"Bứt sô" sau 11 năm bám trụ
Những ngày này, Mai (30 tuổi, quê ở Quảng Trị, công nhân may Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) đang chờ công ty giải quyết các chế độ nghỉ việc trước khi khăn gói về quê. Mai tâm sự: cô làm việc ở TP.HCM đã được11 năm. Dè xẻn từ đồng lương công nhân, Mai đã gửi tiền về giúp người thân trong một thời gian dài. Đặc biệt, Mai đã "cứu" được đứa em không phải bỏ học giữa chừng. Còn Mai, sau những tháng năm vắt kiệt sức lao động, cô sụt mấy kg, lại mắc chứng đau lưng kinh niên. Số tiền tiết kiệm ít ỏi càng ngày càng bị "teo tóp" do vật giá leo thang chóng mặt. Trong khi đó, bà mẹ già của Mai ngoài quê không có ai chăm sóc, cứ giục Mai về...
Tối 17.5, trong một con hẻm gồm toàn phòng trọ dành cho công nhân thuê thuộc khu phố 4, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi gặp hai cô công nhân Kiều Oanh và Thanh Thúy (quê Quảng Nam) mới đi làm về. Thanh Thúy - công nhân in ép hàng may mặc xuất khẩu Công ty D. (Khu chế xuất Linh Trung I) và là chi hội trưởng chi hội thanh niên nhà trọ khu phố 4 - xác nhận: "Trong xưởng tôi, một số người đã bỏ việc về quê. Lý do là ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ trong khi đồng lương chưa tương xứng. Về quê dễ sống hơn, rau cháo qua ngày...". Kiều Oanh, công nhân công ty chuyên làm thú nhồi bông D.N góp chuyện: "Thời gian gần đây, có nhiều người trong công ty tôi nghỉ việc. Mấy tháng trước, một xưởng nhỏ bị giải thể và nhập chung vào xưởng lớn. Nhưng đến nay, hơn 50% công nhân ở xưởng lớn cũng đã bỏ việc...".
Doanh nghiệp tung "chiêu"
6 giờ chiều chủ nhật, Nam (quê Lạng Sơn, công nhân ngành mộc trong Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) quày quả đạp xe về nhà trọ sau những giờ tăng ca. Chợt trông thấy một băng-rôn đỏ chót mới treo bên phải cổng chính khu công nghiệp, Nam vòng xe lại, đọc chăm chú. Bên dưới dòng chữ in đậm "Công ty L. có vốn 100% nước ngoài" là những nội dung hấp dẫn: "Do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty cần tuyển nhân viên với số lượng không hạn chế... Môi trường làm việc tốt, có hệ thống điều hòa thoáng mát, nguồn hàng phong phú quanh năm, thu nhập cao, công ty bao cơm...". Khi tôi hỏi Nam có ý định chuyển sang công ty L. làm không, Nam dè dặt: "Thực sự là em đang muốn tìm một chỗ làm mới hoặc bí lắm là rút về quê. Thu nhập bình quân của em chỉ được 1,1 triệu đồng/tháng. Tháng nào tăng ca thêm 40 tiếng mới được 1,5 triệu đồng...".
Tuy nhiên, theo Nam, trước khi chuyển chỗ làm, bạn sẽ phải tìm hiểu kỹ để khỏi rơi vào cảnh "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa" như những lần trước. Nam phản ánh: "Bây giờ, nhiều công ty rao tuyển dụng đọc thấy... choáng! Nhưng lúc đến phỏng vấn trực tiếp và nhất là khi bắt tay vào làm việc, mới biết họ nói một đằng, thực hiện một nẻo, mình có kêu ca gì thì chuyện cũng đã rồi!". Trên thực tế, do thu nhập thấp nên không ít công nhân sẵn sàng nhảy việc sau khi nghe công ty khác trả mức lương cao hơn, dù có khi chỉ cao hơn 30 ngàn đồng/tháng. Để rồi, có những người bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: họ phải nhận mức lương dành cho những người thử việc trong thời gian đầu nên đâm nản, lại đi tìm chỗ khác...
Trưởng phòng việc làm Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM Nguyễn Văn Sang nói: "Do ảnh hưởng của bão giá, việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn. Có những ngành nghề trước đây rất "hút" công nhân nhưng nay tìm đỏ con mắt cũng không đủ chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp". Theo anh Sang, mức thu nhập tối thiểu của người lao động hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng mới có thể trang trải cuộc sống. Thế nhưng, có những doanh nghiệp vẫn duy trì mức lương 1 - 1,2 triệu đồng/tháng nên chẳng mấy ai mặn mà. Anh Nguyễn Viết Phương, phụ trách nhân sự Công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản - Incomfish, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP.HCM cho biết: Hiện Incomfish đang thiếu hụt khoảng 10-15% công nhân (trên tổng số 800 nhân công). Trước tình hình khan hiếm nhân công, Incomfish tăng cường phối hợp với một số tỉnh thành, nhất là những tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi để tuyển dụng lao động.
Mặt khác, công ty này còn ký hợp đồng với chủ nhà trọ, "bao tiêu" chỗ ở cho công nhân. Mỗi tháng, Incomfish thanh toán gần 100 triệu đồng tiền trọ cho người lao động (174 phòng). Ngoài ra, công ty này còn hỗ trợ công nhân tiền ăn sáng... Mặc dù có nhiều "chiêu độc" như vậy, song cán bộ tuyển dụng của công ty này cũng không dám khẳng định sẽ nhanh chóng bù đắp đủ số công nhân đã ra đi.
Như Lịch
Bình luận (0)