Câu chuyện bắt đầu từ ba người Việt là các anh Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long. Họ sống ở những nơi rất xa nhau: Úc, New Zealand và Mỹ. Vào ngày 11.3, sau khi phát hiện Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) phát hành một loạt bản đồ, trong đó viết tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam theo tên "Tây Sa" của Trung Quốc kèm thêm chữ "Trung Quốc" bên dưới. Cách ghi này hiển nhiên làm cho người xem bản đồ hiểu rằng quần đảo này thuộc Trung Quốc, một điều sai sự thật.
Từ ba quốc gia, những người con Việt đầy trách nhiệm với chủ quyền đất nước đã thảo thư phản đối gửi tới NGS đồng thời gửi thông báo tới hàng loạt cơ quan báo chí và cơ quan chính quyền tại Việt Nam. Với một cái nhấp chuột vào nút "gửi đi", thông tin đã được truyền đi khắp nơi trên thế giới.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ nhóm của anh Nguyễn Hùng, Báo Thanh Niên đã hồi đáp rằng "chúng tôi sẽ lên tiếng" và từ đó trở về sau luôn giữ liên lạc với nhóm phát hiện. Tiếp đó, nếu như bài báo Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa đã khởi động một "chiến dịch" trên báo chí thì trên mạng, những người con Việt khắp nơi cũng khởi động một "chiến dịch" ồ ạt để phản đối việc làm sai trái của NGS.
Từ blog cá nhân đến diễn đàn, các công dân mạng thông báo cho nhau những tin tức mới nhất, hướng dẫn cách thức phản đối. Trong chốc lát, hàng loạt ý kiến phê phán NGS cũng như nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được chuyển đi, từ châu Á tới châu Úc, từ châu Mỹ tới châu u. Các hình thức phản đối bằng ký tên vào thư kiến nghị cũng đã được thực hiện, với sự tham gia của người Việt toàn cầu, trong đó có những trí thức sống ở Anh, Mỹ, Úc… Trong đợt vừa qua, có ít nhất hai trang huy động chữ ký trên mạng để gửi tới NGS. Chỉ trong vòng một tuần, các trang này đã thu hút hàng ngàn chữ ký của những người cùng quan tâm đến chủ quyền đất nước từ khắp hành tinh. Đó thực sự là một cuộc tập hợp sức mạnh Việt lớn thông qua internet.
Nhóm phát hiện của anh Nguyễn Hùng thu thập chữ ký và tập hợp vào e-mail rồi gửi tới NGS. Mỗi tuần họ cập nhật danh sách chữ ký một lần và gửi đi. Trong một e-mail gửi cho tôi, anh Nguyễn Hùng viết: "Vì thời gian tính quá cấp bách nên anh em chúng tôi không thể xin ý kiến và gom thêm tên bà con trong ngoài nước để kèm theo lá thư vừa gửi đi này... Chúng tôi đang dịch sang tiếng Việt và sau đó sẽ chuyển về VN qua báo chí trong nước và các chương trình thông tin trên thế giới. Chúng tôi vừa làm việc này vừa "cày" kiếm sống nên có hơi trễ chút đỉnh về bản dịch tiếng Việt… Anh có thể giúp chúng tôi thu thập danh sách khoảng 100 bà con trong nưóc không anh? Tôi nghĩ với công việc của anh cộng với bà con anh em thân thiết anh dư sức có 100 tên. Anh cứ lên danh sách rồi e-mail cho tôi và tôi sẽ tổng kết gửi đi liền. Thời đại internet mà, chỉ cần nhấn vô send (gửi đi - PV) là xong ngay".
Làm sao có thể từ chối một sáng kiến như vậy của một con người hằng ngày vẫn phải "cày để kiếm sống" nhưng không bao giờ quên ý thức với đất nước, dân tộc. Và tôi đã tham gia sáng kiến của anh, theo cái cách anh nói: "chỉ cần nhấn vô send là xong ngay".
Thế giới phẳng thật, đúng như nhà báo Thomas Friedman khẳng định. Trong thế giới phẳng đó, chỉ sau một giây là người ta, dù ở cách xa nhau ngàn dặm, có thể truyền cho nhau những thông điệp và có thể cùng tham gia một cuộc đấu tranh vì lẽ phải. Sức mạnh kết nối trên thế giới ảo đã tạo thành sức mạnh ở thế giới thực.
"Chiến dịch" trên mạng cuối cùng đã thu được kết quả bước đầu, khi NGS vào ngày 17.3 đã ra thông cáo giải thích về những tấm bản đồ sai sự thật của họ. Dù lời giải thích chưa thỏa đáng, nhưng đây vẫn là một kết quả đáng ghi nhận.
Vào hôm qua, khi ngồi viết bài này, tôi lại nhận được e-mail của anh Nguyễn Hùng từ Úc: "Chúng tôi không vui gì khi đọc thư trả lời của NGS. Không thể chấp nhận lối biện luận cho xong chuyện... Chúng tôi xin chuyển đến anh lá thư đối chất từng điểm họ nêu trong bản tuyên bố với báo chí của họ để anh chuyển đến những anh chị quan tâm tham khảo và chính thức lên tiếng".
Thế là cuộc đấu tranh của họ - của tất cả chúng ta - vẫn còn tiếp tục. Mạng internet với những tính năng ưu việt của nó tiếp tục giúp chúng ta truyền đi thông điệp vì chủ quyền đất nước, một cách nhanh nhất, với khả năng hội tụ sức mạnh cao nhất.
Chỉ tiếc là một số mạng có tính năng kết nối cực cao, như Facebook chẳng hạn, rất khó truy cập ở Việt Nam trong dịp này.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)