Đo biển, đếm trời ở đảo

15/02/2008 14:19 GMT+7

Tôi đến trạm hải văn Thổ Chu (Kiên Giang) vào một buổi chiều. Dãy nhà cấp 4 nằm bên bờ biển chỉ có mấy người trẻ đang lúi húi sửa chữa trên mái ngói. Đó là trạm trưởng Nguyễn Văn Tuấn cùng các nhân viên Mai Tiến Thành, Lê Đỗ Sơn Hà và một thành viên nữ duy nhất là Trần Thị Nhàn. Công việc của họ là cung cấp các số liệu điều tra cơ bản về hải văn về trung tâm là Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ ở TP.HCM.

Theo con đường rừng hoang vắng dài gần cây số, trạm trưởng Tuấn dẫn tôi lên đỉnh núi, nơi đặt các thiết bị theo dõi khí tượng. Mới 4 giờ chiều, đường đã tối như bưng, nhưng mỗi ngày bốn lần, đúng vào lúc 1â, 7, 13 và 19 giờ, các nhân viên của trạm phải lên núi để lấy thông tin về nắng, gió, áp suất, nhiệt độ, độ ẩm... để báo về trung tâm bằng điện thoại.


Những người đo biển, đếm trời ở Thổ Chu - Ảnh: L.Q.P
Trước đây, điện thoại chưa ra đến Thổ Chu nên phải dùng máy I-com. "Đi quen rồi nên không sao, chỉ sợ những ngày mưa bão, cây đổ hoặc trơn ngã hoặc gặp rắn lục", Tuấn nói. Thiết bị đo đếm khí tượng không nhiều và không quá phức tạp, vấn đề là phải theo dõi và kiểm tra nó một cách nghiêm ngặt. Chẳng hạn, chiếc máy đo lượng nắng phải được thay băng giấy mỗi ngày một lần, máy đo diễn biến nhiệt độ cũng phải thay giản đồ mỗi ngày, các máy khác dù không cần thay thế gì nhưng nếu không theo dõi thì thông tin có thể sai bất cứ lúc nào.

Gặp Hà và Nhàn, hóa ra anh chị là đôi bạn thân trên mức... bình thường của trạm. "Có khi nào đến phiên của Nhàn, mà Hà phải hộ tống đi lấy số liệu không?", tôi hỏi. "Trạm không quản lý việc này, chắc là có. Nhưng có lúc muốn cũng không được, vì dưới này còn việc nữa là theo dõi thủy triều và độ mặn của nước biển. Nếu trùng lịch thì coi như đừng hy vọng!", Tuấn nói.

Đảo xa, cách thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) cả ngày tàu và không phải lúc nào cũng có phương tiện, nên đã hai năm nay Nhàn không được về quê ở Ninh Bình. Cả trạm có 6 người, chỉ mới một người có gia đình. Trạm trưởng đã có bạn gái, nhưng "người ta không cho cưới vì mình cứ đi biền biệt", Tuấn tâm sự. Lương trạm trưởng như Tuấn, thu nhập mỗi tháng chỉ được 2,3 triệu đồng và là mức lương thấp nhất trong các lực lượng ở Thổ Chu. Đó cũng là nỗi nhọc nhằn của những người làm công việc đo biển, đếm trời để chúng ta có được những bản tin dự báo thời tiết mỗi ngày.

            Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.