Đi học thời công nghệ

30/10/2018 19:04 GMT+7

Ngày nay, nhiều sinh viên (SV) đi học chỉ mang laptop, điện thoại để lưu trữ những thông tin bài giảng. Mọi thứ được ghi âm, chụp lại, hoặc gõ bàn phím chứ không theo cách truyền thống là ghi chép vào vở.

Không vở, không sách, không bút…
Trong thời đại công nghệ phát triển thì cả giảng viên lẫn SV đều ứng dụng công nghệ vào dạy và học. Những viên phấn trắng, bảng đen ngày này dần không còn xuất hiện thường xuyên ở giảng đường, thay vào đó là màn hình, máy chiếu trình bày các bài giảng. Đôi lúc giảng viên cũng khuyến khích sinh viên nếu có điện thoại nên chụp lại để thuận tiện xem và bài giảng không bị gián đoạn khi chờ SV ghi chép…
Một lần tình cờ gặp Trịnh Văn Dương, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đang bước vào lớp học. Trên tay Dương chỉ mang vỏn vẹn một laptop. Đó là tất cả những gì mà Dương chuẩn bị cho một buổi học. Chàng trai này cho biết thay vì chép bài vào vở thì sẽ đánh máy cho tiện. “Gõ vào máy tính sai dễ sửa và giúp tui rèn được kỹ năng đánh máy, mai mốt làm văn phòng cũng lợi thế là đánh máy nhanh”, Dương chia sẻ lý do chỉ mang laptop đi học.
Khi thắc mắc lỡ như thầy cô cho kiểm tra trên giấy và việc không có giáo trình thì làm sao học? Dương nói gọn lỏn nếu kiểm tra thì mượn giấy bút, còn tài liệu đầy trên mạng tra cái là có ngay cần gì sách. Nhưng Dương cũng cho biết có những môn bắt buộc phải có giáo trình và có những môn thì không cần.
SV ghi âm những lời giảng để về nghe lại 
Câu chuyện đi học chỉ mang laptop của Dương không có gì là lạ. Ở các lớp học, hình ảnh trên bàn chỉ có chiếc điện thoại hay laptop là điều dễ bắt gặp. Cũng có rất nhiều SV chuyên chú chép bài, nhưng cũng có một số chỉ để cuốn vở trên bàn lấy lệ. Vấn đề nào quan trọng, thay vì ghi chép thì họ dùng điện thoại chụp lại.
Phạm Duy Thiện, SV Trường ĐH Sài Gòn, cho biết mỗi ngày đi học nếu có chép bài cũng chưa đến một trang. “Tôi hay ghi âm bài giảng lại vì sợ nhiều lúc cặm cụi chép bài, cô giảng mình chẳng nghe kịp. Mỗi khi bạn bè không đi học, hỏi hôm đó dạy gì tôi sẽ gửi file ghi âm qua cho họ mà đỡ mắc công giải thích dài dòng. Ghi âm có cái lợi là chẳng lo thiếu xót ý của giảng viên truyền đạt. Nhưng mệt là lúc rã băng, tốn nhiều thời gian nghe lại”, Thiện chia sẻ.
Thiện cho biết thêm nhiều lúc mang laptop theo để tra cứu những thắc mắc mà giáo viên giảng mình chưa hiểu. Ví dụ như từ tiếng Anh, từ Hán Việt nào không biết có thể tra cứu. Và trên mạng rất nhiều tài liệu, có thể tham khảo một cách chủ động hơn thay vì chỉ bó hẹp vào một cuốn giáo trình nào đó.
Bùi Thanh Thiên Kim, SV Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận: “Chiếc điện thoại là vật bất ly thân đối với SV. Khi học ghi âm, ghi hình thì có thể sử dụng để ôn bài mọi lúc mọi nơi thay vì ôm khư khư cuốn tập, quyển sách sẽ cồng kềnh hơn”.
Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội, phần đông SV đều có tài khoản Facebook nên giảng viên chọn cách tạo nhóm để thông báo, trao đổi với SV khi cần.
“Bài giảng, bài tập thuyết trình đều được đăng tải trong group lớp, không sợ thất thoát, khi cần tìm lại lên group lớp là có”, Hồ Thị Ngọc Nhi, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bày tỏ sự đồng tình khi mỗi môn học đều được trao đổi với bạn bè và giảng viên.
Chỉ có ích với người biết tận dụng
Lúc học sinh, việc sử dụng điện thoại trong lớp thường bị cấm. Nhưng khi trở thành SV, việc sử dụng các thiết bị điện thoại, laptop trong giờ học được nới lỏng, thoải mái hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng ứng dụng các thiết bị để phục vụ chuyện học hành.
“Nhiều bạn đang học mà lôi điện thoại ra 'sống ảo' bất chấp. Có khi đang học còn livetream. Ứng dụng công nghệ thì quá tốt nhưng đừng làm việc riêng mà sao nhãng việc học, và đôi khi đừng làm ảnh hưởng đến bạn bè xung quanh”, Ngọc Nhi, nói.
Ứng dụng thiết bị công nghệ vào việc học là điều tiện lợi nhưng lạm dụng để làm việc riêng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy
Riêng với Nhi thì bản thân không có thiết bị công nghệ, nên Nhi thường hay chép bài. Nhi cũng cho rằng việc gì cũng có hai mặt, ghi chép sẽ nhớ lâu hơn, bởi mình viết ra giấy và có thể rèn được chữ viết.
Thầy Hồ Tú Ân, giáo viên Trường THPT Nam Sài Gòn, cũng chia sẻ những ngày còn đi học thầy cũng thường sử dụng các thiết bị trong lớp để phục vụ việc học. Nhưng nhìn chung không phải ai cũng sử dụng thiết bị công nghệ cho việc học, nhiều SV vẫn lạm dụng để làm việc riêng. Như vậy vô tình sẽ tạo ra lỗ hổng về kiến thức, lâu dần sẽ thành thói quen và khiến SV chán chường.
Dưới góc nhìn cá nhân, thầy Đặng Hoàng An, thạc sĩ tâm lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Việc sử dụng các thiết bị công nghệ như laptop, iPad, điện thoại, máy ghi âm... trong việc ghi chép bài học mang lại nhiều tiện ích cho sinh viên (tiết kiệm thời gian, không phải chép bài, dễ lưu trữ). Song song đó, nếu sinh viên quá lạm dụng việc làm này thì “lợi bất cập hại” dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường: mất hết dữ liệu thông tin khi các thiết bị gặp trục trặc, máy hư; các em khó theo dõi nội dung và tiến trình học về lâu dài dẫn đến sự chán học; tiềm ẩn mối nguy hiểm cho thói quen lười ghi bài...”.
Nhìn nhận về việc ghi chép bài học, thầy An cho rằng dù theo cách truyền thống hay hiện đại như bây giờ đều có điểm mạnh và điểm yếu, do đó không có phương pháp nào là vạn năng. Điều quan trọng cần có ở các bạn trẻ là xây dựng cho mình phương pháp học tập khoa học và hơn hết là sự tự giác, chủ động trong việc học. Tùy vào đặc thù của từng môn học mà sinh viên có thể lựa chọn cách ghi chép hợp lý nhất. Ngoài ra, việc giữ cho mình thói quen học đúng cách, có kế hoạch sẽ giúp sinh viên gặt hái được kết quả như mong đợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.