Đứng dậy từ vùng 'biển chết' - Quyết không bỏ biển

06/05/2017 14:02 GMT+7

Chàng trai Lê Văn Tuấn vẫn bám biển, mẻ cá mà anh “trúng đậm” đã giúp nhiều người tiếp tục vững tin vào nghề biển...

Từ mẻ cá “khủng”
Sinh ra ở làng chài sát cửa biển Cửa Việt, Tuấn (38 tuổi, trú thôn Xuân Lâm, xã Gio Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) đã sớm được hun đúc ý chí vươn khơi xa. Thuở nhỏ, khi hãy còn nghịch cát trên bờ biển, cậu đã nhìn theo những chiếc thuyền của cha chú nổ máy, hướng ra biển mà lòng mong mình lớn thật nhanh để sở hữu một con tàu.
Cũng như chúng bạn cùng trang lứa, Tuấn học hành không nhiều, chỉ đủ để viết được tên mình và cộng trừ, bởi tâm trí của cậu không nằm ở... đất liền.
“Tài không đợi tuổi”, khi chưa đến tuổi thanh niên Tuấn đã tót lên tàu đi đánh bắt cá xa bờ. Cậu sớm nổi danh là "kình ngư" trên biển với sự dũng mãnh, quyết đoán và tài sát cá trời cho. Nhưng cũng phải đến gần 30 tuổi, Tuấn mới thỏa mãn ước mơ, có con tàu cho riêng mình.
Tiếng tăm của Tuấn hẳn sẽ chỉ quanh quẩn trong làng chài Xuân Lâm nếu như không có một mẻ cá "khủng" làm chấn động cả tỉnh Quảng Trị, xảy ra đúng thời điểm tròn 1 năm thảm họa môi trường biển. Nhiều người bảo anh trúng số "độc đắc" trên biển.
Nhớ lại câu chuyện xảy ra gần 1 năm trước, Tuấn bảo: “Thảm họa đến, làng biển quê tôi dạo đó ảm đạm lắm. Cảng cá không có một bóng người. Ngư dân bãi ngang chẳng buồn ra biển, chỉ ngồi nhìn nhau than vắn thở dài…”.
Như vừa chưa hết lâng lâng sau kỳ tích, Tuấn cho biết mọi thứ đến với anh như một giấc mơ thật đẹp. Đó là buổi tối 10.3, khi đang lênh đênh cùng con tàu và gần chục thuyền viên trên khu vực gần đảo Cồn Cỏ, nhìn lên màn hình máy dò cá hiện đại của Nhật vừa trang bị trị giá 240 triệu đồng, anh giật thót vì màn hình “đỏ lòm” cá là cá. Chưa vội ồn ào, anh Tuấn điều khiển tàu để đón đầu hướng đi của đàn cá này. “Thực sự lúc đó tôi biết là đàn cá lớn nhưng cũng chỉ nghĩ tầm 60 tấn là cùng”, Tuấn cho hay.
Khi cách đàn cá chừng 200 m, anh triển khai cho đội tàu chạy với vận tốc trung bình 6 hải lý/giờ để bủa lưới vây.
“Loại cá bè vàng này hiếm gặp, được gọi là cá ngủ. Nghĩa là ban ngày cá bơi rất nhanh, đi theo đàn. Nhưng ban đêm khi gặp dòng nước yên lành thì cá tập trung lại và ít di chuyển. Bởi vậy, chúng tôi dùng lưới vây rút dài 400 sải tay, chiều cao 75 sải để vây lại”, anh Lê Văn Anh (31 tuổi, em trai Tuấn, thuyền viên trên tàu) nói. Hầu như toàn bộ đàn cá đã vào trọn trong lưới, nổi lên tràn ngập một khoảng rộng trên biển. Lập tức các thuyền viên kéo cá lên tàu. Nhưng càng kéo thì số cá bên dưới càng trồi lên mỗi lúc một nhiều. “Biết một tàu của tôi không kham nổi nên tôi đã gọi thêm 4 tàu nữa phụ ra khai thác và vận chuyển cá vào bờ”, anh Tuấn cho hay.
Để “hốt trọn” 160 tấn cá (trị giá hơn 6 tỉ đồng) từ nơi đánh bắt đưa về cảng Cửa Việt, chừng 60 ngư dân trên 5 tàu cá đã phải làm việc quần quật suốt 3 ngày đêm. Chiều 13.3, tàu cá của Tuấn đã cập cảng Cửa Việt (H.Gio Linh), kết thúc chuyến biển kỷ lục.
Ấm no không tự nhiên mà đến
Cho đến tận bây giờ, 2 tháng sau cú “trúng đậm” của Tuấn, nhiều người dân làng biển Cửa Việt - Gio Việt đã ra khơi hoặc đang hăm hở sửa soạn cho chuyến biển sắp tới. Đàn bà, trẻ nhỏ cũng xắn tay chạy chợ, làm nước mắm hoặc hấp cá khô… Không khí làm việc vừa tất bật, vừa vui tươi.
Vị thuyền trưởng vừa lập kỷ lục Lê Văn Tuấn cho biết với khoản tiền gần 6 tỉ đồng thu được sau chuyến biển, anh trang trải bớt nợ nần và sắm ngư lưới cụ tiếp tục vươn khơi bám biển. Anh chưa từng nghĩ đến chuyện “trúng lớn” sẽ bỏ biển: “Bỏ biển ư? Làm gì có chuyện đó, khi tôi còn sức khỏe”.
Câu chuyện về mẻ cá khủng của Tuấn còn có sức lan tỏa mãnh liệt trong các đồng nghiệp của anh. Rằng, cứ mỗi khi dong thuyền ra biển, mỗi ngư dân đều mong cho “lịch sử lặp lại”. Nhiều ngư dân mạnh dạn hơn khi đầu tư tiền của đóng tàu lớn.
“Biển giã không nói trước được điều gì, hôm qua tôi trúng lớn nhưng có thể hôm nay tôi thất bại. Đó là chưa nói đến phong ba, bão tố ngoài kia. Nhưng nói gì thì nói, ấm no không tự nhiên mà đến, trừ khi mình phải đổ mồ hôi sôi nước mắt”, anh Tuấn chiêm nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.