Chàng thanh niên gốc Việt này đã thể hiện tài năng của mình khi từ năm 2004 đến nay đã giành được 12 giải thưởng lớn của Bỉ, châu u và cả giải thưởng quốc tế nghiên cứu về giấc ngủ trao tại Mỹ. Thanh thường xuyên vắng nhà (hiện gia đình anh sinh sống tại thành phố Liège) để đi diễn thuyết ở các nước về lĩnh vực rất khó và khá mới mẻ do chỉ mới được bước đầu nghiên cứu từ đầu thế kỷ 21: ngành não, trí nhớ và thần kinh.
Vào ngày 30-9-2008, khi Thanh tròn 28 tuổi, Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) đã công bố một công trình do Thanh làm nhóm trưởng - tại thời điểm này công trình đã được phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ với tựa đề “Brain still awake even during deep sleep” (Não vẫn còn thức khi bạn đang trong giấc ngủ sâu). Phát minh này đã được các trường đại học nổi tiếng ở châu u, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc... giới thiệu và sẽ được triển khai trong ngành y khoa trong tương lai.
Không giấu niềm tự hào khi nói về người con trai của mình, ông Đặng Vũ Toàn khoe: “Hai năm qua, tên Thanh (Thanh Dang Vu) luôn được xếp trong bảng danh sách các nhà khoa học chuyên về ngành não học ở tầm vóc quốc tế. Trong tương lai Thanh sẽ còn nhiều hứa hẹn vì nghiên cứu về lĩnh vực quá mới”.
Ông Toàn xem Thanh như một người bạn để hàn huyên tâm sự mỗi khi có một chút rảnh rỗi nhớ về quê hương VN. “Điều quan trọng mà tôi luôn nói với các con là nếu muốn tìm hạnh phúc của hòa bình và sự bác ái trong sự nghiệp, các con nên tìm vui thú trên lĩnh vực nghệ thuật và khoa học, vì nơi đó mọi biên giới, kỳ thị, giai cấp... đều bị xóa bỏ. Ai chẳng muốn Louis Pasteur, Einstein... là dân của xứ mình; cũng như các thổ dân u, Mỹ đâu thể ghét những người châu Á như bác sĩ David Ho, kiến trúc sư Wang Ming Pei hay nghệ sĩ Đặng Thái Sơn!”.
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi nhà khoa học tưởng như rất... khô khan này nói sở thích của anh là chơi piano, đam mê nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, đi xem triển lãm nghệ thuật, du lịch... Thanh rất tiếc rẻ vì đã nhớ không nhiều về tuổi thơ của mình do rời VN khi mới hai tuổi. “Tuổi thơ của tôi cũng bình thường như những đứa trẻ khác, có điều tôi nhớ là khi đứa em kế tiếp ra đời, khi đó tôi chỉ mới sáu tuổi nhưng cảm thấy vui mừng hết biết luôn vì mình đã không còn là “đứa con nít” duy nhất trong nhà! Giờ thì tôi đã là anh trai của ba đứa em”.
Thanh kể khi còn nhỏ, anh đã rất mê trường học và ham đọc sách. Cũng dễ hiểu bởi quê cha đất tổ của Thanh chính là làng nổi tiếng hiếu học Hành Thiện - đất khoa bảng truyền thống ở tỉnh Nam Định. Thanh tiết lộ có người bác ruột là ông Đặng Vũ Khiêu - anh hùng lao động thời đổi mới, và vẫn tiếc chưa có dịp gặp mặt bác dù đã nghe bố và người thân trong họ hàng thường kể nhiều về ông: “Tôi biết đó là một bậc tiền bối thông thái rất đáng kính trọng”.
Mối dây gắn bó với người thân cũng là mối dây giữ anh với quê nhà: “VN vẫn là điều huyền bí đối với tôi, nhưng tự trong thâm tâm tôi luôn nhìn quê hương mình như là một đất nước có rất nhiều hứa hẹn, nhiều triển vọng phát triển và chất lượng sống của người dân sẽ càng ngày được nâng cao trong vài năm tới...”. Thanh tâm sự sẽ rất vui nếu được chia sẻ kinh nghiệm của mình cho giới trẻ VN về y khoa, đặc biệt về lĩnh vực chuyên sâu của anh là thần kinh học. “Tôi sẽ rất hãnh diện nếu có thể được đóng góp để cải thiện sức khỏe cho người Việt mình sau khi được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp và thực hành bằng những trang thiết bị tiên tiến”.
Nhưng có thể Thanh chưa thực hiện được điều mình mong muốn vì trước mắt anh còn chuẩn bị cho chương trình hậu tiến sĩ và làm việc hai năm tại khoa thần kinh học, Bệnh viện Massachusetts General của Đại học Harvard HMS (Mỹ) trong vài tháng tới. Tại đây anh sẽ được giao nhiệm vụ áp dụng kết quả nghiên cứu của anh vào thực tế, tổ chức và thiết lập phòng thí nghiệm Sleep Medicine với Đại học Harvard và tham gia chữa bệnh ở khu vực bệnh nhân bị mắc bệnh rối loạn về giấc ngủ và bệnh liên quan đến não.
Theo Đoan Trang (Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)