Nằm trong dự án “Trang mới cuộc đời” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) thực hiện, 47 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP.HCM đã được hỗ trợ tối đa để có giấy khai sinh - “tấm hộ chiếu” vào đời.
“Không phải đợi mẹ đi tù về, con mới được làm khai sinh...”
tin liên quan
Đột tử trên đường chạy marathon TP.HCM: Cách nào rà soát sức khỏe thí sinh?31 tuổi, chị Cao Thị Kim Nhung đã có đến 5 mặt con. Từ thuở lọt lòng, chị theo cha mẹ sống trôi nổi trên sông nước với nghề giăng lưới. Chị cho biết đến năm 12 tuổi, chị lên bờ định cư rồi lấy chồng, sinh con. Quãng đời sống trên ghe, chị Nhung bị mất giấy tờ tùy thân nhưng không có điều kiện làm lại. Về sau, chị được nhập hộ khẩu vào nhà chồng và đăng ký kết hôn (trễ). Tuy nhiên, 3 đứa con lớn của chị là Kiệt (13 tuổi), Phương (12 tuổi), Toàn (11 tuổi) vẫn chưa làm được khai sinh. Đến khi có sự vào cuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, các em mới có những “tấm hộ chiếu vào đời”.
“Hồi đó không có giấy tờ, tui gặp rất nhiều khó khăn, không làm được gì cho ra hồn, không được học hành... Nên bây giờ tui rất vui mừng vì con mình không phải sống ngoài vòng pháp luật”, chị Nhung hồ hởi.
Tại buổi hội thảo “Trang mới cuộc đời - Làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” do MSD tổ chức vào chiều 19.1 tại TP.HCM, anh Nguyễn Hồng Phúc (34 tuổi) bộc bạch rằng anh từng rơi vào cảnh không có giấy tờ tùy thân. Sau đó, anh may mắn được làm khai sinh trong một mái ấm. Hiện tại trong vai trò nhân viên công tác xã hội, anh trăn trở: “Tôi gặp nhiều trường hợp như mẹ sinh con xong trốn khỏi bệnh viện do không có tiền đóng viện phí, đến khi quay lại trích lục rất nan giải. Rồi những trường hợp mẹ đi tù, để con lại cho ông bà ngoại nuôi. Chúng tôi đến phường năm lần bảy lượt, nhưng họ đòi hỏi phải đợi người mẹ đi tù về thì mới làm giấy khai sinh cho đứa trẻ. Trong khi đó, người mẹ thụ án ma túy mười mấy năm, như vậy đứa trẻ phải đợi chừng ấy năm mới được giải quyết sao?”.
Là người giúp đỡ nhiều “ca khó” có được giấy tờ tùy thân, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: Vào khoảng năm 2015, ông tiếp nhận một trẻ 15 tuổi ở Q.Gò Vấp không được cấp giấy khai sinh. Bên nội, bên ngoại của em có hộ khẩu nhưng cha mẹ không đăng ký kết hôn. Đặc biệt, người mẹ đang thụ án 20 năm tù ở Trại giam Thủ Đức Z30D (Bộ Công an) đóng ở Bình Thuận. Sau khi tìm hiểu thông tin, ông làm công văn đồng thời trực tiếp đến trại giam để làm việc với ban giám thị và xác minh vụ việc. Rốt cuộc, đứa trẻ cũng được cấp giấy khai sinh... Ông Đạt nhấn mạnh: “Khai sinh là quyền của trẻ em, chứ không phải đợi người mẹ đi tù về rồi mới có khai sinh!”.
Theo ông Đạt, đối với trường hợp những người mẹ trốn viện, không trích lục được giấy chứng sinh thì cần phải làm thủ tục kê khai và cam đoan về sự việc. Khi đó, trách nhiệm xác minh thuộc về UBND phường, xã.
Có giấy khai sinh, nên cấp thẻ căn cước công dân !
Đúc kết từ thực tiễn, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM Huỳnh Tấn Đạt nêu một số khuyến cáo. Trước hết, đó là tình trạng nhiều gia đình khi đến nơi khác ở đã không đăng ký tạm trú. Điều này gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh, bởi luật Hộ tịch quy định đăng ký khai sinh cho trẻ em ở nơi người mẹ hoặc nơi người cha đang cư trú. Theo ông Đạt, có những gia đình lên thành phố khá lâu, thậm chí có người đã ở 20 năm rồi nhưng không quan tâm làm khai sinh. Đến khi “đụng chuyện” như trẻ đi học, trẻ phải điều trị tại bệnh viện... các gia đình mới nhận ra tầm quan trọng của tờ giấy này.
Mặt khác, nhiều trường hợp đưa người nhà đi sinh đã khai sai năm sinh hoặc sai chữ đệm của sản phụ... dẫn đến sai thông tin trong giấy chứng sinh. Tuy nhiên, có những người không biết chữ nên không phát hiện kịp thời, về sau không thể điều chỉnh hoặc phải tiến hành rất nhiều thủ tục như làm tờ trình cam đoan, có người làm chứng, xét nghiệm ADN...
Ông Đạt đặt vấn đề: “Sắp tới, việc quản lý dân cư sẽ bỏ sổ hộ khẩu và thay bằng điện tử. Nhưng cơ bản nó cũng vậy, tức là người nào có hộ khẩu thì mới kê khai, còn những người không có tên trong dữ liệu dân cư thì không thể nào được cấp thẻ căn cước công dân”. Ông Đạt kiến nghị: Khi có khai sinh nên cấp thẻ căn cước, chứ không cần có hộ khẩu. Bởi vì, quy định hiện hành về vấn đề này rất bất cập: Để có hộ khẩu phải có nhà; không có nhà thì không có hộ khẩu, không có hộ khẩu thì không có căn cước công dân... nên dù có khai sinh cũng như không!
Tiếp thu các ý kiến ở hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển, cho biết đơn vị này không chỉ thực hiện những ca cụ thể ở địa phương mà còn làm nghiên cứu và tài liệu hóa để có thể đối thoại, vận động chính sách tốt hơn. Theo bà Linh, pháp luật phải được xây dựng trên tinh thần tạo điều kiện để mọi người đều có quyền bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bình luận (0)