Công nhân ăn uống tồi tàn

28/03/2009 22:51 GMT+7

Mỗi suất ăn “được công bố” tại các doanh nghiệp dành cho công nhân, theo thời giá hiện nay đại đa số đã là dưới 10.000 đồng. Nhưng trên thực tế không tưởng tượng nổi, nguồn thực phẩm đưa vào bụng người lao động mỗi bữa thậm chí chỉ còn khoảng 3.000 đồng!

Tại buổi giám sát tình hình bữa ăn công nhân và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM hôm 25.3 vừa rồi, nhiều đại biểu HĐND TP đã không thể kềm được bức xúc của mình khi chứng kiến một thực tế hết sức đáng lo ngại cho sức khỏe của công nhân.

Theo báo cáo của Phó ban Quản lý KCX-KCN TP Lâm Văn Tiếp, hiện tổng số công nhân làm việc trong 900 công ty, doanh nghiệp thuộc các KCX - KCN trên địa bàn TP là 244.579 người, nhưng chỉ có 185 đơn vị có bếp ăn dành cho công nhân. Và cũng chỉ có 112 (trong số 185 bếp ăn) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. 73 bếp ăn tại các đơn vị còn lại (chiếm tỷ lệ gần 40%) không đạt tiêu chuẩn theo quy định. “Nếu vì người lao động, thì cơ quan chức năng cần phải đóng cửa ngay những bếp ăn của các công ty không đạt chuẩn”, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Văn Minh bức xúc.

“Mê hồn trận” suất ăn!

  Chúng tôi rất xót xa khi thấy công nhân ăn uống kham khổ nhưng không thể can thiệp, xử lý được mà chỉ nhắc nhở các chủ doanh nghiệp thôi!

Phó ban Quản lý KCX - KCN TP
Lâm Văn Tiếp

Ông Tiếp cho biết: “Mỗi suất ăn mà các công ty, doanh nghiệp dành cho công nhân có giá mua trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, giá này đã bao gồm nhiều loại chi phí khác, nếu trừ đi thì giá trị thực của mỗi suất ăn dành cho công nhân chỉ ngoài 5.000 đồng. Chỉ có khoảng 40-50 trong số 900 công ty, doanh nghiệp có suất ăn trên 10.000 đồng, còn lại đa số là giá dưới 10.000 đồng/suất ăn”.

Ông Tiếp chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất xót xa khi thấy công nhân ăn uống kham khổ. Nói đi thì cũng phải nói lại, chính nhờ những cuộc đình công diễn ra gần đây mà bữa ăn cho công nhân có phần khá hơn, chứ trước kia thì tồi tàn lắm. Nhưng chuyện này chúng tôi không can thiệp, không xử lý được mà chỉ có thể nhắc nhở doanh nghiệp thôi”.

Thực tế theo ghi nhận của PV Thanh Niên, suất ăn “thực” dành cho công nhân còn “bèo” hơn nữa. Anh D., một nhà chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các KCX - KCN tại TP, tiết lộ: “Bình quân, giá mỗi suất ăn hiện tại là 8.000 - 10.000 đồng. Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng lao động đưa ra mức giá suất ăn rất thấp, có nhiều công ty, cả công ty nước ngoài nữa, chỉ đưa ra giá 5.000 đồng. Giá này bao gồm nhiều khoản, từ phí bảo hiểm, phí nhân viên phục vụ, huê hồng... và cả khoản nhà cung cấp suất ăn đã có lời trong đó. Tính bình quân, giá trị thực của mỗi suất ăn chỉ bằng 60-70% giá suất ăn công bố như nói trên. Vì thế, nếu công ty đưa giá 5.000 đồng/suất ăn, điều đó có nghĩa giá trị thực của nó chỉ ngoài 3.000 đồng. Rẻ như vậy nhưng nhiều cơ sở cung cấp suất ăn dạng gia đình, nhỏ lẻ... vẫn nhận tuốt”. Và để đáp ứng được giá đó, họ tìm mua nguồn thực phẩm không tốt, không tươi, hàng chợ chiều giá cực rẻ.

 Thực phẩm kém chất lượng là nguyên nhân khiến công nhân bị ngộ độc tập thể - Ảnh: T.Tùng

Ông V., bản thân làm việc tại một đơn vị chuyên cung cấp suất sẵn công nghiệp ở TP, cũng không “nhịn” được bức xúc: “Chính tôi cũng thấy tội nghiệp công nhân, cũng bức xúc, nhiều lần định viết bài gửi đăng báo. Một số nhà cung cấp suất ăn do cần khách, họ đã gật đầu với giá rẻ từ phía công ty sử dụng lao động đưa ra. Nhưng, để đáp ứng mức giá rất thấp ấy họ đi tìm mua thực phẩm giá rẻ, hàng loại 2 - kém chất lượng, và loại 3 - hàng dạt ở các chợ. Nguyên liệu thực phẩm loại 3 có giá chỉ bằng nửa, thậm chí thấp hơn nữa so với hàng tươi ngon”, ông V. nói.

Trong khi đó theo giới làm suất ăn công nghiệp, để công nhân lao động đủ sức làm việc, với thời giá hiện nay, suất ăn dành cho họ phải từ 15.000 đồng/suất trở lên.

Hậu quả trước mắt và di chứng lâu dài

Theo anh D. - nhà chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, thì: Nếu suất ăn có giá trị thực chi ngoài 3.000 đồng nhưng phải đủ 4 món (cơm, canh, mặn, xào) thì trong đó tiền cơm trắng độ 1.000 đồng, hơn 2.000 đồng còn lại là phần cho thức ăn mặn, món xào và canh. Do vậy, thức ăn mặn (thịt, cá) rất ít, canh thì chỉ có rau và bột nêm, món xào thường là bầu, bí, đậu que…

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Lê Kim Huệ, Trưởng phòng Truyền thông - Đào tạo (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) phân tích: “Chế độ dinh dưỡng được cung cấp theo từng nhu cầu người lao động:  lao động nhẹ; lao động vừa và lao động nặng. Công nhân làm việc trong các nhà máy được xếp vào nhóm lao nặng và mức calorie cần cho họ là từ 1.900 - 2.300 Kcal/ngày. Phần lớn công nhân có thu nhập thấp, điều kiện ăn uống thiếu thốn, buổi sáng đến xưởng làm, nhiều công nhân chỉ ăn gói xôi. Nếu bữa ăn tại nơi làm việc lại không đảm bảo dinh dưỡng nữa thì sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu đạm, thiếu can-xi, loãng xương... lâu dài dễ dẫn đến mắc các bệnh tật khác về sau, đặc biệt nữ công nhân khi mang thai, có con, con của họ sinh ra cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đây là hậu quả lớn không chỉ cho công nhân, mà cho cả xã hội”.

Cán bộ phụ trách ATVSTP phía Nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, bác sĩ Trần Văn Ký, cũng đánh giá: “Chính những nguồn nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo mà các nhà cung cấp suất ăn thu gom để đáp ứng yêu cầu về giá của các công ty đưa ra là yếu tố gây ra ngộ độc thường xuyên cho công nhân. Đó là ngộ độc cấp tính, còn ngộ độc mãn tính do thực phẩm kém chất lượng được ngâm tẩm hóa chất gây ra thì không thấy ngay được trước mắt mà để lại hậu quả về sau. Suất ăn có giá quá thấp như thế không thể đảm bảo dinh dưỡng, cơ thể sẽ thiếu vitamin, khoáng chất, thiếu đạm... gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần của công nhân và cả con cái của họ. Phần lớn, công nhân sau ngày làm việc, bữa ăn tối ở nhà cũng không đầy đủ, nên không thể bù lại việc thiếu hụt của bữa ăn nơi làm việc”.

Bác sĩ L., một chuyên gia từng tham gia tuyên truyền về kiến thức dinh dưỡng cho công nhân tại các KCX-KCN trên địa bàn TP, cũng chia sẻ thêm: “Tội nghiệp công nhân lắm, ăn uống đã thiếu thốn, nhiều nơi chỗ ăn dành cho công nhân không được quan tâm nên họ phải ngồi ăn uống nơi oi bức. Các đơn vị sử dụng lao động cần thấy rằng, nếu công nhân không được ăn uống đầy đủ thì năng suất lao động sẽ rất thấp, khi đó doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng”.

Trong năm 2008 đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tại các KCX - KCN trên địa bàn TP.HCM, khiến 644 người phải vào bệnh viện cấp cứu. Qua kiểm tra 83 doanh nghiệp (có bếp ăn tại chỗ, và nhận suất ăn từ ngoài đưa vào), cơ quan chức năng phát hiện phần nhiều là sử dụng chất phụ gia cấm; dụng cụ gắp, chứa thức ăn không đảm bảo vệ sinh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.