Cô gái trẻ làm dâu xứ Ba Tư: Mẹ chồng bắt cầu nguyện mỗi ngày

Phạm Hữu
Phạm Hữu
11/09/2020 19:23 GMT+7

Ngoài chuyện mẹ chồng bắt cầu nguyện mỗi ngày, cô dâu Việt - Đỗ Lệnh Hoài Anh - cảm thấy cuộc sống mẹ chồng nàng dâu xứ Ba Tư không căng thẳng, khắt khe như nhiều người vẫn nghĩ, mà còn ngược lại...

Phải duyên với xứ Ba Tư

5 năm trước, sau khi vừa tốt nghiệp đại học, một cô gái trẻ người Việt đến đất nước Iran bằng sự hy hữu. Đó là Đỗ Lệnh Hoài Anh (26 tuổi) cô gái sinh ra và lớn lên tại TP.HCM.
Một lần vô tình biết đến chương trình học bổng toàn phần dành cho du học sinh tại Iran. Hoài Anh tham gia đăng ký thử cho vui. Nhưng không ngờ quyết định đó đã thay đổi cuộc đời cô theo một hướng hoàn toàn khác .

Đỗ Lệnh Hoài Anh (ở giữa) thời còn du học ở Iran

Bén duyên với Iran, Hoài Anh đến đất nước này trong tâm trạng lo lắng vì quá mới mẻ. Nhưng sau vài tháng sống tại Iran, Hoài Anh hoàn toàn thay đổi suy nghĩ, và bị chinh phục bởi đất nước xinh đẹp và con người nơi đây.
Tuy nhiên, điều thay đổi lớn nhất của Hoài Anh là gặp được bạn trai và là chồng hiện tại. Anh là Amir Hossein (30 tuổi), hiện điều hành một công ty lữ hành du lịch tại Iran và phát triển kinh doanh, xuất nhập khẩu. Cô quen bạn trai tình cờ qua một người bạn trong một lần đi leo núi.
“Iran là một quốc gia có quan niệm và thuần phong mỹ tục khá nghiêm túc, chặt chẽ, việc nam nữ tìm hiểu, quen biết cũng rất khó khăn. Và chúng tôi cũng không nằm ngoài điều đó”, Hoài Anh kể.

Đỗ Lệnh Hoài Anh cùng chồng Amir Hossein trong buổi lễ kết hôn

Thời gian đầu do chưa học nhiều tiếng Ba Tư, Hoài Anh và chồng giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Bạn trai cũng kiêm luôn thầy giáo dạy tiếng Ba Tư ngoài thời gian Hoài Anh học ở lớp. Nhờ vậy tình cảm của 2 người càng tiến triển. Thế là một đám cưới ấm cúng giữa cô dâu Việt và chú rể Iran đã diễn ra.
Chuyện mẹ chồng nàng dâu
Hoài Anh chia sẻ về gia đình chồng, đặc biệt là bố mẹ chồng cực kỳ thương yêu cô. Khoảnh khắc Hoài Anh xúc động nhất là khi vợ chồng trao nhẫn cưới cho nhau trong lễ kết hôn. Dưới sự chúc mừng của đầy đủ đại gia đình nhà chồng, Hoài Anh cảm thấy mình như được đón nhận, hoà nhập hoàn toàn với nền văn hoá ở Iran.

Một trong những nghi thức của lễ kết hôn ở Iran. Cả 2 phải viết lời thề vào một quyển sổ dưới sự chứng kiến của một giáo sĩ

“Sau lễ cưới, mẹ chồng nắm tay tôi nói cảm ơn con đã trở thành con gái của mẹ. Mẹ chồng tôi là một phụ nữ nghiêm chỉnh chấp hành đạo giáo, nhưng lại cực kỳ cởi mở với tôi. Bà ấy tôn trọng cả hai nền văn hoá. Bà chăm sóc và yêu thương tôi như hai người con gái của bà. Tôi sống xa nhà thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình, bà hiểu điều đó và không hề có sự xa cách, phân biệt trong cách đối xử với con dâu - con gái”, Hoài Anh nói.
Những ngày đầu làm dâu xứ người, Hoài Anh nhận thấy người Iran sống thiên về gia đình, có dịp là họ hàng hội họp đông đủ. Những cô, dì, chị em của mẹ chồng luôn coi Hoài Anh như con gái. Dịp lễ ở Iran phụ nữ sẽ lo nấu nướng, bưng trà nhưng vì được cưng nên không ai buộc Hoài Anh phải làm những việc đó. Chỉ khác biệt là mẹ chồng luôn bắt con dâu mỗi ngày phải cầu nguyện theo đúng nghi thức của người đạo hồi. Hoài Anh được mẹ chồng dạy về nếp văn hoá gia đình, cách nấu ăn, phong tục ngày tết của của người Iran. Giờ đây, sau 5 năm sinh sống và 2 năm lấy chồng, Hoài Anh đã thuần thục chuyện làm dâu xứ người.

Gia đình chồng của hoài Anh ở Iran

Sau khi cưới, Hoài Anh và chồng dọn ra ở riêng. Một tuần mới về thăm mẹ chồng một lần. “Làm dâu ở một đất nước như Iran thì tôi không nghĩ mình mạnh mẽ hay giỏi gì đâu. Chỉ vì tôi thấy thích đất nước này nên quyết định sang tu nghiệp, và vợ chồng tôi gặp nhau cũng là cái duyên”, Hoài Anh, nàng dâu ở xứ Ba Tư, nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.