‘Hàng rào người’ - nên hay không?

06/07/2015 05:16 GMT+7

(TNO) Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, hình ảnh những sinh viên tình nguyện (SVTN) nắm tay nhau đứng thành 'dải phân cách sống' để phân luồng giao thông hay làm thành 'hàng rào người' tạo lối đi riêng cho các thí sinh, đang có nhiều ý kiến trái chiều.

(TNO) Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, hình ảnh những sinh viên tình nguyện (SVTN) nắm tay nhau đứng thành 'dải phân cách sống' để phân luồng giao thông hay làm thành 'hàng rào người' tạo lối đi riêng cho các thí sinh, đang có nhiều ý kiến trái chiều.

‘Hàng rào người’ - có nên không? 1
Sinh viên tình nguyện TP.HCM làm thành “dải phân cách sống”
Nhiều người cho là hành động đó rất đẹp, rất hữu ích, cần tiếp tục duy trì. Thế nhưng, không ít người lại cho rằng điều đó rất nguy hiểm và thực sự không cần thiết.
“Thể hiện lòng nhiệt huyết tuổi trẻ”
Tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật trên đường Võ Văn Ngân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM), nhiều SVTN có mặt rất sớm để tham gia hướng dẫn xe đưa đón phụ huynh và thí sinh. Để phân làn đi bộ cho thí sinh và tránh tình trạng ô tô, xe gắn máy tràn vào lối đi này, vài chục tình nguyện viên nối tay nhau thành hàng dài tạo thành “hàng rào người” ở lòng đường để cản xe.
Điều tương tự cũng đã diễn ra trên đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp (đoạn qua điểm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cùng nhiều con đường khác ở TP.HCM, Hà Nội...
Đặc biệt, trên đoạn đường An Dương Vương (Q.5) trước điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn, vào những ngày mật độ xe cộ đông đúc, nhiều SVTN ra đứng giữa lòng đường làm thành “dải phân cách” để tham gia điều phối lưu thông.
Ông Lê Văn Khắp (ngụ ở P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thốt lên: “Đó là những hình ảnh quá đẹp, tôi rất thích! Các em đã không quản ngại mọi khó khăn gian khổ để đảm bảo an toàn trật tự cho thí sinh và phụ huynh. Tôi không biết những tình nguyện viên đó làm vì cái tâm hay vì phong trào, nhưng những hình ảnh ấy khiến tôi luôn cảm thấy phấn chấn theo”.
Sinh viên Nguyễn Ngọc Dung (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng khẳng định: “Đó là hình ảnh rất đẹp. Nếu là tôi thì tôi vẫn làm như các bạn ấy, dù biết rằng có nguy hiểm. Bởi vì điều đó thể hiện lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ không ngại khó khăn, biết hy sinh vì cộng đồng, thể hiện được trách nhiệm của những người đi trước đối với đàn em đi sau”.
Ông Nguyễn Hữu Tùng, hành nghề xe ôm đối diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu ý kiến: “Tôi ủng hộ hành động này của các SVTN. Nếu không có lực lượng tình nguyện đó thì phụ huynh hay tràn ra đường một cách lộn xộn, sẽ gây cảnh kẹt xe. Tôi nghĩ là không nguy hiểm vì họ đứng theo từng tốp, người đi đường sẽ thấy và giảm tốc độ. Với tôi, hình ảnh đó rất dễ thương, vì các em giúp ổn định giao thông”.
Từng được những SVTN đưa qua đường, thí sinh Trần Minh Ngọc (tỉnh Đồng Nai) hoàn toàn ủng hộ việc làm trên của các tình nguyện viên. Ngọc bày tỏ: “Lần đầu tiên đến TP.HCM thi, em thấy rất bỡ ngỡ. Nhìn các xe lấn làn, em lo sợ không dám qua đường. May mà nhờ các anh chị ngăn làn đường, cầm tay dắt đi. Em thấy rất xúc động và cũng sẽ xung phong làm như mấy anh chị khi em đậu vào đại học”.
“Đẹp không nên gắn chung với nguy hiểm”
Chứng kiến những SVTN làm thành “dải phân cách” trên đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức - đoạn đường có nhiều xe tải qua lại, có những người dân thấy… thót tim lo lắng cho các tình nguyện viên.
Ông Trần Ngọc Sang (một người dân sống bên đường Võ Văn Ngân) nói: “Tại một vài điểm thi, tôi thấy có giăng dây hoặc dựng dải phân cách tạm thời ngăn làn đường, tạo được lối đi bộ riêng cho thí sinh rất an toàn. Vậy tại sao các cháu này lại phải ra đường đứng phơi nắng và bất chấp nguy hiểm như vậy? Tôi thấy việc làm này không khoa học lắm”.
Còn ông Lê Văn Toàn (Q.Thủ Đức) lo lắng: “Giữa trời nắng như đổ lửa, nhìn các cháu tình nguyện viên trong trang phục áo xanh đứng dàn hàng ngay trước cửa nhà, tôi thấy rất thương. Thế nhưng, tôi không đồng tình với việc làm của các cháu vì đoạn đường này nhiều xe tải trọng lớn qua lại. Tôi thấy không an toàn cho các cháu”.
Một phụ huynh ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa con đi thi hoang mang: “Năm nay nếu con tôi đậu đại học thì sang năm có phải đi làm tình nguyện viên không? Nếu cháu đi làm như mấy cô cậu SVTN năm nay thì nguy hiểm quá! Tôi đi ở vòng trong đã được các cháu tình nguyện viên bảo vệ bên ngoài mà vẫn có cảm giác sợ lắm, huống chi là...”.
Khác với quan điểm của cha mình là ông Lê Văn Khắp, Lê Văn Kha (đang là sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và là người thường xuyên tham gia những hoạt động thiện nguyện cùng gia đình) nêu suy nghĩ: “Theo tôi, nên hạn chế tối đa chuyện tình nguyện viên làm dải phân cách sống, vì nó rất nguy hiểm. Hình ảnh đó quả là có đẹp nhưng nét đẹp ở đây không nên gắn chung với sự nguy hiểm. Làm như vậy, SVTN có khi gây ra tai nạn cho chính bản thân mình”.
Lê Văn Kha nói thêm: “Các bạn sinh viên tham gia điều phối lưu thông chỉ mang tính thời vụ, nên cho dù có được tập huấn cỡ nào cũng không thể làm tốt bằng cảnh sát giao thông. Người đi đường thấy tình nguyện viên đứng chật chội trên đường, có khi họ bực bội, bốc đồng thì có thể dẫn tới tai nạn giao thông”... (còn tiếp)
Sinh viên tình nguyện TP.HCM làm thành “dải phân cách sống” trên đường An Dương Vương,
quận 5, TP.HCM trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 - Ảnh: Đào ngọc Thạch
Kỳ sau: Những người trong cuộc lên tiếng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.