Cô gái thổi hồn vào giấy

10/09/2017 20:02 GMT+7

Ngắm những bức tranh bằng giấy xoắn này chắc chẳng ai ngờ người làm ra nó không hề học qua một trường lớp về mỹ thuật nào.

Người phụ nữ ấy không ai khác là chị Hoàng Thị Khánh Đông, đang làm việc tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng.
Những sợi giấy biết nói
Theo tài liệu của Wikipedia, dòng tranh này bắt đầu hình thành sau khi có sự phát minh ra giấy ở Trung Hoa. Dòng tranh dùng sợi giấy nhiều màu sắc đã được cắt thành sợi nhỏ đều nhau, gấp cuộn lại rồi khảm vào các bề mặt vật liệu khác nhau tạo thành bức tranh.

tin liên quan

Lời giải những hot girl Việt đam mê dám xăm hình toàn thân
Một số bạn trẻ, đặc biệt là nữ có một đam mê kỳ lạ: hình xăm nghệ thuật. Nhiều cô gái nóng bỏng đã phải năn nỉ thuyết phục mẹ cha cho đam mê vẻ ngoài 'kì dị' này. Họ bị dị nghị và xăm xoi thế nào với những hình xăm chi chít toàn thân?
Chị Khánh Đông tiết lộ về quá trình bén duyên với nghệ thuật biến giấy thành tranh: “Khoảng đầu năm 2017, một lần tôi vô tình đọc trên mạng và bị nghệ thuật giấy xoắn thu hút khi nhìn thấy một nghệ sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo hình những bức tranh độc đáo và lạ mắt từ những sợi giấy nhỏ đủ màu sắc. Tôi muốn thử sức trong lĩnh vực không phải sở trường, nhưng thật không ngờ đam mê giấy xoắn đến với tôi lúc nào không biết”.
Cô gái thổi hồn vào giấy1
Cô gái thổi hồn vào giấy2
Theo chị để tạo nên một bức tranh giấy xoắn, người làm không chỉ có niềm đam mê hay sự tỉ mỉ mà còn phải có ý tưởng và biết cách phác thảo nội dung của bức tranh. “Đầu tiên cần phác thảo các ý tưởng qua phần mềm đồ họa để có thể lựa chọn các màu sắc phù hợp. Tiếp theo đó là nắm rõ kỹ thuật cuốn giấy. Có rất nhiều cách cuốn giấy: cuốn tròn chặt, cuốn hình lá, tròn bung, giọt nước, bán nguyệt … với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau. Cuối cùng là khảm lên bề mặt để tạo thành bức tranh”.
Tâm sự về môn nghệ thuật mà mình đang theo đuổi, chị Khánh Đông nói: “Mọi thứ bạn tạo ra đều có thể trở thành nghệ thuật. Tôi cũng mới học hỏi và bắt đầu tạo ra những sản phẩm giấy xoắn được khoảng 7 tháng nay. Bạn hãy tin rằng những gì bạn làm ra sẽ được mọi người ủng hộ và đó không chỉ là cảm giác thỏa mãn khi được làm thứ mình thích, mà còn thật vui và tự hào khi mọi người yêu thích sản phẩm đẹp và “độc” do chính tay mình làm. Với tôi, chỉ cần nhìn những sợi giấy đủ màu sắc là lóe lên ý tưởng để làm một cái gì đó…”
Cô gái thổi hồn vào giấy3
“Tôi bị hấp dẫn bởi những sợi giấy vô tri”
Làm tranh giấy xoắn đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian, để có được những tác phẩm tranh giấy xoắn được nhiều người yêu thích như ngày hôm nay, chị Khánh Đông đã từng bỏ cuộc khi cố hoàn thành một bức tranh.
Chị tâm sự: “Khi ấy, tôi bỏ cuộc vì chưa đủ kỹ năng để thể hiện ý tưởng của mình. Để vượt qua khó khăn ban đầu, tôi liên tục tìm tòi học hỏi nghệ thuật cuốn giấy trên mạng, tìm cách thể hiện ý tưởng, dùng kỹ thuật và phong cách riêng biến chúng thành những tác phẩm của riêng mình”.
Cô gái thổi hồn vào giấy6
Chia sẻ về niềm đam mê tranh giấy xoắn, chị Khánh Đông cho rằng: “Điều hấp dẫn nhất đối với tôi là tính bất ngờ của những sợi giấy vô tri mong manh hòa quyện vào nhau, đan xen nhau tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa. Thật sự những sợi giấy này hoàn toàn biết nói khi ta thổi hồn vào nó. Tôi chưa từng học qua lớp dạy mỹ thuật nào nên để có một bức tranh phối màu hài hòa, tôi thường nhờ ông xã mình tư vấn vì anh ấy là kiến trúc sư. Anh còn là người đã luôn luôn động viên giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc thể hiện các ý tưởng qua phần mềm đồ họa”.
Cô gái thổi hồn vào giấy5
Chị Khánh Đông cho biết một bức tranh giấy xoắn được gọi là đẹp phải dựa trên những tiêu chuẩn: “Ý tưởng, nội dung và hình thức nghệ thuật phải tương trợ lẫn nhau. Ý tưởng thì thường tìm cảm hứng từ những hình ảnh xung quanh cuộc sống hoặc tham khảo các mẫu trên mạng. Còn nội dung là thông điệp có tính tình cảm của tác giả. Và hình thức nghệ thuật bao gồm bố cục, màu sắc, cách cuốn giấy”.
Cô gái thổi hồn vào giấy4
Từ giấy thành trang sức làm đẹp
Ngoài tranh giấy xoắn, chị Khánh Đông còn biến những sợi giấy vô tri thành những món trang sức như dây chuyền, bông tai… dành cho phái đẹp.
Để tạo ra sự cứng cáp cho những món trang sức, chị Đông cuốn giấy theo các cách khác nhau như cuốn đặc, cuốn tròn mở, tròn bung, bán nguyệt, hình lá, giọt nước… và ghép những phần nhỏ với nhau theo dạng kết cấu hỗ trợ thành một khối thống nhất theo ý tưởng của mình. Cách này vừa tạo được độ cứng của sản phẩm nhưng không mất đi vẻ đẹp nhẹ nhàng của những sợi giấy.
Mặc dù nhìn thoáng qua thì kỹ thuật làm tranh hoàn toàn không có sự khác biệt với làm trang sức. Nhưng thực tế, để ghép các phần nhỏ giấy cuốn thành trang sức thì cần độ khó cao hơn mới có thể tạo độ cứng cho sản phẩm.
“Người ta nghĩ giấy mỏng manh nên khó có thể trở thành một trong những món trang sức. Thế nhưng, tôi thích làm trang sức không thua gì tranh bởi tôi muốn tạo ra nhiều sản phẩm giúp cho phái đẹp ngày càng đẹp hơn”, chị Khánh Đông chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.