dũng, phó chủ tịch UBND xã Thành Công, cho biết xã đã thống nhất với các đội, các thôn năm 2009 nâng mức thu phí gom rác lên 5,5kg thóc/hộ/6 tháng. Với mức thu này, cộng với số hộ tại chín đội đã “đặt hàng” thu gom hi vọng sẽ nâng mức thu nhập của các bạn lên 50.000-60.000 đồng/ngày công.

Theo Xuân Long - Đình Tú / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.