Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ (kỳ 1)

08/10/2005 21:41 GMT+7

Bác sĩ Thùy Trâm - biểu trưng sức mạnh của một trung đoàn chính quy Trong tôi, hồi ức về chiến tranh trên quê hương, về những năm tháng quân ngũ một thời, về những người bạn bên này bên kia tưởng như đã chết nay bỗng dưng sống lại qua sự kiện bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Khuôn mặt những người đã chết hiển hiện lửng lơ trên đám mây mù ký ức, giờ đây tự nhiên rõ nét như mới gặp ngày hôm qua. Tôi nhớ trung sĩ Phan Văn Đức, trung sĩ Phùng Hoàng Miêng, trung sĩ Nguyễn Văn Hiền, và trung sĩ Nguyễn Thiên Hối. Các bạn tôi là những thông dịch viên Anh ngữ, biệt phái làm việc với Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal (còn gọi Sư đoàn 23 Bộ binh Hoa Kỳ). Từ năm 1967 đến 1969, bốn người bạn ấy đã lần lượt tử trận tại chiến trường Quảng Ngãi.

Tôi càng nhớ đến bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm - lúc trước anh em thông dịch viên chúng tôi quen miệng gọi là Nguyễn Thị Thùy Trâm - của Sư đoàn Sao Vàng, quân chính quy Bắc Việt. Đó là đơn vị đối đầu với Sư đoàn Americal. Đại tá Okral K.Henderson, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 11 có lần chỉ tay lên tấm bản đồ trận liệt treo trên tường của Trung tâm Hành quân Lữ đoàn nói: “Tai họa đến từ khu vực này”.

Báo Anh trích đăng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Theo phóng viên TTXVN tại London, báo Độc Lập (Anh) ngày 7/10 đã trích đăng nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong lời giới thiệu, tác giả Đa-vít Mắc-nên viết: “Đặng Thùy Trâm hy sinh khi mới 27 tuổi tại một bệnh viện dã chiến ở Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Đến nay, gần bốn thập niên đã trôi qua, tập nhật ký của Thùy Trâm mới được xuất bản, đã gây xúc động mạnh mẽ tại Tổ quốc của cô và cả trên đất Mỹ”.

Bên cạnh những đoạn trích đăng từ tập nhật ký của Đặng Thùy Trâm, tác giả còn tóm lược những hành động thắm đượm tinh thần đồng đội, lòng quả cảm, yêu thương, tận tình với thương bệnh binh và đức tính hy sinh cao cả của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Sư đoàn Sao Vàng hoạt động trong khu tam giác Kon Tum - Pleiku - Quảng Ngãi. Bác sĩ Trâm theo chân các chiến sĩ Sao Vàng lần từ vùng núi cao hiểm trở Kon Tum xuống đồng bằng Quảng Ngãi. Và nay tôi mới biết, bác sĩ Trâm đã vĩnh viễn nằm xuống tại miền đất có tên Núi Ấn Sông Trà. Sau hai tháng tác chiến tại khu chiến thuật mới: Đức Phổ - Mộ Đức - Minh Long - Sơn Hà - Trà Bồng (Quảng Ngãi), Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 chỉ mới có dịp đụng độ nhỏ với một số đơn vị chủ lực địa phương. Từ Pleiku nóng bỏng chuyển về Đức Phổ, Quảng Ngãi, các cấp chỉ huy Mỹ đều nhận định đây là một chiến trường yên tĩnh. Ba tiểu đoàn bộ binh: 1/35, 2/35 và 4/31 bắt đầu rảnh tay xây dựng các căn cứ hỏa lực. Bộ Chỉ huy 1/35 chiếm ngự căn cứ Thunder (Phổ Trang), 2/35 chiếm đóng căn cứ Liz (Núi Chóp), 4/31 nằm trên căn cứ Max (Mộ Đức). Các đại đội trực thuộc được trực thăng vận chiếm đóng hình vòng cung tại các căn cứ phụ ở Minh Long, Trà Bồng, Sa Huỳnh. Lúc đó, một trung đoàn của Sư đoàn Sao Vàng di chuyển xuống đối diện với các căn cứ hỏa lực của Mỹ. Quân Bắc Việt (Quân giải phóng - BT) thực hiện các hoạt động quân sự có mục đích đặt Lữ đoàn 11 vào thế bị động. Pháo kích căn cứ Bronco (tức Núi Dàng, một địa danh ghi trong nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm) nơi có BCH Lữ đoàn 11, phục kích các đoàn quân xa tiếp vận từ Quy Nhơn vào Đức Phổ và Chu Lai, cắt mạch giao thông trên quốc lộ 1 hoặc pháo kích các căn cứ hỏa lực phụ, tấn công các tiền đồn quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam (chính quyền Sài Gòn cũ - BT).

Trong bối cảnh đó, gần cuối năm 1967, Hiếu Nguyễn, thông dịch viên của 1/35, có lần khoe với tôi rằng, đại đội trinh sát của 1/35 suýt bắt được một nữ bác sĩ Việt Cộng. Hiếu cho biết, theo tin tình báo do chi khu cung cấp, quân trinh sát đột kích bất ngờ vào một lán trại có trạm quân y của "vi-xi" ở núi Tam Cọp, đông bắc Đức Phổ. "Nhưng do trực thăng làm ầm ĩ nên địch quân rút mất tiêu!" - Hiếu nói - "Tao chút nữa thì ăn đạn AK. Chiến lợi phẩm thu được là một số bông băng máu me và một số tài liệu". Trong mớ tài liệu ấy, ngoài số cập nhật về thương binh địa phương, là báo cáo tình hình hoạt động của Trạm phẫu thuật lưu động do bác sĩ quân y Thùy Trâm điều hành. Hiếu kể như một người mơ ngủ, đặc biệt khi đề cập đến bác sĩ Thùy Trâm. Trong bối cảnh phải đối diện với những căng thẳng và nguy hiểm chờ đợi, với súng đạn, tiếng ồn của trực thăng, pháo binh, thiết giáp, thì hình ảnh một nữ bác sĩ của phía bên kia tựa như một làn gió mát làm dịu không khí nóng của chiến trường. Rồi sau đó, Hiếu nói với tôi, dường như có biết bao lời nhắn nhủ về một lý tưởng qua hình ảnh nữ bác sĩ Thùy Trâm. Sự lựa chọn một con đường đi cho thật đúng dường như đang xoay vòng trong đầu những người thông dịch viên trẻ tuổi chúng tôi.

Tin tức về nữ bác sĩ Việt Cộng được truyền miệng đến tai lính Mỹ. Các bác sĩ quân y của Tiểu đoàn 1 quân y Hoa Kỳ cũng biết. Các phi công trực thăng của Đại đội 174 cũng biết. Quân thiết giáp, pháo binh cũng biết. Ai cũng nghĩ, có bác sĩ phẫu thuật thì lực lượng của đối phương phải ở cấp trung đoàn. Cấp trung đoàn phải thuộc quân Bắc Việt. Quân Sao Vàng đã xuống đồng bằng. Và cấp chỉ huy Mỹ biết rằng thời quần thảo với quân du kích địa phương đã chấm dứt. Với họ, bác sĩ Thùy Trâm là biểu trưng sức mạnh của một trung đoàn chính quy.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Người vẽ chân dung bác sĩ Thùy Trâm giữa chiến trường (xem số báo ra ngày mai 10/10/2005)

Lê Thành Giai
(California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.