Gia đình dấu yêu: Thương con đừng cho roi vọt

11/04/2021 10:16 GMT+7

Một chị bạn kể chuyện ngày còn nhỏ , chị từng bị ba đánh một lần nhưng đến giờ khi đã ngót nghét U.50, chị vẫn nhớ như in cái tát của ba hôm ấy.

Những tưởng khi quyền trẻ em được đề cao hơn trong một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ cùng với cách phòng chống những hành vi vi phạm cũng như những hình phạt đi kèm được phổ biến nhưng đó đây vẫn bắt gặp việc sử dụng bạo lực để dạy con như cô bé tuổi mẫu giáo mà tôi hay bắt gặp trong một quán ăn sáng quen. Vì cứ ngậm thức ăn trong miệng trong khi người mẹ phải vội đi làm, cô bé hay bị mẹ tát vào mặt đau đến độ khóc nức nở và nôn hết thức ăn khiến mọi người xung quanh đều bức xúc.
Một chị bạn kể chuyện ngày còn nhỏ, chị từng bị ba đánh một lần nhưng đến giờ khi đã ngót nghét U.50, chị vẫn nhớ như in cái tát của ba hôm ấy. Ba chị vốn không thuộc kiểu phụ huynh hay dùng đòn roi trong việc dạy dỗ con cái nhưng lần ấy do chị mải chơi sau giờ học khiến ông lo sốt vó, không biết có chuyện gì xảy ra với con nên khi gặp được chị, ông không kiềm được cơn nóng giận đã tát chị một cái vào má. Dẫu ông vẫn cưng chị như trứng cũng như đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng ông đánh chị, hẳn ông rất hối hận vì đã lỡ tay trong khi chị vẫn không sao quên được.
Một chị bạn khác thú thật cho đến giờ khi đã là mẹ của những đứa con đã lớn, chị vẫn không sao cảm thấy gần gũi được với ba mình chỉ vì những làn roi phạt của ba ngày chị còn nhỏ. Ba chị vốn cộc tính nên bất cứ điều gì không hài lòng với con cái, ông đều quy ra hình phạt bằng roi: đi học về trễ, quên làm bài tập, giành đồ chơi với em... Thậm chí, chị từng có cảm giác hận, ghét ba mình, cho đến khi làm mẹ, hiểu được chuyện nuôi con khó nhọc đến nhường nào, chị mới nguôi ngoai và thông cảm cho ba.
Một anh bạn tôi có thói quen phạt con bằng roi. Với lý lẽ “trẻ con mà nói nhẹ nhàng quá dễ bị lờn, chỉ có đòn đau mới khiến chúng sợ mà không dám tái phạm”, anh hay quy mọi hình phạt ra số roi mà con anh phải chịu mỗi khi bọn trẻ làm sai điều gì đó hay bị điểm kém do mải chơi. Kết quả là hai cu con nhà anh rất ngoan, nghe lời ba mẹ răm rắp nhưng tôi lại thấy ở bọn trẻ có điều gì đó, lúc nào cũng lấm la lấm lét như sợ làm gì sai sẽ phải bị đòn, tâm tính bẳn gắt, nói năng cục cằn, không hồn nhiên, vô tư như những đứa trẻ bình thường khác. Chưa kể các con anh gần gũi, quấn quýt mẹ nhiều hơn do sợ tính nóng nảy, khắt khe khiến ba chẳng khác vị hung thần trong mắt chúng.
Những vết thương do đòn roi thì chóng liền da nhưng những sang chấn trong tâm hồn thường khó lành trong quá trình phát triển của một đứa trẻ. Đánh con một phát người lớn sẽ hả giận cũng như giải quyết được sự việc ngay tức thì nhưng con trẻ có khi sẽ nhớ cả đời. Hiểu được nguyên lý ấy để kiềm chế cơn nóng giận cũng như xác định phương pháp giáo dục con phù hợp, tránh làm tổn thương con luôn là những điều các bậc phụ huynh nên nằm lòng để tránh vẽ lên trang giấy tuổi thơ của các con những nét nguệch ngoạc xấu xí.
Việc tạo ra những đứa trẻ cục cằn, thô lỗ, có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi việc khi lớn lên, đó là lỗi của người lớn. Đừng để có lúc chúng ta hối hận thì đã không còn cơ hội sửa sai!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.