Đó là Hoàng Thị Minh Hồng, một trong 12 lãnh đạo dân sự từ 12 quốc gia tham gia Chương trình Học giả Quỹ Obama (Obama Foundation Scholars Program) khóa đầu tiên tại ĐH Columbia, New York (Mỹ). Chị Hồng dành cho Báo Thanh Niên cuộc trao đổi nhân sự kiện này.
Kể chuyện để lôi kéo mọi người cùng hành động
|
Khi mọi người chia sẻ cho tôi link bài báo trên CNBC (ngày 30.12.2018), tôi mới biết cựu Tổng thống Obama nhắc tới mình trong dòng trạng thái của ông trên Twitter. Tôi vào xem và thật sự bất ngờ, không nén được tâm trạng phấn khích và tự hào. Lúc đó là gần 12 giờ đêm ngày 31.12.2018, tôi hào hứng quá khoe ngay với ông xã và cậu con trai đang ở cùng tôi tại New York. Thật là một cái tin tuyệt vời trong đêm giao thừa bước sang năm 2019.
Trong thời gian học ở Mỹ, chị có nhiều lần được gặp ông Obama? Cảm nhận của chị về ông như thế nào?
Tôi có 2 lần được nói chuyện cùng cựu Tổng thống Obama. Lần đầu là khi cả 2 nhóm học giả của Trường Columbia và Trường Chicago tập trung học tập cùng nhau trong vòng một tuần ở Chicago vào tháng 8.
Ông Obama đã xuất hiện không báo trước, chúng tôi rất bất ngờ và thích thú khi ông thình lình bước vào lớp và “Hello” một cách vui vẻ. Ông đã có những chia sẻ thân tình, truyền cảm hứng, kêu gọi các học giả tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội để thế giới có một tương lai tươi sáng hơn. Ông ấy rất thân thiện và thông minh với cách nói chuyện hết sức truyền cảm và hóm hỉnh. Ấn tượng nhất là có lúc ông ấy còn nhắc đến tên tôi, “cô Hồng ở VN”.
Ông nói một điều rất giống với suy nghĩ của tôi: “Chúng ta muốn “thay đổi thế giới” thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động”.
Lần thứ 2 là tại hội nghị thượng đỉnh hằng năm của Quỹ Obama tại Chicago. Hội nghị này có tới 700 người tham dự, tôi cùng 3 người nữa được nói chuyện cùng ông Obama, ông vẫn nhớ tôi. Ông chào hỏi chúng tôi hồ hởi và thân mật. Ông hỏi riêng tôi về thời gian ở New York và học ở Trường Columbia thế nào, nhóm học giả đã làm gì cùng nhau, có kế hoạch gì mới chưa. Ông cũng chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch xây dựng Trung tâm Tổng thống Obama tại Chicago...
2 dự án cho giới trẻ và doanh nghiệp
|
Khác với việc tuyển chọn cho nhóm học giả ở Trường Chicago là tuyển chọn mở, việc tuyển chọn 12 học giả ở Trường Columbia (1 trong 8 trường ĐH xuất sắc nhất nước Mỹ) lại dựa vào các đề cử. Một tổ chức về khí hậu uy tín ở Mỹ cùng với Tổ chức 350.org toàn cầu đề cử tôi. Quỹ Obama và Trường Columbia đã lựa chọn vài trăm người từ hàng ngàn đề cử từ khắp thế giới để vào tới vòng nộp đơn bằng bài viết, thử thách với nhiều câu hỏi. Tôi thấy mình được vào tới vòng phỏng vấn, sau đó tôi nghĩ chắc là mình rất may mắn nên đã được chọn.
Một số trong những điều chị thích nhất ở chương trình học?
|
Tôi được tham gia vào dự án ACToday, dự án của Trường Columbia về biến đổi khí hậu được thực hiện tại một số quốc gia ở châu Á và Mỹ Latin, trong đó có VN; được mời đứng lớp ở Trường Columbia dành cho sinh viên năm cuối và cao học, nói về vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu…
11 học giả còn lại cũng rất xuất sắc, chắc chắn chị đã học được nhiều điều từ họ?
Tất cả họ đều rất giỏi. Có những người điều hành tổ chức với ngân sách hoạt động nhiều triệu USD mỗi năm, trong khi những người khác chỉ có ngân sách vài chục ngàn USD. Tôi rất khâm phục những bạn từ Colombia, Cameroon, những người mà từ khi thành lập tổ chức đến nay vẫn chỉ hoạt động với ngân sách cực kỳ eo hẹp, sống dựa hoàn toàn vào các tình nguyện viên và sự chia sẻ nguồn lực từ cộng đồng mà đã tạo nên những tác động rất lớn, giúp đỡ hàng ngàn người tại những khu vực hẻo lánh... Tôi đã được các bạn truyền cảm hứng rất nhiều và chắc chắn nó giúp tôi rất nhiều khi trở lại VN cống hiến.
Chị có dự định gì để áp dụng những kiến thức học được khi trở về VN?
Tôi vẫn đang trong quá trình hình thành ý tưởng cho một kế hoạch “tham vọng” để mang về VN. Sẽ có hai dự án với hai đối tượng là giới trẻ và cộng đồng doanh nghiệp, để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường trong nước. Tôi sẽ bàn với Trường Columbia và Quỹ Obama để nhận được sự hỗ trợ cho ý tưởng dự án này và sẽ cố gắng kết nối các nguồn lực ở đây để hỗ trợ việc thực hiện dự án tại VN.
Người trẻ sẽ giải quyết các vấn đề về môi trường
Người ta tò mò chị Hồng ở ngoài đời như thế nào, một bà nội trợ rất dị ứng túi ni lông và luôn tiên phong sống xanh?
|
Vâng, tôi đi chợ luôn từ chối túi ni lông, mà mang theo túi lớn từ nhà và lỉnh kỉnh đủ thứ hộp để đựng thịt cá, nhiều bà ở chợ cứ thấy tôi vừa đi khỏi là cười ầm, chắc nghĩ tôi “hâm”. Trong tủ lạnh nhà tôi đủ các hộp thủy tinh, hộp nhựa, túi silicon vừa đẹp mà lại đựng đồ ăn rất an toàn. Bạn bè tôi dần dần cũng học theo thói quen của tôi.
Là người phụ nữ Việt truyền cảm hứng cho ông Obama, nhưng chị cũng đang truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ VN đam mê hoạt động lĩnh vực liên quan môi trường, khí hậu...
Tôi luôn nghĩ Tổ chức CHANGE của tôi được như ngày hôm nay là nhờ các bạn trẻ. Có nhiều người nhận xét, người trẻ thường hời hợt, hoặc ít nghĩ sâu xa, chỉ thích chạy theo các sở thích ngắn hạn, hay nhảy việc, tham gia hoạt động xã hội chỉ là theo phong trào, nên được một mùa là bỏ cuộc. Điều đó chỉ đúng một phần. Tôi tin người trẻ sẽ chính là những người giải quyết các vấn đề về môi trường, hay nhiều vấn đề xã hội khác của VN hiện nay, nếu các bạn ấy được truyền đủ cảm hứng và có được một số sự hỗ trợ nhất định của người lớn. Tôi luôn tự hào mình đã “chiêu dụ” được vào đội của mình những bạn trẻ thật sự đam mê, tâm huyết, muốn được làm điều gì đó có ích cho cộng đồng, dù điều đó có nghĩa là các bạn phải nhận về mình những thiệt thòi nhất định.
Việc kêu gọi bảo vệ môi trường ở VN chưa bao giờ là một việc làm dễ dàng, chị muốn nói gì với các bạn trẻ?
Người trẻ VN rất sáng tạo để xây dựng các dự án có tính thực tế, lan tỏa, bền vững, có thể thu hút sự tham gia của cộng đồng nhiều nhất. Thật mừng khi mỗi ngày, tôi thấy càng nhiều bạn trẻ tham gia các dự án phi lợi nhuận. Các bạn có nhiều kiến thức hơn, biết cách tự học hỏi, tự xây dựng mạng lưới, tận dụng mạng xã hội và công nghệ để làm các dự án xã hội mà mình tâm huyết được hiệu quả hơn. Tôi rất mong các bạn trẻ ngày càng biết tìm ra và theo đuổi đam mê của mình, đừng đặt ra các giới hạn cho chính mình. Ví dụ như đừng bao giờ nghĩ là Chương trình Học giả Obama thì “không đến lượt mình” chẳng hạn…
Đam mê hoạt động xã hội, nhưng cũng là người phụ nữ của gia đình, chồng chị và con trai đã chia sẻ với chị như thế nào?
Tôi rất may mắn là ông xã tuy không hoạt động trong lĩnh vực xã hội, nhưng lại rất ủng hộ tôi làm những việc “bao đồng”. Tôi nghĩ chắc cũng hiếm ông chồng VN nào chấp nhận ở nhà trông con để vợ đi sớm về khuya, đi công tác xa nhà xoành xoạch như vậy. Riêng việc tham gia chương trình học giả này, lúc đầu tôi còn định không nộp đơn vì thấy đi lâu thế làm sao hai bố con xoay xở được, nhưng chính anh ấy đã khuyến khích tôi nộp đơn và khẳng định sẽ chăm sóc con tốt để tôi yên tâm đi học. “Đây là một cơ hội quá tuyệt vời không nên bỏ lỡ”, anh ấy nói.
Người VN đầu tiên tới Nam cực
Chị Hoàng Thị Minh Hồng, sinh năm 1972 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, sáng lập và Giám đốc Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường tại TP.HCM.
Chị được climateheroes.org công nhận là “Anh hùng khí hậu” bởi có nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu do giới trẻ điều hành tại VN. Năm 1997, chị là người VN đầu tiên tới Nam cực, trong chuyến thám hiểm quốc tế do LHQ tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới về vấn đề nóng lên toàn cầu. Cùng năm, chị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, chị quay lại Nam cực lần thứ hai với tư cách Trưởng đoàn VN trong chuyến Thám hiểm hiệp ước quốc tế về Nam cực do Tổ chức 2041 thực hiện.
Chị đã có 3 năm làm điều phối viên của 350.org Đông Á/Đông Nam Á, 7 năm làm Giám đốc truyền thông của WWF Khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng.
|
Sôi sục ngọn lửa đam mê“Ở chị Hoàng Thị Minh Hồng lúc nào người ta cũng thấy sôi sục ngọn lửa đam mê với các hoạt động môi trường. Chị là đại diện tiêu biểu cho việc truyền cảm hứng đến các bạn trẻ và kêu gọi họ dấn thân tham gia cùng chị trong các chiến dịch về môi trường”.
Nguyễn Trần Tùng (Giám đốc truyền thông Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế WildAid tại VN)
Người truyền cảm hứng mạnh mẽ“Chị Hồng và CHANGE đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới tôi. Chắc chắn những điều tử tế mà chị Hồng và mọi người đang tạo dựng sẽ dần dần lan tỏa tới trái tim của tất cả mọi người, để cuộc sống quanh chúng ta ngày một tốt đẹp hơn”.
Nghệ sĩ Diễm My 9X
Chị ấy khá là “crazy”“Tôi chưa gặp người nào như chị Hồng, một người nói là sẽ làm, rất rõ ràng, biết là mình yêu cái gì, phải có trách nhiệm với công việc và đam mê của mình mà không có điều gì khiến cho chị ấy sợ hãi. Tôi thấy chị ấy khá là “crazy”. Một người không làm vì tiền mà làm vì xã hội, rất hiếm có. Chị ấy hoàn toàn xứng đáng với sự trân trọng, ngưỡng mộ mà ông Obama hay bất cứ ai dành cho chị”.
Nghệ sĩ Thanh Bùi
|
Bình luận (0)