Du lịch thông thái

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/07/2018 08:07 GMT+7

Kiểm tra “lý lịch” của những khách sạn, resort mình dự định ở; đi đâu cũng mang theo túi đựng rác..., nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch không đơn thuần chỉ là thăm thú, nghỉ dưỡng.

Chị Nguyễn Thị Bình Thơ (33 tuổi), trú đường Xuân Hồng, Q.Tân Bình, TP.HCM, kiên quyết không đồng ý khi cả nhà có ý định nghỉ dưỡng ở một resort 5 sao ở TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa. Lý do chị đưa ra là “tập đoàn này từng có nhiều việc ảnh hưởng xấu tới môi trường”. Khi được hỏi: “Cách chị đang làm có máy móc, cứng nhắc không?”, chị Thơ nói: “Tôi cho rằng bảo vệ môi trường không phải là cái gì quá đao to búa lớn, mỗi người đều có thể làm được theo cách của mình. Bạn tôi từng lựa chọn kỹ lưỡng một loại kem chống nắng không có Oxybenzone, để khi nó tan vào nước biển sẽ không làm san hô chết”.
Anh Phạm Phú (28 tuổi), trú ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, chuẩn bị hành lý kỹ lưỡng cho chuyến thăm đảo Cù Lao Xanh, TP.Quy Nhơn, Bình Định cách đây một tuần lễ. Trong ba lô của anh luôn có vài chiếc túi ni lông phòng trường hợp nếu có làm tiệc ngoài trời với các bạn, anh sẽ có vật dụng để gom rác mang về.
“Đúng như cái tên, Cù Lao Xanh xanh mướt một màu, nhưng những năm gần đây khi khách du lịch tới nhiều hơn, rác bỏ lại trên đảo cũng nhiều hơn, nhất là vỏ chai nước suối. Du lịch là để vui vẻ, thoải mái trong tâm hồn, vậy thì hãy cùng làm những điều tốt để thấy cuộc sống an lành hơn”, anh Phú nói.
Mỗi tháng, anh Nguyễn Hải Hưng, 35 tuổi, kỹ sư ô tô tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh tới chùa Hồ Thiên (H.Đông Triều) một lần. Chùa ở trên núi cao, trung bình cả lên và xuống núi mất khoảng 3 tiếng. Trong thời gian ấy anh có thể nhặt rác dọc đường đi. Thường là vỏ chai nước, túi bánh, lon bia bị bỏ trong các bụi cây. “Nhiều bạn trẻ thích đi leo núi, nhưng lại lười mang rác về”, anh Hưng thở dài.
Tương tự anh Hưng, chị Quách Mỹ Trinh, 31 tuổi, trú đường Lò Lu, Q.9, TP.HCM, luôn có những chiếc túi dự phòng trong ba lô khi đi du lịch ở một vùng đất mới. “Nó có thể dùng đựng đồ dơ, trái cây thừa và nhất là để đựng rác khi chúng tôi cắm trại, ăn uống xong. Nếu ngay trên bãi biển hoặc hòn đảo đó chúng tôi phát hiện nhiều người xả rác quá, chúng tôi sẽ dành ra 30 phút hay 1 tiếng để cùng nhau nhặt rác. Vậy là chuyến đi du lịch cũng vui khi kết hợp với việc nhặt rác”, chị Trinh nói.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng làm được như anh Phú và chị Trinh. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Diệp Anh (25 tuổi), làm việc tại công ty du lịch chuyên đặt tour cho khách đi Hạ Long, Sa Pa ngao ngán đưa ra những tấm ảnh chị vừa chụp được ở một khách sạn khi khách mới trả phòng. Vỏ lon bia nằm lăn lóc từ trên giường xuống sàn, bít tất, quần áo dơ mỗi nơi một chiếc, drap trải giường in cả dấu chân đen sì…
“Nhiều khách Việt ý thức rất kém, họ nghĩ rằng bỏ tiền ra nên phải xả rác cho xứng đáng. Ngay cả khi không ai ở trong phòng, họ cũng mở máy lạnh”, chị Diệp Anh thở dài. Mọi lời đề nghị giữ vệ sinh chung, tiết kiệm điện khi tới khu nghỉ dưỡng chị Diệp Anh đưa ra trước đó đều bị phớt lờ, thậm chí có người còn tỏ ra khó chịu.
Anh Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc truyền thông CHANGE - Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển TP.HCM, cho biết chính bản thân anh và các thành viên trong CHANGE đều ưu tiên chọn lựa các doanh nghiệp, khách sạn có hành động  làm điều gì đó có ý nghĩa cho môi trường.
Anh Tùng thẳng thắn: “Chúng tôi cũng ưu tiên các phương tiện công cộng hoặc đi bộ, xe đạp khi đến một nơi nào đó. Không chỉ vì chúng có giá rẻ hơn, mà cảm giác thảnh thơi, khoan khoái mỗi khi ra về sẽ tràn ngập trong tâm trí mình. Du lịch không phải để chinh phục thiên nhiên, mà là làm điều có ý nghĩa với thiên nhiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.