Giá trị từ một cuộc chơi

22/04/2009 22:23 GMT+7

Không phải không có lý do khi mà kết thúc cuộc thi “72 giờ - Thách thức sức bền”, Ban giám khảo (BGK) của chương trình đã phải thốt lên: “Đây sẽ là một bước tạo đà cho những cuộc khám phá và chinh phục của các bạn trẻ trong thời gian sắp tới”.

Từ truyền hình thực tế đến một khuynh hướng sống

BGK của cuộc chinh phục những thử thách này là ông Nguyễn Trung Hinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, ông Đào Kim Trang - Giám đốc Công ty du lịch Lĩnh Nam, nơi thường xuyên tổ chức các tour du lịch thử thách và ông Huỳnh Hữu Tâm - một giảng viên khoa Du lịch. Tất cả đều có chung nhận xét: “Chương trình đang dấy lên một khuynh hướng sống mới trong giới trẻ, đó là sẵn sàng cho những thử thách và khám phá mới. Đây không chỉ đơn thuần là một trò chơi mà còn là cuộc rèn luyện tri thức lẫn sức khỏe (các thí sinh vừa phải leo thác, chạy, đạp xe, chèo bè... vừa phải giải mật thư, bài toán, thông điệp...). Nếu được tổ chức thường xuyên và sâu rộng hơn, sẽ giúp giới trẻ trang bị cho mình được rất nhiều kỹ năng có ích trong cuộc sống”.

Cũng cần nhắc lại rằng, đây là một trò chơi truyền hình thực tế thuộc thể loại “Thi thố” có độ thử thách khó khăn và liên tục diễn ra lần đầu tiên ở Việt Nam. Chỉ có sự trợ giúp của ba chiếc điện thoại Samsung i900, E1110 và F480, các thí sinh bị “quẳng” vào rừng, tự mình xử lý các tình huống và hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra. Họ vừa phải biết làm chủ công nghệ, dùng điện thoại liên lạc, xác định các tọa độ điểm đến, chụp ảnh, truy cập thông tin, giải mật thư, vừa phải có kỹ năng tốt để vượt qua các thử thách sức bền như leo thác, chèo bè, băng rừng, hay tự nấu ăn giữa rừng sâu...

 
Đội Mèo: Thắng không kiêu, bại không nản! - Ảnh: Đ.K

Sự hấp dẫn của chương trình đến nay là không thể bàn cãi. Chính những người tham gia của ba đội cũng đã cảm thấy mình thay đổi trước những thử thách vừa liên tục trải qua. Jonny Trí Nguyễn đã học thêm được rất nhiều bài học về tình đồng đội và kỹ năng giải quyết vấn đề. Với Joe, những thử thách dù làm Joe “đuối” thật sự nhưng anh đã tự trang bị được những kỹ năng “vàng” cho cuộc sống. Còn Thủy Top thì không cần nói nhiều nữa. Cô cho biết, từ cuộc sống thoải mái đầy đủ bước vào những thử thách kinh khủng như thế, cô đã “lột xác” hoàn toàn.

Thách thức lan tỏa

Đến nay, cụm từ “72 giờ - Thách thức sức bền” đã không còn xa lạ nữa. Trên Google, cụm từ này có đến hơn 260.000 kết quả và đã là một trong những cụm từ được truy cập nhiều nhất. Nó có mặt trên các diễn đàn, blog cá nhân, forum (EVA, Saigon CD Club)... với những bình luận, chia sẻ cùng những lời tiếc nuối vì đã không tham dự được cuộc thi.

Sức lan tỏa của chương trình đã khá rộng trong giới trẻ. Đó là những cuộc hẹn hò chạy bộ rèn luyện thể lực để có sức khỏe đăng ký tham gia cuộc thi, là những lời hẹn gặp tại các phòng tập thể hình của các thành viên trong một diễn đàn, là các buổi offline chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sống tại nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), tại cà phê My way ở thủ đô Hà Nội. Thậm chí, nhóm bạn trẻ ở Hà Nội còn đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc thi mô phỏng “72 giờ - Thách thức sức bền” ngay tại thủ đô trong 1 ngày để thỏa mãn nhu cầu của những bạn trẻ không được chính thức tham dự cuộc thi.

Nguyễn Hồng Đức - sinh viên năm thứ nhất ĐH Huflit, chia sẻ: “Dù không là thí sinh chính thức nhưng tác động của cuộc thi từ website và chương trình phát sóng đã giúp mình và nhóm bạn biết thêm rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là tự rèn cho mình tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách. Chính vì vậy chúng mình cảm thấy cuộc sống phong phú hơn, tích cực hơn chứ không chỉ đóng khung trong lớp học và game online”. Và chắc chắn rằng, với sự lan tỏa của cuộc thi, nhiều bạn trẻ đang tự thay đổi mình cùng với khuynh hướng sống năng động, thích khám phá, sẵn sàng đương đầu thử thách cũng như quan tâm đến kỹ năng sống hòa nhập với thiên nhiên nhiều hơn. Đó chính là điều mà những nhà tổ chức chương trình mong đợi.

Đăng Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.