Anh Hưng (35 tuổi, làm việc ở Q.3, TP.HCM) lập gia đình 6 năm nay, con gái anh đã 4 tuổi, thú nhận ít khi vào bếp giúp vợ, tuy nhiên, thi thoảng cũng thể hiện mình biết nấu ăn. Anh Hưng cho hay: “Tôi biết nấu ăn nhưng thường thì vợ tôi lo các việc chăm sóc con cái, nhà cửa. Thi thoảng tôi có nấu một vài món sở trường cho cô ấy. Thấy vợ những lúc đó rất vui”.
Anh Hưng thừa nhận mình động tay chân vào việc nhà ít hơn hẳn so với vợ. “Tôi không quét dọn nhà cửa, không giặt đồ. Tuy nhiên tôi có thể ủi đồ cho mình, dọn bàn ăn sau khi cả nhà ăn cơm xong. Thi thoảng tôi có đi chợ và nấu một số món cả nhà thích. Tôi cũng chơi với con, khi vợ đang nấu ăn”, anh Hưng chia sẻ.
Anh Thành Nhân, 32 tuổi, mới lập gia đình, sống tại Q.12, TP.HCM thì cho hay: “Vợ tôi không đi làm, cô ấy ở nhà nên mọi việc trong nhà cô ấy lo hết. Tôi cũng không thấy vợ phàn nàn về việc mình không tham gia việc nhà”.
Anh Hoang Vu, 39 tuổi, Việt kiều sống tại California, Mỹ cho hay: “Tôi thường xuyên đi siêu thị và vào bếp nấu ăn. Nếu vợ tôi nấu ăn thì tôi rửa chén (bát). Cô ấy cho con ăn thì tôi lau nhà. Chúng tôi không có phân chia rạch ròi nhưng tôi thấy như thế sẽ bình đẳng, ai chẳng muốn vợ mình thảnh thơi để còn có thời gian để quan tâm đến chồng, con hơn, đúng không?”.
Trong khi đó, James, 41 tuổi, người Úc, sống ở Hà Nội 10 năm nay cho hay anh thích đi chợ cùng với vợ. “Tôi thích mặc cả, chọn lựa món này món kia. Đi chợ và về nấu ăn cùng với vợ, tôi cũng học được tiếng Việt”, anh James hài hước.
Nhiều phụ nữ làm việc không lương
Tổ chức chống đói nghèo và bất bình đẳng ActionAid Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu về việc chăm sóc không lương. Theo đó, mỗi ngày phụ nữ Việt Nam dành 5 giờ cho các công việc chăm sóc không lương, nhiều hơn nam giới 2,5 - 3 giờ. Nhiều nơi đương nhiên coi việc này là của phụ nữ. Ở những cộng đồng đặc biệt, phụ nữ có trung bình 9 giờ một ngày để chăm sóc gia đình.
|
Chị Trần Thị Tâm, 42 tuổi, định cư tại Đan Mạch bày tỏ: “Tôi về Việt Nam và ngạc nhiên thấy trong nhiều gia đình anh chị em mình ở Sài Gòn, sau bữa cơm chồng thản nhiên đọc báo, xem ti vi, uống cà phê với bạn, còn người vợ thì tất bật dọn dẹp, giặt giũ, bế con, cho con ăn, cho con ngủ… Ở Đan Mạch, tôi ở nhà chăm sóc gia đình, nhưng chồng tôi khi rời chỗ làm về nhà, anh cũng chung tay giúp tôi các việc nhà. Đó là bình đẳng, tôi không kiếm tiền nhưng làm các việc không lương, nếu đi thuê người giúp việc số tiền đó còn nhiều hơn cả tiền chồng tôi làm được 1 tháng”.
Chị Tâm cũng cho biết, phụ nữ Việt nên trao đổi thẳng thắn với người bạn đời về việc nên chia sẻ công việc nhà với mình. “Rất nhiều gia đình tôi biết ở Hà Nội và Sài Gòn, cả vợ và chồng cùng đi làm. Thế nhưng, khi về nhà, người chồng cho mình được nghỉ ngơi, chơi game, 'sống ảo' lướt facebook, trong khi người vợ luôn tay luôn chân với một núi việc. Nếu phụ nữ không đòi quyền bình đẳng cho mình, thiệt thòi sẽ chỉ nghiêng về phụ nữ mà thôi”, chị Tâm nói.
Làm việc nhà giúp đàn ông khoẻ mạnh hơn
Daily Mail dẫn một nghiên cứu mới cho biết, làm việc nhà quá nhiều có thể làm giảm 25% cơ hội sống khỏe mạnh cho phụ nữ lớn tuổi. Trong khi đó, đàn ông làm việc nhà nhiều hơn thì càng khỏe. Nghiên cứu trên được xem xét từ dữ liệu về hoạt động hằng ngày cùng sức khỏe tổng thể của 36.000 người về hưu ở 7 quốc gia.
Còn theo New York Post, nếu đều đặn làm việc nhà 5 ngày mỗi tuần (trung bình 30 phút/ngày), đàn ông sẽ giảm 1/3 nguy cơ tử vong sớm. 30 phút lau cửa sổ sẽ giúp các anh chồng đốt cháy 125 calo, dọn dẹp giường làm tiêu hao 120 calo, và hút bụi giúp giảm 100 calo...
|
Bình luận (0)