Hai bác sĩ 'hot boy' vì cộng đồng

03/11/2017 09:17 GMT+7

Họ có một đặc điểm chung là luôn biết cách tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin để giúp được thật nhiều bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân nghèo.

Bác sĩ live stream các vấn đề sức khỏe
Trang Facebook của bác sĩ Trần Quốc Khánh (34 tuổi, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) có hàng chục ngàn người theo dõi, bấm like, hiển nhiên không phải vì anh đẹp trai như một nam diễn viên điện ảnh.
Từ năm 2016, bác sĩ Khánh thường xuyên live stream (phát trực tiếp) trên trang cá nhân để cung cấp cho cộng đồng thông tin và kiến thức về sức khỏe với mong muốn mọi người, từ bác xe ôm đến cô bán rau, miễn có smart phone đều có thể xem được.
Trong các video phát trực tiếp, bác sĩ Khánh đóng vai trò là diễn giả, cung cấp thông tin và tương tác, trả lời câu hỏi khán giả vừa xem vừa gửi tới. Năm 2017, các buổi live stream của bác sĩ Khánh tập trung các vấn đề sức khỏe thường thức như: ăn uống phòng ngừa ung thư, xử trí khi bị rắn cắn, ngộ độc thực phẩm...
Bác sĩ Khánh công tác tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2008, sau khi tốt nghiệp khóa 100 Trường ĐH Y Hà Nội và học xong bác sĩ đa khoa. Anh sinh ra tại xã Thanh Đức, H.Thanh Chương, Nghệ An (xã miền núi, sát biên giới với Lào), nơi mà phải đi bộ 18 km mới đến được trường tiểu học. Năm 6 tuổi, anh về sống với bà nội tại Hà Tĩnh để đi học dễ dàng hơn. Học giỏi, được tuyển thẳng vào ĐH, bác sĩ Khánh tâm niệm sẽ cố gắng để cứu giúp được thật nhiều bệnh nhân nghèo.
Bác sĩ Khánh và các đồng nghiệp nhiều lần mang quần áo, thuốc, sách vở tặng cho nhiều người bệnh ở các vùng khó khăn ở Hà Tĩnh, Yên Bái. Anh kêu gọi bạn bè ủng hộ để xây dựng học bổng, tặng cho sinh viên nghèo, hiếu học của Trường ĐH Y. Anh dùng Facebook, website cá nhân do mình lập ra để kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn.
Tháng 11.2017, anh thực hiện đêm nhạc ra mắt “Quỹ đầu tư phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo” tại Hà Tĩnh, quê hương anh. Hiện tại quỹ đã có 1 tỉ đồng, giúp được 10 trường hợp khó khăn đầu tiên với chi phí phẫu thuật mỗi ca 100 triệu đồng. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là sống để cho đi”, bác sĩ Khánh nói về việc mình làm.
Biệt danh “bàn tay ảo thuật”
Hai bác sĩ “hot boy” vì cộng đồng
Bác sĩ Phan Minh Hoàng Ảnh: Độc Lập
Bác sĩ Phan Minh Hoàng (35 tuổi, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Q.2, TP.HCM) được biết đến với biệt danh “bàn tay ảo thuật”, “giúp người muốn chết sống vui”, bởi anh từng phẫu thuật thành công, giúp nhiều bệnh nhân nghèo từng muốn chết vì bị bỏng nặng, bị tạt a xít, hoặc bị tai nạn lao động đến biến dạng cơ thể, có thể khỏe mạnh, trở về cuộc sống thường ngày.
Bác sĩ Phan Minh Hoàng từng đặt chân đến hầu hết tỉnh thành của VN để khám chữa bệnh cho người nghèo. Ngoài ra, anh đã đến Lào 10 lần, đến Campuchia 6 lần để giúp các bệnh nhân.
“Đi đến đâu gặp những người nghèo, cơ thể biến dạng vì tai nạn lao động, vì bị bỏng, bị tạt a xít, tôi đều đưa họ về bằng được Bệnh viện Q.2 để giúp họ có thể phẫu thuật”, bác sĩ Hoàng cho hay. Trường hợp bệnh nhân nữ Vũ Thị Loan (39 tuổi) bị tạt a xít nhầm ở TP.HCM, hay Phùng Thanh Liêm (ngụ Đắk Nông) bị bỏng xăng co rút tứ chi, đã được phẫu thuật thành công là những ví dụ điển hình.
“Tôi kêu gọi các bạn bè, nhà hảo tâm qua điện thoại, Facebook để hỗ trợ bệnh nhân”, bác sĩ Hoàng chia sẻ. Từ năm 2010, bác sĩ Hoàng đã sử dụng Facebook để đăng tải những thông tin về những chuyến đi khám chữa bệnh tình nguyện của mình và các bác sĩ về các địa phương trong cả nước. “Tôi muốn truyền lửa nhiệt huyết cho bác sĩ trẻ, sinh viên ngành y qua những thông tin, hình ảnh này”, bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Hoàng từng là Bí thư Đoàn Bệnh viện Q.2, hiện là Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM. Anh được T.Ư Hội LHTN VN tuyên dương là thầy thuốc trẻ VN tiêu biểu toàn quốc, Thành đoàn TP.HCM trao tặng giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017.
Hiện bác sĩ Hoàng cùng các y bác sĩ Bệnh viện Q.2 xây dựng ngân hàng máu sống để có thể cứu trợ người bệnh khi cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.